Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:19 (GMT +7)
Hát soọng cô mùa xuân của người Sán Dìu
Chủ nhật, 07/02/2021 | 16:56:06 [GMT +7] A A
Hát soọng cô của người Sán Dìu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đồng bào hát nhiều trong các dịp lễ, tết, đặc biệt là vào mùa xuân.
Ở Quảng Ninh, đồng bào Sán Dìu sinh sống tập trung ở Vân Đồn, kế đến là Cẩm Phả, Hạ Long và Tiên Yên. Họ có kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc, trong đó loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu nhất là hát soọng cô.
Soọng cô thực chất là loại hình hát đối đáp giao duyên, có không gian diễn xướng chủ yếu là trong các lễ hội như: Lễ đại phan (mừng cơm mới), lễ thượng điền, lễ hạ điền, các lễ ở đình làng, hội xuân..v.v.. Kể cả những nghi lễ trong sinh hoạt gia đình như: Mừng tân gia, đám cưới hỏi, trai gái người Sán Dìu cũng đều đến hát soọng cô chúc mừng.
Những cuộc hát đầu tiên diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán. Người Sán Dìu Quảng Ninh gọi Tết Nguyên đán là Tết Cả (hay thai nén) tức đại niên Tết. Tết cũng là dịp đồng bào làm các món ăn truyền thống để kính dâng tổ tiên và cùng nhau quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình.
Thanh niên nam, nữ thì có dịp say đắm bên những câu hát soọng cô, trẻ em thì thỏa sức tham gia các trò chơi dân gian. Kết thúc ngày Tết, người Sán Dìu làm lễ hóa vàng (sam pha chíu troong), thường là vào mùng 6 hoặc mùng 8 tháng Giêng giờ tốt.
Đồng bào Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn) đi hội xuân. |
Sau Tết Nguyên đán là đến Tết Nguyên tiêu (bà con gọi là nén chể chẹt phoi) là tết rằm lớn nhất trong năm, khởi đầu của năm mới, mâm cỗ cúng phải có bánh bạc đầu (gọi là seo bẻng). Ngay sau Tết Nguyên tiêu, vào 16 tháng Giêng bà con sẽ tổ chức lễ hội đầu năm (gọi là hỷ lay) để dâng lễ thành hoàng làng xin chư vị thần linh phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Lễ vật cúng tế phải là đồ sống chưa được luộc. Lễ sống đặt lên giữa đình để xin đài âm dương, bao giờ thần linh đồng ý mới được đem đi luộc. Luộc xong, gà lợn mới đem trở lại để tế thần và mở hội xuân đầu năm.
Trong mùa xuân còn có Tết Thanh minh (gọi là sênh mếnh chẹt phoi) vào tháng ba âm lịch, đồng bào làm lễ tảo mộ cho người thân đã khuất. Họ ra nghĩa địa phát quang cỏ cây, đắp mộ rồi bày lễ vật gồm 6 oản xôi đỏ, thịt gà, thịt lợn luộc, tôm rang, cá nướng tùy từng gia đình.
Một người cao tuổi sẽ đại diện gia đình khẩn cầu ngũ phương, ngũ thổ tổ tiên những người đã khuất phù hộ cho cháu con. Họ cũng kể lại cho con cháu nghe tiểu sử công trạng của người đã khuất. Những người đi qua đường và con trẻ gần đó đều được thụ lộc. Sau khi thụ lộc xong, họ quay lại gia đình tiếp tục làm lễ cúng tại gia.
Sau những đêm hát nếu người con gái ưng người con trai rồi thì sẽ trao túi trầu để làm tin. Chiếc túi trầu người Sán Dìu gọi là "loi thoi" có hình múi bưởi được các cô gái thêu rất công phu bằng 8 loại chỉ màu với những họa tiết rất đẹp mắt. Đầu túi trầu có dây tết lại thành nút thêm tua dài để đính những đồng xu.
Bên cạnh túi trầu có một con dao nhỏ làm bằng gỗ được chạm khắc rất công phu. Thường ngày, chúng là vật trang sức nhưng có thể sẽ là vật đính ước trao cho nhau trong những đêm soọng cô. Sau khi trao vật làm tin họ sẽ hát bài ca loi thoi (bài ca chiếc túi đựng trầu). Bài ca có đoạn: Dọn mong diu cô moi thống slim/ Slam slip lộc lẹng hàng cô lốc/ Mạo vùn mu lọc slui vát hông” (Tạm dịch như sau: Ước gì làm bạn uyên ương/ Ba mươi sáu núi con đường đi qua/ Chẳng còn mây gió mưa sa/ Chim bay về tổ mặn mà quê hương).
Giao lưu hát soọng cô. |
Hát soọng cô còn diễn ra trong đám cưới, nhất là đám cưới vào mùa xuân. Cuộc hát trong lễ cưới phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Trong đám cưới của người Sán Dìu, soọng cô được hát để nghênh tiếp khi đoàn đón dâu đến trước cửa nhà gái và hát chúc mừng sau nghi lễ khai hoa tửu. Trong đám cưới có tới hàng trăm bài hát chúc mừng, được đại diện hai họ thay nhau hát suốt đêm.
Từ những đám cưới, trai gái khắp các bản làng lại tìm đến với nhau qua những đêm soọng cô đằm thắm. Có một bài ca tạm dịch như sau: "Em hát bài ca thiết tha để hô gọi dân làng/ Đầu làng, cuối xóm đâu đâu em cũng thấy tươi đẹp/ Xóm nhà chàng có cây to tỏa bóng mát/ Em đi từ xa đến đây, em được cây che đầu". Hay như một bài ca khác của chàng trai Sán Dìu tạm dịch như sau: "Nơi xa nàng đến khi nào/ Nàng đến từ bao giờ mà anh không biết/ Anh đi làm ở đồi núi xa/ Thấy khăn mặt của ai vắt trên cánh cửa".
Trong mùa xuân ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc tiếng hát soọng cô của đồng bào Sán Dìu cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người. Những lời ca bình dị ấy đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo vượt qua mọi thăng trầm của thời gian và những biến thiên của lịch sử.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()