Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:16 (GMT +7)
Uông Bí: Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả
Thứ 4, 02/06/2021 | 08:09:37 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Uông Bí nói riêng đang đẩy mạnh các giải pháp vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, thích nghi trong điều kiện mới, cùng địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện mục tiêu kép, Công ty Than Nam Mẫu - TKV luôn chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đồng thời tập trung duy trì, ổn định sản xuất. Các đơn vị khối sản xuất thường xuyên được rà soát, bố trí nhân lực đảm bảo, ổn định dây chuyền công nghệ sản xuất; có nhiều biện pháp khuyến khích tăng năng suất lao động để đảm bảo kế hoạch đề ra.
Dịch Covid-19 kéo dài, khiến việc tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo duy trì hoạt động, công tác điều hành các khâu gia công, chế biến và mở rộng kho bãi chứa được Công ty Than Nam Mẫu chủ động, do đó đã đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất các chủng loại than và phẩm cấp than đạt so với kế hoạch Tập đoàn giao. Đặc biệt, trong quý I, công ty đưa vào thử nghiệm thành công máy xúc trong lò chợ ML-01-0.09 và áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, giảm sức lao động cho thợ mỏ. Đến nay, máy xúc này đã bốc xúc được trên 20 tấn/giờ, năng suất tăng hơn 2 lần so với thiết kế ban đầu; sản lượng than khai thác tăng cao, tỷ lệ tổn thất tài nguyên giảm. Cùng với đó, công ty không ngừng cải tiến máy móc, thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế và mục tiêu của mỏ là cơ giới hóa tối đa các khâu dây chuyền sản xuất, hướng tới xây dựng mỏ hầm lò thông minh theo chủ trương của TKV.
Mặc dù chịu nhiều khó khăn chung, song 4 tháng đầu năm 2021, Công ty Than Nam Mẫu vẫn đạt nhiều chỉ tiêu khả quan. Trong đó, than nguyên khai đạt 683.000 tấn, than sạch đạt 607.015 tấn, than tiêu thụ đạt 628.000 tấn. Tổng doanh thu của đơn vị đạt 938.508 tỷ đồng. Những thành quả của đơn vị đã và đang góp phần ổn định thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH địa phương.
Đứng chân trên địa bàn TP Uông Bí, Công ty Nhiệt điện Uông Bí cũng chủ động bám sát, triển khai các văn bản chỉ đạo sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch đến tận các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Ông Lê Văn Hanh, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh, đơn vị nghiêm túc quán triệt, thực hiện phương châm phát hiện, chủ động phòng tránh dịch bệnh; xử lý sớm và chủ động lập phương án phòng dịch Covid-19. Đặc biệt, công ty hạn chế tối đa người lao động di chuyển ra ngoài đơn vị, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa đảm bảo lực lượng để duy trì sản xuất. Từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn đảm bảo quân số lao động đạt 100%. Nhờ siết chặt công tác phòng dịch đã tạo thuận lợi, an toàn cho công ty trong công tác sản xuất, điều hành, gia tăng sản lượng điện, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường điện, đảm bảo kế hoạch được giao...
Bên cạnh duy trì giải pháp phòng, chống dịch, hiện Công ty Nhiệt điện Uông Bí cũng tích cực đầu tư công nghệ theo hướng ưu tiên phục vụ sản xuất, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, bảo đảm sản xuất. Đặc biệt, hiện đang là mùa huy động cao của nhiệt điện, từ rất sớm, đơn vị đã chủ động khảo sát, mua vật tư phục vụ sản xuất, cũng như có các phương án dự phòng để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho việc nhập máy móc, thiết bị mới…
Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Thực tế trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp khó khăn đã buộc phải dừng hoạt động, cắt giảm lao động… Tuy nhiên, với sự quyết tâm cùng cả nước chống dịch hiệu quả và đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Uông Bí nói riêng vẫn đang nỗ lực vượt khó, có nhiều kịch bản, giải pháp cụ thể để chủ động ứng phó với mọi tình huống, phấn đấu đứng vững và phát triển, đóng góp nhiều cho ngân sách và sự phát triển của địa phương.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()