4
18
/
984983
"Đổi mới tư duy, quyết liệt, đột phá trong hành động, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bền vững"
longform
"Đổi mới tư duy, quyết liệt, đột phá trong hành động, đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, bền vững"

 

"Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; duy trì đà tăng trưởng cao, ổn định; Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ ”nâu” sang “xanh”". Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 (1930-2020), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài viết về truyền thống cách mạng ở Vùng mỏ Quảng Ninh, những kết quả đạt được và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Trung tâm truyền thông tỉnh trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

90 năm về trước, vào mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp tất yếu giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng, một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã có một chính đảng mang bản chất cách mạng và khoa học, đủ sức lãnh đạo nhân dân giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền dân tộc cơ bản khác để xây dựng và phát triển đất nước. Lịch sử 90 năm từ khi thành lập và liên tục 75 năm cầm quyền và duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định là “nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam và nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, không một thế lực nào ngăn cản nổi, lập nên những kỳ tích mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, thu non sông về một mối; lãnh đạo xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước ta sau gần 35 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.


Từ một nước có nền kinh tế trì trệ, suy thoái thiếu lương thực trầm trọng, bị bao vây, cô lập, cấm vận, lạm phát phi mã, GDP bình quân đầu người thuộc nhóm thấp nhất thế giới, Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh, đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên qua các thế hệ. Chính từ trong khó khăn, thử thách và hy sinh ấy, Đảng ta đã được tôi luyện, không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử đã trao, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt của Đảng, ôn lại những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh vô bờ bến cùng những thắng lợi vẻ vang mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta càng trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả đã giành được, càng tin yêu và tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và thành kính tưởng nhớ, tri ân các lãnh tụ của Đảng, các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với nước, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí, đồng bào đã bị tù đày trong lao tù của chế độ thực dân, đế quốc và các đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.

Tự hào về sự vĩ đại của Đảng ta trong chặng đường 90 năm qua, chúng ta càng tự hào về Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh. Chỉ chưa đầy ba tuần sau Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ngày 23/2/1930 chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh đã ra đời ở mỏ Mạo Khê (Đông Triều). Đây là bước ngoặt quan trọng, sự chuyển biến về chất của phong trào dân tộc và phong trào công nhân sôi động ở Quảng Ninh và cũng đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh đã chuyển kịp với trào lưu cách mạng chung của dân tộc. Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam gắn liền với nền công nghiệp khai khoáng, nơi phát triển sớm phong trào vô sản hoá của Đảng, dẫn đến sự ra đời Đảng bộ, Đặc khu mỏ (tháng 10/1930). Trong tâm khảm chúng ta không bao giờ quên cuộc tổng bãi công long trời, lở đất của hơn 3 vạn thợ mỏ (tháng 11/1936) làm tỏa sáng tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” mãi mãi trường tồn, trở thành nguồn sức mạnh to lớn của Đảng bộ, chính quyền, giai cấp công nhân, nhân dân lao động các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đó là chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964 trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần “Quyết chiến - Quyết thắng” của dân tộc ta. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, quân và dân các dân tộc Quảng Ninh trung dũng, kiên cường nơi tuyến đầu chiến đấu ngoan cường, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Từ khi có Đảng, mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn một lòng đi theo Đảng, kề vai, sát cánh, siết chặt đội ngũ, chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ tỉnh trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Quân và dân tỉnh Quảng Ninh vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất xây dựng quê hương và lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng cả nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Từ một tỉnh nghèo phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, còn lệ thuộc vào sự trợ giúp của Trung ương, đến năm 2004, Quảng Ninh vươn lên thành địa phương tự cân đối và nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số thu nội địa cao nhất cả nước; liên tục ở vị trí thứ 5, thứ 6 từ năm 2011 đến nay. Năm 2019 đạt 46.173 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 34.702 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP từ năm 2016 đến nay luôn đạt trên 10%/năm (trong đó, năm 2019 đạt 12,01% cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 6135 USD/ người/năm (gấp hơn hai lần so với cả nước). Thế và lực của tỉnh Quảng Ninh sau 35 năm đổi mới, nhất là trong những năm gần đây càng khẳng định rõ vai trò là một trong những cực tăng trưởng của miền Bắc.

Ngày nay, Quảng Ninh được bạn bè trong và ngoài nước biết đến không chỉ là trung tâm sản xuất công nghiệp, khai thác sản xuất, chế biến, kinh doanh than, nhiệt điện như trước đây mà là một trong những trung tâm du lịch quốc tế. Năm 2019, tỉnh đã thu hút hơn 14 triệu lượt khách, trong đó có 5,75 triệu lượt khách quốc tế, gắn kết phát triển du lịch dịch vụ với kinh tế biển; là tỉnh duy nhất trong cả nước có 4 thành phố và tỷ lệ dân số đô thị đến nay đạt 64%, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Là tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, đi đầu với những mô hình mới đột phá thành công trong cải cách hành chính mà khâu đột phá là trung tâm phục vụ hành chính công thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị toàn tỉnh, tinh giản biên chế nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, thúc đẩy mô hình đối tác công - tư huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động như Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã mở ra những thời cơ và vận hội mới không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả vùng và đất nước.

Nơi đi đầu triển khai thành công chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được Chính phủ nhân rộng ra cả nước. Quảng Ninh còn là địa phương điển hình đang thực hiện thành công quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện, liên tục trong hai năm 2017, 2018 dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (ParIndex), thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh trong những năm gần đây với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược của những thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn luôn được chăm lo đảm bảo. Sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm có bước tiến bộ vượt bậc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao và cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới đến hết năm 2019 chỉ còn 0,52%. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 54,6 giường (gấp đôi bình quân chung của cả nước). Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm năm địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, đến hết năm 2019 đã có 5 đơn vị cấp huyện và 94/111 xã đạt tiêu chí NTM; xã Việt Dân (Đông Triều) là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong cả nước. Tỉnh đã hoàn thành Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, về đích trước 1 năm so với kế hoạch.


Hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở được củng cố, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền được nâng lên rõ rệt; phương pháp, lề lối làm việc được cải tiến. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; dân chủ được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, phát huy. Công tác cải cách tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm được đẩy mạnh.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội ổn định, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, nhất là trên tuyến biên giới, biển đảo. Quan hệ, hợp tác quốc tế được mở rộng, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị ổn định, hợp tác phát triển.

Những thành tựu và kết quả đạt được đó là rất to lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng; đã củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Năm 2020 có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh vừa có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Trước những diễn biến rất phức tạp và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Trung Quốc, Quảng Ninh là địa bàn vừa có đường biên giới trên bộ dài và trên biển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có hoạt động giao thương sôi động, được dự báo là địa bàn trọng điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh, nếu không được phòng tránh, kiểm soát tốt có thể bùng phát là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ, nhất là tốc độ tăng trưởng năm nay phải đạt trên 12%, cả giai đoạn 2016-2020 đạt trên 11%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 37.000 tỷ đồng; phấn đấu đạt mức cao nhất chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp. Đồng thời, xây dựng chiến lược, định hướng phát triển của thập niên mới và giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cao nhất trước năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc trung ương đòi hỏi các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, hệ thống chính trị của toàn tỉnh, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải chủ động, tích cực hơn nữa, vượt qua mọi thách thức, nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2020.

Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:

Một là, xác định công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp do Trung ương, tỉnh đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; quyết tâm kiểm soát, không để dịch xuất hiện, lây lan và bùng phát trên địa bàn, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội; trật tự an toàn xã hội; chăm lo bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp. Trọng điểm là địa bàn thành phố Móng Cái và các địa phương biên giới khác. Bảo đảm cung cấp đủ thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư cấp ủy các cấp làm Trưởng Ban chỉ đạo.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên và chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, bảo đảm bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, tuân theo pháp luật và kỷ luật của Đảng; chú trọng làm tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV sát với tình hình thực tế, đúng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, chặt chẽ về trình tự thủ tục và bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh càng phải xây dựng phong cách, tác phong công tác; thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương; thường xuyên tự phê bình và phê bình; đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’’ trong nội bộ. Đồng thời, phải tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về ý thức, tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Nâng cao năng lực cụ thể hóa và thực thi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; đẩy mạnh công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực hiện tốt quan điểm “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ, phát huy hiệu quả của mô hình cơ quan Khối cấp huyện đi đôi với đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; đổi mới và nâng cao hiệu quả, tác dụng của các phong trào thi đua yêu nước để huy động sức mạnh tổng hợp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Duy trì đà tăng trưởng cao, ổn định; chú trọng nhiều hơn nữa đến yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, than, đảm bảo an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, ứng phó hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển từ ”nâu” sang “xanh”.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch với tầm nhìn dài hạn. Giữ vững định hướng, bổ sung nhận thức mới về không gian phát triển, quy hoạch theo hướng “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái cho phù hợp với tình hình; giữ vững đà tăng trưởng của thành phố Hạ Long sau nhập địa giới hành chính huyện Hoành Bồ xứng đáng là hạt nhân, đầu tàu của toàn tỉnh. Phát triển tuyến phía Tây của tỉnh với trọng tâm là khu kinh tế ven biển Quảng Yên và tuyến đường ven sông Quảng Yên - Đông Triều để tạo ra động lực tăng trưởng mới, mở ra không gian phát triển đột phá của Vùng tận dụng tối đa ưu thế hạ tầng thúc đẩy liên kết mạnh với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng duyên hải sông Hồng. Sớm hoàn thành tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nhằm tăng cường toàn diện năng lực kết nối liên tuyến, liên vùng, quốc tế để thu hút đầu tư, đẩy mạnh giao thương tạo động lực thúc đẩy tuyến phía Đông gắn với hai khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái phát triển nhanh hơn.

Tiếp tục đi sâu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo phát triển doanh nghiệp mới; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút tối đa nguồn vốn bên ngoài, nhất là vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc gắn với các tiêu chí công nghệ, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, tạo ra giá trị gia tăng lớn và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước; thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ; đa dạng các hình thức đầu tư, nhất là đối tác công - tư nhằm khơi dậy và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên trong.

Bốn là, quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và trong vùng đồng bào dân tộc, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách vùng miền. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; quản lý và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao quan trọng phục vụ phát triển du lịch. Đầu tư đúng mức xây dựng, phát triển con người Quảng Ninh; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, hạt nhân là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, thu hút trọng dụng nhân tài vào khu vực công. Xây dựng Trường Đại học Hạ Long sớm trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực phía Bắc. Chú trọng chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thành xây dựng và phát huy hiệu quả của thành phố thông minh, chính quyền điện tử và từng bước xây dựng chính quyền số.

Năm là, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế của tỉnh. Giữ vững khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - bảo vệ môi trường gắn với củng cố, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo nảy sinh trên địa bàn gắn với xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định các kiến nghị chính đáng, các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Thường xuyên củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, về truyền thống cách mạng của Vùng mỏ anh hùng, chúng ta càng ý thức hơn về trách nhiệm to lớn trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; trước mong muốn, đòi hỏi của nhân dân và trách nhiệm của Quảng Ninh đối với sự phát triển chung của đất nước.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Uỷ ban MTTQ tỉnh, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, phát huy truyền thống anh hùng và tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” để xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như mong muốn của Bác Hồ.

Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu