Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:34 (GMT +7)
Doanh nghiệp, người dân vẫn khổ với lãi suất cho vay cao ngất
Thứ 7, 01/07/2023 | 08:06:52 [GMT +7] A A
NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp nhưng trong khi lãi suất huy động hạ nhanh thì cho vay còn chậm, doanh nghiệp và người dân vẫn phải chịu mức lãi cao.
Khảo sát của VTC News cũng cho thấy, đến ngày 30/6, dù nhiều ngân hàng đã giảm mức lãi suất cho vay nhưng với các khách hàng cũ của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao ở mức 12 - 14%.
Doanh nghiệp nơm nớp lo trả nợ lãi cao
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt (Hà Nội) cho biết, hiện tại thời điểm này, doanh nghiệp của ông không dám vay vốn mới để đầu tư vì lãi suất cao, trong khi hoạt động kinh doanh cũng chưa mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, doanh nghiệp còn đang nặng gánh với khoản vay trước đây chưa thể trả hết. Theo ông Bằng, dù các ngân hàng nói rằng đã tích cực giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế doanh nghiệp của ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác chưa được hưởng chính sách đó vì họ là khách hàng cũ.
"Hiện tại, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cho khoản vay trước đây là 13,8 - 13,9%/năm. Vài tháng trước, doanh nghiệp phải chi trả lãi suất tới 15,9%, nay giảm xuống 13,9%. Tuy có giảm nhưng đây vẫn là mức lãi suất quá cao so với 8,5% trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19", ông Bằng nói.
Doanh nghiệp kiến nghị các khoản vay cũ cũng cần được giảm lãi suất để các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh
Ông Đỗ Văn Bằng, GĐ hãng xe Sao Việt (Hà Nội)
Ông Bằng cũng cho rằng, sau khi lãi suất cho vay đã giảm xuống mức phổ biến là 9,5 - 11,2% như hiện tại thì nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay, trong bối cảnh kinh doanh thiếu ổn định nên dễ gây mạo hiểm. "Do vậy, chúng tôi rất mong muốn ngành ngân hàng thực hiện nhanh chóng, rốt ráo và triệt để việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giải ngân mới và giảm lãi suất theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Doanh nghiệp kiến nghị các khoản vay cũ cũng cần được giảm lãi suất để các doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh", ông Bằng đề xuất.
Tương tự, ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Tuyên Quang) đang chăn nuôi hàng nghìn con trâu, bò mỗi năm cho biết, việc lãi suất những ngày gần đây tuy có giảm nhưng không đáng kể so với trước đây và chênh lệch rõ rệt với lãi suất huy động. "Hiện nay, lãi suất mới chỉ giảm 0,75% so với trước khi có chỉ đạo của NHNN, theo tôi đây là một mức giảm không đáng kể và doanh nghiệp chắc chắn sẽ khó xoay sở", ông Oanh nói.
Cũng theo ông Oanh, trước đây các gói lãi suất dành cho sản xuất nông nghiệp được hưởng là 6,5%/năm, nhưng hơn 2 năm qua, Hợp tác xã không còn được hưởng gói lãi suất ưu đãi đó nữa, mà có thời điểm vay dành cho chăn nuôi cũng phải gánh lãi suất 10,5%. "Hiện nay chúng tôi vẫn phải vay với lãi suất 8,5 - 10,5%", ông Oanh cho biết thêm.
May mắn hơn, ông Nguyễn Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp hiện đã được vay vốn với nhóm ưu đãi thấp, chỉ còn hơn 6% so với 10% trước kia. Tuy nhiên, ông Quang thừa nhận việc giảm lãi suất còn tùy thuộc vào chính sách, khả năng đáp ứng của mỗi ngân hàng nên việc doanh nghiệp khó vay vốn với lãi suất ưu đãi là điều dễ hiểu.
Không chỉ với doanh nghiệp mà các khách hàng cá nhân cũng nhận xét lãi suất cho vay thực tế chưa giảm nhiều, dù lãi suất huy động đã hạ rất mạnh. Chị Phạm Vân ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, cuối năm 2021, gia đình chị làm hồ sơ vay vốn ngân hàng để mua mảnh đất tại Long Biên, Hà Nội. Số tiền vay là 1 tỉ đồng, lãi suất ở thời điểm đó là 10%. Hiện nay, mức lãi suất phải trả vẫn đang là 9,3%. Trong bối cảnh bất động sản đang chạm đáy, việc phải cõng lãi cao trong thời dài khiến vấn đề tài chính của chị luôn trong tình trạng căng thẳng.
Một khách hàng khác, chị Mai Ly (Hà Nội) chia sẻ, chị vay 2 tỷ đồng để mua nhà ở Yên Nghĩa, Hà Đông. Mức lãi suất hiện nay chị Ly đang phải trả là 13,1%, giảm 0,4% so với năm ngoái. "Đây là lãi vay phổ biến ở các ngân hàng hiện nay. Trên lý thuyết là giảm nhưng giảm nhỏ giọt, con số thực mà khách hàng phải vẫn rất cao", chị Mai Ly cho biết.
'Lãi suất đã cao, lại còn rất khó vay'
Đại diện doanh nghiệp và người dân cho biết, dù ngân hàng hứa sẽ cải thiện việc giải ngân vốn nhưng thực tế, vay được vốn ngân hàng thời điểm này vẫn "khó như lên trời".
Trả lời VTC News, một nhân viên ngân hàng thông tin, đối với doanh nghiệp sản xuất, yếu tố cơ bản vẫn phải là có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính chuẩn và trình bày được nguồn kinh doanh khả quan. Mà để đảm bảo được các tiêu chí này là điều không dễ và yêu cầu doanh nghiệp báo cáo tài chính trung thực. Ngân hàng sẽ có phần mềm quét các số liệu báo cáo tài chính để có được thông tin chuẩn xác nhất về hoạt động của doanh nghiệp.
Vẫn theo nhân viên này, hiện lãi suất vay đã có phần “hạ nhiệt” nhưng so với trước, hạn mức cho vay, định giá tài sản thế chấp đối với khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lại thấp hơn trước. "Tuy nhiên, đây là vấn đề riêng của từng ngân hàng cũng như khách hàng và không mang tính cố định. Cá nhân, doanh nghiệp khi tiếp cận mới thực sự biết yêu cầu của họ là gì và có đáp ứng được hay không", nhân viên này nói.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc một công ty bất động sản tại Hà Nội cho biết, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó trong vấn đề định giá tài sản do giá đang giảm mạnh, chỉ bằng 60-70% so với trước đây. Tỷ lệ vốn vay trên mức định giá hiện nay là 70%, thấp hơn 20% so với cách đây vài tháng. Cuối tháng 2/2023, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản của Ngân hàng ACB là 75% nhưng nay là 70%, của BIDV từ 90% còn 70%, của PVCombank từ 85% xuống còn 70%.
Nhân viên tín dụng của một ngân hàng cũng cho biết, cuối 2022, đối với tài sản thế chấp là căn hộ chung cư giá 3 tỷ đồng thì mức cho vay là 2,5 tỷ đồng nhưng hiện nay hạn mức đối với tài sản này chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng.
Đại diện các ngành nghề khác cũng than, phải rất chật vật để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nêu thực trạng, ngành gỗ đang trong giai đoạn khó khăn nhất lịch sử do “đói" đơn hàng, thiếu đầu ra. Để cho vay, ngân hàng cần phải thẩm định hợp đồng. Nhưng vấn đề là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bây giờ lấy đâu ra đơn hàng để trình thủ tục vay vốn được?
“Tiếp cận vốn mới là chủ trương, nhưng để qua được các cửa ải về tiêu chí, doanh nghiệp phải đối mặt với quá nhiều thử thách. Ví dụ như một doanh nghiệp gỗ 4-5 tháng mới hoàn thành được 1 hợp đồng đơn hàng. Các lĩnh vực xuất nhập khẩu khác cũng tương tự. Nếu cứ chờ để được ngân hàng cấp vốn thì doanh nghiệp làm sao đợi được?”, ông Hoài phân tích.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bây giờ lấy đâu ra đơn hàng để trình thủ tục vay vốn được
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN
Trong khi đó, ở lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng thẳng thắn nói: “Rất khó để đáp ứng được các tiêu chí cho vay của ngân hàng hiện nay. Trong khi, kinh tế nước ngoài đang suy thoái, tác động đến kinh tế trong nước, việc đưa ra một kế hoạch kinh doanh khả quan là điều rất khó. Trong khi, doanh nghiệp chăn nuôi không có nhiều tài sản bất động sản đảm bảo. Vì thế, nếu xét theo tiêu chí, doanh nghiệp ngành này "toát mồ hôi" cũng gần như không thấy “cửa sáng” để được rót vốn”.
Trước bài toán lãi suất và nguồn vốn cho vay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú mới đây khẳng định: “Ngân hàng thương mại có thẩm quyền ban hành quy định nội bộ trong thẩm định tín dụng, cho vay nhưng chúng tôi sẽ rà soát xem những quy định gì cần thiết đảm bảo an toàn tín dụng thì phải giữ còn các quy định cồng kềnh, phi lý, tạo gánh nặng cho người vay thì bỏ. Tuy nhiên, những quy định mà ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, ngăn chặn nợ xấu thì không bỏ được. Tiền là tiền gửi của dân. Cho vay thì phải thu nợ được. Muốn thu được phải có điều kiện chặt chẽ…”
Ông Tú cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai rà soát các loại phí của ngân hàng: “Có thể nhiều loại phí không sai quy định phát luật nhưng trong lúc khó khăn này cũng cần cắt, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()