Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 02:46 (GMT +7)
Đối phó Delta, các nước đẩy mạnh kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 bổ sung
Thứ 4, 04/08/2021 | 14:15:30 [GMT +7] A A
Sau Israel, Anh và Đức đang chuẩn bị các chương trình tiêm vaccine COVID-19 bổ sung sớm nhất là vào tháng sau, theo các báo cáo.
Câu hỏi về việc liệu các mũi tiêm nhắc lại có cần thiết trong cuộc chiến chống COVID-19 hay không đang bắt đầu trở nên rõ ràng hơn.
Israel là nước đầu tiên công bố kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại vào tuần trước. Cụ thể, các mũi tiêm thứ ba của vaccine Pfizer-BioNTech sẽ được tiêm cho những người trên 60 tuổi. Bộ Y tế Israel đã hai lần báo cáo hiệu quả vaccine Pfizer sụt giảm vào tháng 7 khi biến thể Delta lây lan.
Bức tranh ở Anh khác với Israel, kế hoạch tiêm mũi tăng cường được đưa ra trong bối cảnh số ca COVID-19 đang giảm và dữ liệu cho thấy rằng hai liều vaccine vẫn cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến thể Delta. Một nghiên cứu của cơ quan y tế công cộng Anh cho thấy hai liều vaccine Pfizer có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa các ca nhập viện do biến thể Delta và vaccine AstraZeneca có hiệu quả 92%.
Hơn 30 triệu người ở Anh sẽ được tiêm liều vaccine thứ ba vào mùa thu, bao gồm tất cả người trên 50 tuổi và những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, theo The Telegraph. Kế hoạch sẽ chạy cùng với chương trình tiêm phòng cúm hàng năm của nước này.
Kế hoạch tiêm nhắc lại ở Anh lần đầu tiên được Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch của chính phủ tiết lộ vào tháng 6, nhưng thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. Truyền thông Anh hôm 2/8 cho rằng người dân có thể được tiêm Pfizer, vì vaccine này có vẻ hiệu quả hơn trước biến thể Delta — ngay cả khi ban đầu họ có một loại vaccine khác.
Trong khi đó, Đức dự kiến tiêm liều thứ ba là Pfizer hoặc Moderna, cho người cao tuổi và có nguy cơ mắc bệnh từ ngày 1/9, theo một tài liệu dự thảo AFP tiếp cận được.
Hiện cả cơ quan quản lý của Mỹ và các đối tác châu Âu đều chưa phê duyệt tiêm bổ sung. Vào tháng 7, các quan chức y tế Mỹ cho biết họ cần thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định. Nhưng đứng trước biến thể Delta "lây lan như thủy đậu", để chuẩn bị cho khả năng tiêm nhắc lại, CDC Mỹ cũng cho biết họ đang cân nhắc liều vaccine thứ ba cho những người có hệ miễn dịch kém. Trung Quốc cũng đang nghiên cứu khả năng này.
Các bên nói gì?
Vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn khả năng miễn dịch do các loại vaccine COVID-19 tạo ra sẽ kéo dài bao lâu khi thời gian vaccine được thử nghiệm ở người khá ngắn.
Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra hiệu quả của vaccine có thể kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm, nhưng một số nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng mức độ kháng thể giảm dần theo thời gian.
Các giám đốc điều hành từ công ty sản xuất Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson - ba loại vaccine COVID-19 được phép sử dụng ở Mỹ - đều cho biết dữ liệu của công ty họ cho thấy sẽ cần tiêm nhắc lại để chống COVID-19. Việc tiêm nhắc lại vaccine phòng bệnh thực tế không có gì lạ, chẳng hạn như vaccine sởi, quai bị và rubella được tiêm cho trẻ em.
Các cơ quan thẩm quyền của Mỹ, như CDC và FDA, hiện vẫn khá cẩn trọng với việc tiêm nhắc lại. Các cơ quan này cho rằng câu hỏi về tiêm bổ sung vaccine COVID-19 cần được nghiên cứu kỹ càng với dữ liệu khoa học sâu rộng và không chỉ phụ thuộc vào dữ liệu từ các công ty dược. Họ nhấn mạnh sự cần thiết của việc những người đủ điều kiện nên tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đã được phê duyệt.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()