Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:08 (GMT +7)
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tổ
Chủ nhật, 09/06/2013 | 23:55:21 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, chiều 8-6, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tổ cùng các Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Khánh Hoà về hai dự án luật: Luật Việc làm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ. |
Tham gia dự thảo Luật Việc làm, các đại biểu đều tán thành việc xây dựng Dự án Luật Việc làm là hết sức cần thiết, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động. Trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ, người lao động nguy cơ mất việc nhiều thì việc làm là vấn đề mà người dân rất quan tâm. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng đề nghị, cần thiết phải có quy định chính sách của Nhà nước về việc làm như dự thảo Luật cho các đối tượng là phù hợp. Tuy nhiên, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với lao động bị bệnh xã hội không mong muốn (Điều 5), bổ sung đầu tư nâng cao năng lực tổ chức dịch vụ công về hướng nghiệp để phát triển thị trường lao động (Điều 15); đặc biệt, nghiên cứu quy định trong luật về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, đảm bảo bình đẳng với Trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực này nhằm xã hội hoá nguồn lực, thực hiện tốt hơn công tác tạo việc làm trong xã hội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia những nội dung khác liên quan đến việc hỗ trợ tạo việc làm; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bảo hiểm thất nghiệp...
Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, các đại biểu cho rằng Luật Thi đua, khen thưởng thời gian qua đã có những đóng góp nhất định trong công tác khen thưởng, kịp thời động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, đến nay cũng tồn tại những bất cập, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Các đại biểu nhất trí cao việc bổ sung quy định về công tác thi đua khen thưởng trong các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đặc thù, tập đoàn kinh tế... và bổ sung quy định thẩm quyền đề nghị khen thưởng tại Điều 83 đối với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các ban của Đảng và tương đương ở Trung ương; đảm bảo tính thống nhất khen thưởng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, nhất trí việc sửa đổi khen thưởng theo hướng không cộng dồn thành tích, không dùng khen thưởng cấp thấp làm điều kiện để khen thưởng cấp cao như dự thảo luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, bổ sung, bao quát đủ các đối tượng được khen thưởng và mở rộng thẩm quyền khen thưởng cho người đứng đầu của các tổ chức đối với tổ chức mình và những người đứng đầu các tổ chức khác nhưng có công trạng đóng góp nhiều cho hoạt động của tổ chức mình, để đảm bảo tính kịp thời trong khen thưởng. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy định về thời điểm, thời gian, tiêu chí xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghiên cứu bổ sung các quy định về thi đua vì dự thảo mới chú trọng đến công tác khen thưởng và tham gia một số điều, khoản quy định cụ thể trong Luật.
Nguyễn Thị Ngân (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()