Hơn 62% người Việt thi IELTS năm 2022 trong độ tuổi từ 16 đến 22, nhiều gấp bốn lần năm 2018.
Báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023, được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố sáng 27/12, nhận định độ tuổi thi IELTS của người Việt Nam ngày càng trẻ.
Cụ thể, vào năm 2018, hơn 50% người thi IELTS có độ tuổi trên 23. Chỉ gần 1,5% người thi IELTS thuộc độ tuổi 16-18, hơn 13% trong nhóm 19-22 tuổi.
Sau 5 năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên 16-22 tuổi trong tổng số người thi IELTS tăng lên 62%. Tính riêng, nhóm 16-18 tuổi chiếm 30%, tăng 20 lần so với năm 2018; nhóm 19-22 tuổi tăng hơn hai lần; còn nhóm trên 23 tuổi giảm hơn một nửa, từ gần 52 xuống 20%.
IELTS là chứng chỉ năng lực Tiếng Anh quốc tế, được hơn 11.000 cơ sở đào tạo và tổ chức trên thế giới chấp nhận.
Từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Năm 2021, hơn 28.600 thí sinh thuộc diện này, năm 2022 tăng lên hơn 35.000 và năm nay gần 47.000 em.
Ngoài ra, hàng chục đại học xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS và tương đương. Đây là những lý do khiến nhóm thí sinh ở độ tuổi này tăng.
Các chuyên gia đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh Việt có sự cải thiện đáng kể, nhất là trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu trên trang chủ IELTS, điểm thi trung bình của người Việt năm 2022 là 6.2/9.0, xếp thứ 23 trên tổng số 40 quốc gia tổ chức kỳ thi IELTS, cùng hạng với Hàn Quốc, Pakistan và Ấn Độ. Cũng trong năm này, điểm thi TOEFL trung bình của người Việt là 77/120, xếp thứ 24/30 nước và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á.
Trong cả hai kỳ thi này, học sinh Việt thể hiện thế mạnh trong kỹ năng Đọc, Nghe, gặp khó khăn với kỹ năng Nói với 14/30 điểm TOEFL và 5.8/9.0 IELTS.
"Học một ngôn ngữ thành công không đơn thuần là học và giải thích khái niệm ngữ pháp hay ý nghĩa từ vựng, mà học để giao tiếp hiệu quả", các chuyên gia nhìn nhận. Họ kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu cải cách, tập trung phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh có thể cải thiện kết quả học ngoại ngữ của các em.
Ý kiến ()