Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:24 (GMT +7)
Đỗ Hoà An – Nhạc sĩ cầm tinh con mèo
Thứ 7, 21/01/2023 | 11:24:07 [GMT +7] A A
Theo quan niệm từ xưa, mèo là con vật đứng thứ tư trong mười hai con giáp, tượng trưng cho lòng tốt, sự nhạy cảm và dịu dàng. Những người tuổi Mão cũng rất hiếu khách và thích giúp đỡ người khác. Nhạc sĩ Đỗ Hoà An sinh năm Tân Mão (1951), quê hương ông là Phú Thọ nơi Đất tổ Hùng Vương. Ông luôn coi Quảng Ninh là quê hương thứ hai của mình bởi đã có tới hơn 50 năm gắn bó với nơi đây. Ông đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển âm nhạc mang truyền thống của những người công nhân Vùng mỏ.
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An tên thật là Đỗ Văn Đồng. Bút danh Đỗ Hoà An trong các tác phẩm âm nhạc có khởi nguồn từ họ Đỗ của ông. Còn tên đệm Hoà là tên người vợ của ông, nguyên là ca sĩ Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh năm xưa. Cố nghệ sĩ Vùng mỏ Bích Hoà sinh năm 1955, mất năm 2014. Còn An là tên con gái của ông bà.
Cho đến nay, Đỗ Hoà An đã sáng tác được hơn 700 tác phẩm âm nhạc với nhiều chủ đề khác nhau về Tổ quốc, về Đảng, Bác Hồ, về biển đảo quê hương, về mái trường, thầy cô, ngành Than, người thợ mỏ và thiếu nhi. Những tác phẩm đó đã mang về nhiều giải thưởng lớn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và một số bộ, ngành, địa phương trao tặng trong các cuộc thi sáng tác âm nhạc.
Cơ duyên đến với con đường âm nhạc của Đỗ Hoà An thật tình cờ khi ông đang học lớp 8 Trường cấp 3 Hùng Vương (Phú Thọ) thì gặp Đoàn tuyển sinh của Trường nhạc Việt Nam (sau này là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) về tuyển sinh. Với niềm yêu thích ca hát từ nhỏ cùng những làn điệu hát xoan và hát ghẹo trong các dịp lễ hội của quê hương Phú Thọ, ông đã mạnh dạn đăng ký dự tuyển với bài hát “Cồn Cỏ anh hùng”. Không ngờ ông đã may mắn trúng tuyển. Ông đã đăng ký theo học khoa nhạc cụ đàn Accordion (còn gọi là đàn phong cầm).
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An kể lại: “… Hồi đi học Trường nhạc, mỗi lần về thăm nhà tôi được bầm (quê ông gọi mẹ là bầm) chiều chuộng nhất nhà. Mọi việc nhà nông, bầm nhất định không cho tôi làm. Không phải do mình là con trưởng trong gia đình mà bầm bảo vì sợ mình ảnh hưởng đến bàn tay không “đánh” được đàn nên đều sai các em làm thay…”.
Với đức tính khiêm tốn nên khi kể về “lòng tốt ”của mình với mọi người ông cho rằng việc giúp đỡ người khác là việc làm bình thường trong cuộc sống của mỗi con người. Có lần, người viết bài này tình cờ đọc được một tản văn có tựa đề “Dấu lặng” trong cuốn sách “Từ xa Hà Nội” của nhà văn Mai Lâm (bạn thân của nhạc sĩ Đỗ Hoà An) viết về “lòng tốt và thảo tính” của người bạn Đỗ Văn Đồng thời cùng học Trường Âm nhạc Việt Nam (lúc đó đang sơ tán tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) năm xưa.
Nhà văn Mai Lâm viết: “…Tôi bảo với Đồng: Bây giờ mà mày mua áo bông thì chỉ mình mày ấm. Mày xem cả trường mấy thằng có áo bông đâu! Nhưng nếu mình dùng tiền này ăn kẹo lạc thì cả hai thằng đều ấm. Kẹo lạc rất nhiều chất, bảo đảm sẽ qua được mùa đông này.
- Rét thì tao không sợ, chỉ sợ lúc về ăn tết bố tao hỏi cho tiền rồi, áo bông đâu thôi!
- Lúc í tính sau, bố mày chữa xe đạp nổi tiếng thị xã Phú Thọ, thiếu gì tiền!
Quyết rồi, hai thằng ung dung chiều chiều ra nhà cụ Đạt cuối xóm mua kẹo lạc đánh chén. Kẹo lạc nhà cụ Đạt thì ai học trường nhạc thời ấy chả biết, thơm giòn, lại hơi cay tí gừng. Mua xong trèo lên nằm chạc cây nhãn nhâm nhi, ăn dè thôi mà ăn đến đâu người tỉnh ra đến đấy. Chắc bây giờ có nhai sâm Ngọc linh cũng đến thế là cùng. Tôi còn ăn dỗ của Đồng thêm nửa chiếc áo bông, khi Đồng về quê ăn tết lên....".
Nhắc lại chuyện xưa, Nhạc sĩ Đỗ Hoà An cười vui: “Hồi đó mình thương bạn nên hay trả nợ tiền “ăn chịu” mấy quán hàng cho bạn mà thôi”. Nhà văn Mai Lâm, hiện định cư tại nước Đức, mỗi lần về thăm quê hương ông đều dành thời gian về Hạ Long thăm Đỗ Đồng.
Cha sinh con trời sinh tính. Cái tính cách của ông bạn Đỗ Đồng của ông có lẽ đã được quy định từ trước. Theo thuyết ngũ hành thì những người sinh năm Tân Mão (1951) thuộc mệnh mộc hay còn gọi là Tùng bách mộc (chỉ phần gỗ của cây tùng hoặc cây bách trong rừng). Họ rất thích được yên ổn. Những người tuổi Mão thường tìm cách để tránh mọi sự cạnh tranh hay xung đột. Và họ cũng không thích sự liều lĩnh.
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An nhớ lại: “Do có học lực tốt nên hồi đó vào đầu năm thứ 3 khi đang học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (thời gian này Trường đã chuyển về Hà Nội), tôi được Nhà trường thông báo đi khám sức khoẻ và làm hồ sơ để đi du học tại Liên Xô. Làm xong các thủ tục cần thiết, tưởng như chỉ còn chờ ngày lên đường thì đột ngột nhận được thông báo lại là mình không có tên trong danh sách đi Liên Xô nữa mà lý do đưa ra không hề minh bạch. Thay vào đó là tên một người khác. Lúc đó tôi cũng buồn nhưng không hề “cay cú” mà chỉ biết ngậm ngùi “nhẫn nhịn” ở lại Trường tiếp tục theo học. Năm 1971, ra trường, tôi được phân công về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh…”.
Nhạc sĩ Đỗ Hoà An tâm sự: “Kể ra thì "trong cái rủi lại có cái may”, về Quảng Ninh công tác tôi được trải nghiệm bởi nếp sống văn hoá nghệ thuật của những người công nhân mỏ. Mảnh đất và con người nơi đây đã giúp tôi trưởng thành và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi được thành danh trên con đường âm nhạc…”.
Có thể nói, Đỗ Hoà An là người rất “tinh mắt” trong việc sớm phát hiện những năng khiếu âm nhạc của thiếu nhi. Chính ông là người thầy đã dìu dắt những bước đi đầu tiên trên con đường ca hát của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Khi đó bài hát “Khúc hát chim sơn ca” sáng tác của Đỗ Hoà An là bài hát được Ngọc Anh thể hiện rất thành công. Bé Vũ Thu An quán quân cuộc thi Đô-Rê-Mi năm 2014 cũng là được nhạc sĩ Đỗ Hoà An hướng dẫn truyền dạy những kỹ năng ca hát để rồi với năng khiếu sẵn có, em đã giành nhiều giải thưởng cao khi thể hiện nhiều bài hát, đáng nhớ nhất là bài “Trái đất tò he” của nhạc sĩ Đỗ Hoà An. Năm 2017, ông còn phát hiện cậu bé 8 tuổi Nguyễn Kim Huy quê Hải Dương có năng khiếu âm nhạc, đặc biệt là hát chầu văn. Từ đó nhạc sĩ đã trực tiếp gặp gỡ động viên gia đình đưa Huy ra Hạ Long học tập để ông có điều kiện truyền dạy và bồi dưỡng những kỹ năng âm nhạc cần thiết. Năm 2019, trong cuộc thi “Liên hoan Giai điệu Sơn ca” do Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, tiết mục đơn ca của Nguyễn Kim Huy với bài hát “Cha” sáng tác của Đỗ Hoà An đã được trao giải Vàng bởi giọng hát ngọt ngào, trong trẻo chinh phục khán giả.
Những năm bao cấp gian khó, ngoài công việc của Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh, nhạc sĩ họ Đỗ còn “mày mò” học hỏi thêm một nghề đó là... xiếc tôm cá. Hàng đêm, ông theo bạn bè xuống bãi biển gần nhà xiếc hải sản tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Đỗ Hoà An kể lại, chính 2 ca khúc “Hạ Long biển nhớ” và "Quê em” được nhiều người yêu thích đã ra đời trong thời gian khó này.
Hình như tuổi Tân Mão của ông cũng thường gặp được may mắn. Còn nhớ năm ông 53 tuổi (2004) ông bị tai biến nặng, suốt mấy tháng điều trị ông mất trí nhớ, không đọc được chữ viết và những con số, thậm chí không nhận biết được mệnh giá của đồng tiền. Ấy vậy mà nhờ sự tận tình cứu chữa của các y, bác sĩ cùng sự chăm sóc chu đáo của gia đình, nhất là người vợ yêu quý của ông, ông đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Sau khi bình phục ông tiếp tục hoàn thành khoá học năm cuối hệ đại học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trong sáng tác ca khúc, Đỗ Hoà An luôn chắt lọc và lựa chọn những ca từ sát thực tế gắn liền với cuộc sống đời thường, khi sáng tác ca khúc cho các địa phương ông thường tìm hiểu rất kỹ những nghị quyết, phương hướng và tầm nhìn của sự phát triển kinh tế - xã hội đã được hoạch định phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy mà nhiều ca từ tưởng như “khô khan và khó hát” được ông đưa vào trong những khúc thức tạo nên sự khác biệt riêng mang thương hiệu “Ca khúc của Đỗ Hoà An”. Sự học hỏi và tiếp cận với khoa học công nghệ thời kỳ 4.0 trong sáng tác âm nhạc của ông thật đáng nể bởi với tuổi 71, ông đã và đang soạn nhạc trên phần mềm chuyên dụng một cách thành thạo. Thành quả và niềm tự hào của nhạc sĩ Đỗ Hoà An năm 2009 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba. Nhiều tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác được rất nhiều người yêu thích và lan toả đi cùng năm tháng.
Tin vui mới nhất đối với nhạc sĩ Đỗ Hoà An và công chúng yêu nhạc Quảng Ninh trong mùa xuân này đó là “Cụm công trình âm nhạc” gồm 4 ca khúc: “Hạ Long biển nhớ”, “Mặt trời trên Khuê Văn Các” (phổ thơ Thi Sảnh), “Trụ biển” và “Mộ gió” (phổ thơ Trịnh Công Lộc) đã được xét tặng “Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2021”. Có thể khẳng định rằng, nhạc sĩ Đỗ Hoà An rất xứng đáng là một Nhà giáo Ưu tú với những phần thưởng cao quý được trao tặng.
Huy Đào
Liên kết website
Ý kiến ()