Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 20:34 (GMT +7)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chất vấn tại hội trường
Thứ 2, 17/06/2013 | 05:31:51 [GMT +7] A A
Theo chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 13-6 và sáng 14-6-2013, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường. Các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia chất vấn.
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia chất vấn Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình và các bộ, ngành liên quan. ĐBQH Trần Văn Minh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về 2 nội dung: Giải quyết lao động ở các doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã tiếp thu và trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Minh tại phiên họp.
ĐBQH Đỗ Thị Hoàng chất vấn Viện trưởng Viện KSND tối cao 3 nội dung. Thứ nhất, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt từ khâu điều tra, kiểm sát, xét xử. Tỷ lệ bị cáo được tòa tuyên cho hưởng án treo nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết, Viện đã chỉ đạo những giải pháp gì để xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay?
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chất vấn tại hội trường. |
Thứ hai, thời gian qua, việc tranh tụng của các kiểm sát viên tại tòa đã có nhiều chuyển biến, song chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vậy đâu là nguyên nhân tồn tại và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm việc tranh tụng dân chủ, công khai theo yêu cầu cải cách tư pháp?
Thứ ba, trong hoạt động xét xử hiện nay, các bản án có kháng nghị phải giám đốc thẩm có sự khác biệt khá lớn về quyết định, cụ thể là tỷ lệ án phúc thẩm bị cải, sửa, hủy qua giám đốc thẩm còn cao. Cá biệt có vụ án tại Quảng Ninh, Viện KSND tối cao đã kháng nghị hủy cả án sơ thẩm, phúc thẩm nhưng việc xét xử vẫn không đúng đường lối theo kháng nghị của Viện KSND tối cao và giám đốc thẩm của TAND tối cao. Đề nghị đồng chí Viện trưởng cho biết nguyên nhân, biện pháp khắc phục tình trạng trên thông qua công tác kiểm sát hoạt động xét xử tại các cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm?
Trả lời chất vấn trên, Viện trưởng Viện KSND tối cao đồng tình với nhận xét được nêu trong chất vấn, đồng thời cung cấp một số thông tin thực tế về các loại án kinh tế, tham nhũng và giải pháp khắc phục. Cụ thể:
Về án kinh tế và án tham nhũng, đến nay, số lượng xử án treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác (bình quân là 21%). Tuy nhiên, đối với án kinh tế, với loại tội phạm lấy đồng tiền làm phương tiện và mục đích phạm tội thì phải chú trọng hình phạt kinh tế. Theo đó, với những vụ án kinh tế, khi đã khắc phục hậu quả, khi đã bị phạt, khi đã bị tịch thu tiền, tài sản, hàng hóa thì yêu cầu đặt ra hình phạt tù đối với án kinh tế cũng không phải quá đề cao.
Đối với án tham nhũng, dù số lượng cao nhưng Viện KSND tối cao cũng thống nhất khẳng định của đồng chí Chánh án TAND tối cao khi trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Tất cả các vụ án mà xử án treo đều đã vận dụng đúng pháp luật.
Từ thực tế trên, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục tồn tại như: Kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng các cáo trạng có đề xuất án treo. Đối với vụ án tham nhũng mà cấp dưới đề xuất án treo thì phải trình lên cấp trên để kiểm tra; trong trường hợp tòa tuyên xử án treo không phải là đề nghị của ngành thì phải báo cáo cấp trên để xem xét kháng nghị. Đối với án tham nhũng do chủ thể chủ yếu là những người có chức, có quyền, cho nên trước thời điểm phạm tội thì hầu hết đều có nhân thân tốt. Nhưng đây không được xem là tình tiết giảm nhẹ và phạm tội một lần cũng vậy, không có trường hợp tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để lại tham nhũng tiếp thì điều này cũng không xảy ra. Viện Kiểm sát yêu cầu chỉ đạo là 2 tình tiết này không được phép áp dụng trong đề xuất của Viện kiểm sát đối với tội phạm tham nhũng. Ngành Kiểm sát đang tập hợp, đánh giá và sẽ tổ chức một hội nghị bàn với cơ quan điều tra, tòa án về những biện pháp để giảm án treo trong án tham nhũng.
Về chất lượng tranh tụng tại tòa hiện nay, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết: Viện KSND tối cao đã báo cáo Quốc hội, đây là một yêu cầu để xây dựng nền tư pháp mạnh, vì công lý và cũng là yêu cầu của cải cách tư pháp. Thực tế, do mới tiếp cận và do trình độ cán bộ, đặc biệt cán bộ ở cơ sở, nên tranh tụng chưa sắc sảo trước phiên toà. Để nâng cao chất lượng tranh tụng trước toà, Viện trưởng Viện KSND tối cao đưa ra một số giải pháp như: Đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao trình độ cán bộ; đào tạo lại, trao đổi kinh nghiệm, có bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và đặc biệt cùng với ngành Toà án tổ chức ngày càng nhiều các phiên toà điểm rút kinh nghiệm để cán bộ, kiểm sát viên tham gia. Tăng cường phối hợp với Liên đoàn Luật sư, đặc biệt là với cơ quan điều tra, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư tham gia vụ án ngay từ đầu, không cản trở gì. Về lâu dài, sẽ đề nghị sửa Luật tố tụng hình sự để tạo điều kiện tốt hơn cho luật sư tham gia các vụ án.
Về tình hình án giám đốc thẩm và liên quan đến một vụ án cụ thể ở Quảng Ninh, Viện trưởng Viện KSND tối cao trả lời: Về giám đốc thẩm, Viện Kiểm sát đã có kháng nghị rất nhiều và tính đến thời điểm này, tỷ lệ kháng nghị của Viện Kiểm sát được Tòa án chấp nhận là 75%, so với chỉ tiêu của Nghị quyết 37 thì đã đảm bảo. Về vấn đề này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nêu: Khi thấy bản án có những căn cứ vi phạm pháp luật, Chánh án hoặc Viện trưởng kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao sẽ xét xử lại một số bản án theo thẩm quyền và sau đó sẽ ban hành quyết định giám đốc, nhưng cũng có một số trường hợp Tòa án cấp dưới xét xử lại nhưng không tuân theo đường lối của giám đốc và xét xử lại có khi lại trở lại như bản án đã bị kháng nghị. Đây là một vấn đề lớn trong tố tụng liên quan đến việc quy định của pháp luật. Ngành Tòa án đã kiến nghị với Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp và sắp tới đây sẽ sửa đổi trong các luật để quy định tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải tuân theo đường lối xét xử của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Đối với vụ án cụ thể ở Quảng Ninh, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết đã chỉ đạo Viện KSND tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu có sai thì Viện Kiểm sát sẽ có kiến nghị và sẽ được giải quyết ở cấp cao hơn.
Ngô Sỹ Khảo (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()