Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:19 (GMT +7)
Đóng bảo hiểm lâu năm có được hưởng mức lương hưu cao?
Thứ 4, 31/01/2024 | 08:55:54 [GMT +7] A A
Bạn đọc thanhtam19xx@gmail.com hỏi: Tôi muốn biết nếu người lao động như chúng tôi làm càng lâu thì lương hưu có càng cao không, hay chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội tới một số năm nhất định là được hưởng mức lương hưu cao rồi?
Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:
Căn cứ khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Mức lương hưu hằng tháng
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Từ các căn cứ trên, tiền lương hưu được xác định như sau:
- Đối với lao động nam, làm việc trong điều kiện lao động bình thường:
+ Tỷ lệ % hưởng lương hưu đối với lao động nam đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%. Sau đó, cứ mỗi năm tham gia thêm bảo hiểm xã hội thì sẽ được cộng thêm 2% vào tỷ lệ tính hưởng lương hưu nhưng tối đa không quá 75%.
Theo đó, để hưởng lương hưu theo mức tỷ lệ tối đa thì lao động nam cần ít nhất 35 năm làm việc tham gia bảo hiểm xã hội, sau 35 năm thì việc đóng thêm bảo hiểm xã hội không giúp tăng tỷ lệ hưởng lương hưu.
+ Mức hưởng lương hưu sẽ được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu. Trong đó, đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp thì mức quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được tính bằng cách tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian (có tính bao gồm cả hệ số trượt giá).
Theo đó, nếu mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao thì mức tiền lương bình quân làm căn cứ tính mức hưởng lương hưu sẽ càng cao, ngược lại nếu tham gia bảo hiểm xã hội với mức thấp thì lương hưu sẽ càng thấp.
- Đối với lao động nữ, làm việc trong điều kiện lao động bình thường:
+ Đủ 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội thì mức tỷ lệ tính hưởng lương hưu bằng 45%. Sau đó, cứ mỗi năm tham gia thêm bảo hiểm xã hội thì được cộng thêm 2%, tối đa không quá 75%.
Theo đó, lao động nữ cần tối thiểu 30 năm để hưởng lương hưu theo tỷ lệ hưởng ở mức 75%, sau thời gian này nếu có đóng thêm thì không ảnh hưởng đến tỷ lệ tính hưởng lương hưu.
+ Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với lao động nữ làm việc trong doanh nghiệp tương tự như đối với lao động nam. Theo đó, đóng bảo hiểm xã hội ở mức càng cao thì mức hưởng sẽ càng cao.
Như vậy, nếu lao động đóng bảo hiểm xã hội ở mức trần và ổn định cho đến thời điểm nghỉ hưu và làm việc trong môi trường lao động bình thường, không nghỉ hưu sớm thì chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với lao động nam, đủ 30 năm đối với lao động nữ là đã hưởng lương hưu ở mức cao nhất.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()