Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:31 (GMT +7)
Doanh nghiệp lo âu khi giá cà phê liên tục biến động
Thứ 6, 21/06/2024 | 11:05:26 [GMT +7] A A
Với việc giá cà phê liên tục biến động ở mức cao, có thời điểm phá kỷ lục vượt hơn 140.000 đồng/kg đang khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê ở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là cả rủi ro trong kinh doanh.
Cần cẩn trọng, tránh rủi ro khi xuất khẩu
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 210.000ha cà phê với sản lượng 520.000 tấn cà phê/năm. Từ đầu năm 2024 đến nay, các công ty sản xuất, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh đã hợp tác, kinh doanh và có nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, anh N.Đ.V - Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, trụ sở đóng ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xuất khẩu 30.000 tấn cà phê sang thị trường Trung Đông, Nhật Bản... Tuy nhiên, khi giá cà phê tăng cao đã gây sức ép cực lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu. Chúng tôi đang phải hết sức cân nhắc việc ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài ở thời điểm phù hợp nếu không sẽ thiệt hại về kinh tế". Theo anh N.Đ.V, hiện doanh nghiệp thu mua cà phê từ nông dân buộc phải theo giá thị trường.
Phân tích về việc này, ông N.Đ.V cho hay, thí dụ, khách hàng ở Trung Đông muốn đặt khoảng 500 tấn cà phê nhân, thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng thỏa thuận trước với đại lý thu mua trung gian với giá hiện hành. Hàng hóa cà phê có thể giao sau nhưng với tiền bạc thì phải thỏa thuận trước.
Việc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đơn vị ký kết bởi giá cà phê tăng cao hơn thời điểm ký kết thì chúng tôi sẽ phải bù lỗ để mua hàng giao cho đối tác; còn khi giá cả xuống thấp người dân không bán ra chúng thôi không có hàng để giao cho đối tác thì phải đền bù hợp đồng...
Không những vậy, trong bối cảnh giá cả lên xuống như hiện nay thì ngay cả việc đặt cọc, thỏa thuận trước với người nông dân cũng tiềm ẩn rủi ro. Bởi trên thực tế đã có nhiều vụ việc người dân quay lưng với đại lý, doanh nghiệp khi giá lên cao, không thực hiện hợp đồng và bẻ kèo hợp đồng đã đặt cọc trước đó.
Ông Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Công ty TNHH Cà phê C.N ở Gia Lai - chia sẻ: “Giá cà phê tăng cao đột biến, một số đại lý, hộ dân thu mua nông sản chậm giao hàng cho doanh nghiệp. Để tránh xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng, khối lượng, đơn vị phải bỏ tiền túi ra thu mua giùm đại lý với giá cao hơn”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai - lý giải, thời gian qua, các đơn vị thu mua cà phê xuất khẩu ra nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do giá cà phê tăng cao bất thường.
Sản lượng xuất khẩu cà phê giảm, giá trị tăng
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - chia sẻ, niên vụ này công ty sẽ giảm sản lượng xuất khẩu so với năm trước khoảng 15% (từ 115.000 tấn theo mục tiêu đề ra xuống 100.000 tấn). Bởi 3 năm qua, thời tiết không thuận lợi, mất mùa. Điều này dẫn đến việc người nông dân trên địa bàn giảm diện tích trồng nên dẫn đến giảm sản lượng thu hoạch, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn hàng hơn.
Bên cạnh đó, giá cà phê đang tăng cao nên doanh nghiệp không đủ nguồn tiền để mua lúc cao điểm dẫn đến việc cần phải giảm sản lượng kinh doanh. Đặc biệt là phải siết chặt nguồn hàng bán ra để quản lý rủi ro, tránh thiệt hại về kinh tế, chỉ khi có đủ hàng mới bán cho đối tác quốc tế. Hơn nữa, niên vụ 2024 - 2025 tới, cà phê tại địa bàn có khả năng mất mùa do hạn hán nên các doanh nghiệp cũng hết sức thận trọng trong hoạt động kinh doanh...
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, năm nay, giá cà phê tăng cao. Thế nên, dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại tăng cao. Năm 2023 sản lượng cà phê xuất khẩu của Gia Lai đạt 240.000 tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 490 triệu USD.
Trong khi đó, chỉ 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh Gia Lai đạt 140.000 tấn và đã thu về tương ứng giá trị kim ngạch 428 triệu USD. Dù giảm về sản lượng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 38,6%, hiện chiếm hơn 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Theo đánh giá, từ đầu năm đến nay, nhờ yếu tố giá và nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng cao tại một số thị trường chính như EU, Mỹ… Việc này đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh. Đến nay, giá cà phê thu mua nội địa đã tăng gấp 2 lần, giá xuất khẩu bình quân tăng cao hơn 30% so với cùng kỳ, dao động trong khoảng 3.050-3.400 USD/tấn.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()