Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 11:16 (GMT +7)
Dọc miền di sản Bắc Trung Bộ
Thứ 6, 17/02/2023 | 12:31:41 [GMT +7] A A
Tháng Giêng, đông đảo khách thập phương theo các tua đến với vùng thượng du Thanh Hóa và miền tây xứ Nghệ. Những địa danh như: Lam Kinh, thành nhà Hồ, Pù Luông (Thanh Hóa), Kim Liên, đền Cờn, Pù Mát (Nghệ An), Ðồng Lộc, Chùa Hương (Hà Tĩnh)… dẫu đã quen thuộc, nhưng vẫn được đông đảo du khách, người dân địa phương lựa chọn làm điểm hành hương, du xuân với tấm lòng tri ân những bậc tiền nhân có công với nước và cầu mong quốc thái, dân an.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động lễ hội, du lịch tâm linh, cộng đồng, khám phá hệ sinh thái đa dạng ở vùng thượng du Thanh Hóa thu hút khá đông khách du lịch. Chỉ tính riêng tháng 1/2023, tỉnh đã đón 497.000 lượt khách, tăng 130,7%; tổng thu du lịch 512 tỷ đồng, tăng 169,3% so với tháng 1/2022.
Trẩy hội mùa xuân
Trên hành trình ấy, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, quê hương của Anh hùng dân tộc Lê Lợi là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay có khoảng 80 nghìn lượt du khách hành hương về đây, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Trưởng ban Quản lý Khu di tích, ông Vũ Ðình Sỹ cho biết, cùng với việc chú trọng công tác chỉnh trang di tích, nâng cao chất lượng phục vụ, trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán, ban Quản lý miễn phí tham quan và tiếp tục giảm vé cho các đoàn tham quan đông người, các tua du lịch. Ðặc biệt, Ban quản lý khu di lích đã đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống thuyết minh tự động tại 18 điểm, cập nhật thông tin, hình ảnh di sản trên ứng dụng MobiFone Smart Travel, mở cửa chính điện Lam Kinh, tạo không gian “Tết xưa” dưới gốc cây đa phục vụ du khách.
Từ quê Bác hành hương về Lam Kinh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 Lê Văn Quyền cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của học sinh, dịp này hội phụ huynh cùng nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho học sinh hành hương, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật ở Lam Kinh.
Ðây cũng là hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục và học sinh rất hứng thú, viết thu hoạch sau hoạt động ngoại khóa. “Lần đầu tiên được đến Lam Kinh, nghe các thuyết minh viên giới thiệu, cháu nhận thức sâu, rõ hơn vị trí, vai trò quan trọng của vùng miền tây Nghệ An, đóng góp của đồng bào các dân tộc Thanh Nghệ Tĩnh đã tạo chuyển biến về tương quan lực lượng, thay đổi cục diện chiến trường, phát triển cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi vào thế kỷ 15”- em Hoàng Thị Ánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Chương 3 bộc bạch.
Mặc dù ngày mồng 8 tháng Giêng (tức ngày 29/1/2023), tỉnh Hà Tĩnh mới tổ chức khai hội chùa Hương Tích, tuy nhiên ngay từ những ngày đầu xuân Quý Mão, hàng chục nghìn du khách, phật tử đã đến với chùa Hương Tích, nơi được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.
Theo anh Nguyễn Văn Cảnh đến từ thành phố Biên Hòa (Ðồng Nai), khi tới Khu du lịch chùa Hương Tích, bản thân anh và gia đình không những được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh mà còn được chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình với chất lượng phục vụ tốt.
Trưởng ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích Võ Thành Chung cho biết: “Từ đầu năm đến nay đã có hơn 70.000 lượt du khách đến với chùa Hương Tích, tăng mạnh so với những năm trước. Nhờ có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ cũng như công tác an ninh bảo đảm, cho nên việc đón tiếp, phục vụ luôn được chúng tôi thực hiện chu đáo”.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều khu, điểm du lịch ở Nghệ An đã thu hút được lượng khách lớn đến tham quan, chiêm bái.
Vượt quãng đường hàng trăm cây số, anh Ðỗ Quang Hải (53 tuổi) ở quận Ba Ðình (Hà Nội) cho biết: Ðầu xuân năm mới, cả gia đình chúng tôi thường về các khu di tích ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có quê Bác để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; rồi đến đền thờ Hoàng đế Quang Trung, chùa Ðại Tuệ… để cầu an, mong gia đình một năm mới khỏe mạnh, mọi việc hanh thông.
Giám đốc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên Nguyễn Bảo Tuấn cho biết: Từ đầu tháng 1 đến nay, Khu di tích đã đón gần 7.000 đoàn khách với gần 85 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến làm lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan di tích; trong đó, có nhiều đoàn cấp cao của Trung ương.
Hướng đến du lịch bốn mùa
Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi cho biết: Ngoài các khu, điểm thu hút lượng khách đến tham quan, chiêm bái quanh năm như các Khu di tích quốc gia Kim Liên, Truông Bồn, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, đền Ông Hoàng Mười...; năm 2022, Sở Du lịch đã tổ chức công bố tua caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An” nhằm đưa khách du lịch về Nghệ An vào các mùa trong năm. Vào mùa đông du khách có thể chinh phục đỉnh PuXaiLaiLeng để săn mây từ sáng đến tối với những khung cảnh tuyệt đẹp; chiêm ngưỡng cảnh đẹp các vườn đào, vườn mận ở Mường Lống...
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch mùa thu và đông đã được đầu tư, mở rộng, như các vườn hồng Nam Anh (Nam Ðàn); Khu du lịch Hòn Mát, cánh đồng hướng dương, thung lũng hoa Phủ Quỳ, đồi hoa Trương Gia Trang ở huyện Nghĩa Ðàn đã thu hút khá đông lượng khách đến Nghệ An. Ngoài ra, du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo là một trong những sản phẩm đang được các khách sạn, trung tâm hội nghị lớn trên địa bàn tỉnh quan tâm. Trong đó thị xã biển Cửa Lò và thành phố Vinh là những điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch MICE. Ðiều này góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, phấn đấu xây dựng du lịch Nghệ An trở thành điểm đến bốn mùa…
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Lê Trần Sáng, Hà Tĩnh là địa phương sở hữu nhiều bãi cát mịn, nước trong xanh, biển hiền hòa. Ðiểm thuận lợi là các bãi biển của Hà Tĩnh có hạ tầng giao thông dễ dàng kết nối với các di tích, danh thắng ở các khu vực khác trên địa bàn tỉnh như hồ Kẻ Gỗ, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên); Ngã ba Ðồng Lộc, chùa Hương Tích (huyện Can Lộc); Khu di tích cố Tổng Bí thư Trần Phú (huyện Ðức Thọ); Khu sinh thái Hải Thượng, Khu nước sốt (suối khoáng nóng) Sơn Kim (huyện Hương Sơn); Khu di tích Ðại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân)…
Nhận thức được tiềm năng to lớn đó, trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển đã được tỉnh quan tâm, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, từng bước kết nối du lịch biển với các trung tâm du lịch của tỉnh, của vùng và các tỉnh của Lào và khu vực đông bắc Thái Lan...
Bên cạnh các khu du lịch biển đã được đầu tư, nâng cấp, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi một số nhà đầu tư tìm hiểu về các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn Vingroup với dự án Khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh; Tập đoàn T&T với dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí vùng ven sông Lam xã Xuân Giang; Công ty cổ phần Vịnh Nha Trang với Dự án khu đô thị du lịch Kỳ Nam; Công ty cổ phần ECOLAND với dự án Tổ hợp du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh… nhằm từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến: Phát triển du lịch là một trong sáu chương trình công tác trọng tâm mà Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa đang tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên lịch sử, nhân văn, di sản, danh thắng, lợi thế du lịch ở các vùng địa lý.
Cùng với việc tổ chức đa dạng các sự kiện, hỗ trợ các đoàn văn công, nghệ thuật chuyên nghiệp công diễn tại các khu du lịch, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư đã đưa vào khai thác, chính quyền các cấp quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển du lịch trọng điểm, có tính chất đầu kéo. Thanh Hóa định hướng xây dựng thêm sản phẩm du lịch golf, MICE, chăm sóc sức khỏe và du lịch mạo hiểm… để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()