Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:17 (GMT +7)
Tích cực ứng dụng KHCN vào sản xuất
Thứ 6, 04/06/2021 | 09:31:43 [GMT +7] A A
Nhận thức rõ khoa học công nghệ (KHCN) chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng KHCN vào sản xuất. Hiện công ty đã hoàn thiện và phát triển quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống, đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền hiện đại. Đến nay, 9 sản phẩm của Công ty đều là sản phẩm OCOP và được xếp hạng 4 sao. Các sản phẩm đã có “chỗ đứng” trên thị trường, như: Trà Giảo cổ lam; trà bổ gan, giải độc gan; trà tiểu đường; trà vằng; viên tiểu đường; viên chè vằng; viên giải rượu, giải độc gan... Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng Công ty vẫn thực hiện mở rộng đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP để đổi mới, phát triển các sản phẩm mới.
Việc áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh cũng đã góp phần giảm nhiều chi phí, công sức cho người lao động, tăng giá trị sản phẩm và tạo được sức hút với khách hàng. Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh (TX Đông Triều) sau khi thực hiện dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất gốm sứ cao cấp, đã giảm 30% lượng khí gas nhờ thu hồi nhiệt thừa trong lò nung để sấy sản phẩm mộc, giảm sản phẩm lỗi hỏng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, với công nghệ mới, hiện đại. Cùng với các thiết bị, máy móc được đầu tư mới kết hợp kỹ thuật phối liệu xương men sứ mỏng do công ty nghiên cứu và công nghệ đổ rót áp lực cao bán tự động, giúp sản phẩm sản xuất ra bền đẹp, có độ mỏng, độ chính xác cao, đa dạng chủng loại, nâng cao sản lượng. Đồng thời, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng, giữ được kiểu dáng thiết kế, nâng cao tính thẩm mỹ và giá trị sản phẩm. Sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Chi Lê, Colombia, Đan Mạch…
Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất đã làm cho giá trị, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt, các sản phẩm xuất khẩu ứng dụng KHCN trong sản xuất đều đã đáp ứng được những yêu cầu “khó tính” của thị trường nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc chiến lược, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thủy sản BAVABI Quảng Ninh, cho biết: Mới đây, công ty đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN của tỉnh. Hiện tại, chúng tôi đang sản xuất 16 sản phẩm với 7/16 sản phẩm được hình thành từ kết quả nghiên cứu KHCN, như: Ruốc hàu, ruốc bề bề, ruốc cá thu… Đặc biệt, những năm qua ngoài việc trang sắm thiết bị, chúng tôi đã tự mày mò, nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm KHCN phù hợp với điều kiện của công ty để đưa vào sản xuất, như: Lồng rửa hàu, máy rửa tầng sôi, máy tiệt trùng sản phẩm… Trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, doanh thu từ các sản phẩm KHCN của công ty đạt 59% so với tổng doanh thu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc ứng dụng KH&CN tạo nên những sản phẩm được thị trường ưa chuộng, làm tăng giá trị hải sản, góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa.
Theo thống kê của Sở KK&CN, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng doanh nghiệp KHCN như vậy là rất khiêm tốn, khi mà KHCN đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, làm ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất kinh doanh, từ đó đòi hỏi các sản phẩm phải có sự chọn lọc về chất lượng, mẫu mã. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp chủ động hướng tới sản xuất theo hướng ứng dụng KHCN đang là con đường hoàn toàn đúng đắn. Việc từng bước đưa KHCN vào sản xuất được coi là “thước đo” để các doanh nghiệp nhìn nhận, tìm ra sự khác biệt trong nội tại cơ cấu, hoạt động của mình trước và sau khi ứng dựng KHCN. Từ đó, sẽ định hướng, điều chỉnh được các sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng được thị trường, thích ứng với môi trường kinh doanh trong thời kỳ mới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()