Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:28 (GMT +7)
Ấn tượng Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu
Chủ nhật, 05/12/2021 | 10:28:45 [GMT +7] A A
Khoảng chục năm về trước, ít ai biết đến xã Bình Dân (Vân Đồn), vì xã nằm xa trung tâm huyện và là xã đông hộ nghèo, kinh tế - xã hội gần như không có gì nổi bật. Đến nay, đời sống của người dân Bình Dân đã tốt hơn nhiều. Ngày Hội văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Vân Đồn năm 2021 (người dân thường gọi là Lễ hội Đại Phan) vừa được tổ chức rất hấp dẫn lại là “của nhà làm ra”.
Xã có 4 nghệ nhân dân gian Việt Nam
Xã Bình Dân có hơn 90% dân số là người dân tộc Sán Dìu, năm 2016, xã đã thành lập được CLB hát Soọng cô. Điều tôi ấn tượng là CLB hát Soọng cô ở xã chỉ có 23 thành viên nhưng có tới 4 nghệ nhân dân gian Việt Nam đó là các ông, bà: Tô Thị Tạ, Chương Thị Choong, Trương Thị Túc, Tô Văn Quảng.
Các nghệ nhân trong CLB rất tích cực truyền dạy lại cho thế hệ sau những làn điệu, câu hát mang đậm bản sắc dân tộc. Nghệ nhân Dân gian Việt Nam Tô Thị Tạ cho hay: Ngay cả những năm tháng khó khăn nhất, các làn điệu Soọng cô vẫn được chúng tôi lưu truyền hát với nhau. Rất may là những năm gần đây đã có nhiều người trẻ cũng đã tham gia hát cùng với lớp người đã cao tuổi như chúng tôi. Đó là điều vui mừng để các làn điệu Soọng cô, giá trị văn hóa của cha ông để lại sẽ không bị thất truyền và có xu hướng phát triển hơn.
Những người có “bàn chân sắt”
Điều mà tôi ấn tượng nữa ở xã Bình Dân là những người có “bàn chân sắt”, bởi chân của họ có thể giẫm lên lưỡi dao sắc mà không bị đứt da và đi trên than hồng mà không bị bỏng.
Tôi cũng đã chứng kiến nghi lễ leo dao tại Lễ hội Đại Phan ở một số nơi, nhưng dao được làm từ các thanh gỗ tượng trưng. Thế nhưng nghi lễ leo dao ở lễ hội Đại Phan ở xã Bình Dân, thì là dao thật và tương đối sắc. Đây là loại dao rựa mà những người làm rừng ở các xã vùng cao thường dùng mỗi khi lên rừng để chặt cây, nếu là người bình thường chắc chẳng ai dại mà giẫm vào phần lưỡi của nó.
Ông Lưu Gia Hòa, người thôn Đồng Đá, xã Bình Dân, là người chỉ huy đội ngũ các thầy cúng leo dao, đi trên than hồng trong lễ hội và ông đã có thâm niên 40 năm gắn bó với nghề này. Ông Hòa đã có mặt ở hầu khắp các vùng miền có người Sán Dìu sinh sống trong cả nước để giao lưu và làm lễ. Đến nay, ông đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nên ông chuyển sang vị trí chỉ huy, còn việc leo dao dành cho lớp trẻ.
Theo ông Hòa, người leo dao ngoài có sức khỏe, khéo léo hoạt bát, còn phải biết làm cho cơ thể mình nhẹ nhàng, vì nếu cơ thể quá nặng, trọng lượng dồn xuống lưỡi dao rất nguy hiểm, hoặc nặng quá làm đứt dây, vì các sợi dây buộc giữa dao và chiếc thang chỉ là những sợi dây lạt thô sơ.
Tôi nhìn những người leo dao, người nào cũng to lớn lực lưỡng, tuy các lưỡi dao cũng được buộc hơi nghiêng, nhưng buộc họ cũng phải có khá nhiều công rèn luyện để theo đuổi cái nghề nguy hiểm này. Ông Hòa khẳng định, muốn thành công thì phải học, mà chẳng có ngôi trường nào trên đời dạy nghề này cả, đây cũng là bí mật truyền lại cho nhau.
Đội quân do ông Hòa chỉ huy có hơn chục người đều có các “bàn chân sắt”, hay nói cách khác việc leo dao hay lội trong than hồng với họ giống như những trò chơi.
Anh Từ Văn Hồng, ở thôn Đồng Đá, xã Bình Dân, năm nay đã 45 tuổi và theo học nghề leo dao từ năm 1991. Anh Hồng cho biết, ban đầu anh phải leo thực tập từ các lưỡi dao bằng gỗ, rồi dần dần mới leo các lưỡi dao thật, để thành nghề cũng mất hơn chục năm. Ngoài leo dao ở xã trong các lễ hội anh Hồng còn là khách mời của nhiều địa phương có đông người Sán Dìu sinh sống, nơi anh hay đến nhất là tỉnh Hà Giang. Theo anh Hồng từ khi anh theo nghề này thì chưa thấy có ai đứt chân vì leo dao cả.
Lội than hồng tập thể
Từ buổi chiều trước ngày hội chính, tại sân Nhà văn hóa xã Bình Dân - nơi tổ chức lễ hội đã có một đống than củi lớn được đốt lên. Những người “chân sắt”, sau khi đã hoàn thành việc leo dao, thì tối đêm họ lại tiếp tục đi trên than hồng bằng chân trần. Theo ông Hòa thì lửa là của thần linh, có thể đốt cháy vạn vật. Con người khi chết đi được hỏa táng, mọi tội lỗi trần đời đã được giũ sạch để về với cõi vĩnh hằng. Như vậy, việc đi trên lửa cũng là để đốt hết mọi tội lỗi của mình đã phạm trên đời. Nghi lễ đi trên than hồng thường tổ chức vào ban đêm, khi trời đất giao hòa chỉ một màu, đó cũng là lúc trời đất cùng chứng giám mọi tội lỗi của ta đã được giũ sạch khi đi qua than hồng.
Khoảng 10 giờ đêm đống than đã cháy để lại lớp tro màu hồng vẫn còn nóng bỏng. Đã đến giờ, một thầy mo đi qua tấm thảm than hồng ngùn ngụt dưới chân mà như không có chuyện gì. Trước đây tôi chỉ thường nghe người ta mắng những người hay làm những điều vô lý rằng “Thế bảo ông nhảy vào lửa ông cũng nhảy à?”.
Vậy mà bây giờ, tôi lại chứng kiến có nhiều người dân, họ cũng muốn vào đi trên than cùng với các thầy. Lúc này, tôi mới chợt nhận ra một thầy bê ra một chậu nước chắc là pha dung dịch và bảo rằng ai muốn lội than thì phải nhúng chân qua chậu nước đó mới không bị bỏng. Tôi cũng không biết dung dịch có trong chậu kia là gì, mà chỉ thấy sau đó rất nhiều người xem lễ hội cùng đi chân trần vào đống than, có cả trẻ nhỏ, mà không ai kêu thét lên do bị bỏng.
Buổi lễ kết thúc khi bầu trời đang chuẩn bị sang canh ngày mới, ai nấy đều hồ hởi như vừa giũ sạch được bụi trần. Một cán bộ xã Bình Dân cho hay: Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên địa phương đã không thông báo rộng rãi về lễ hội đến nhiều nơi, nên khách đến hầu như là người trên địa bàn xã. Năm 2008, lễ hội lần đầu tiên được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn, năm đó người đến xem và tham gia đi trên than hồng rất đông, kéo dài đến 4 giờ sáng hôm sau.
Lễ hội mà những người biểu diễn gần như hoàn toàn là người của xã, giá như không có dịch Covid-19 để du khách các nơi cùng đến được lễ hội thì hẳn là không riêng tôi mà có lẽ rất nhiều du khách gần xa sẽ rất ấn tượng với các nghệ nhân “cây nhà lá vườn” này.
Công Thành
- Ngày Hội văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Vân Đồn năm 2021
- Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu
- Hát soọng cô mùa xuân của người Sán Dìu
- Khau nhục của người Sán Dìu ở Tiên Yên
- Đậm đà Ngày hội VH-TT dân tộc Sán Dìu
- Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2020
Liên kết website
Ý kiến ()