Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:57 (GMT +7)
Vệ sinh môi trường nông thôn: Những chuyển biến tích cực
Thứ 3, 15/02/2022 | 13:46:24 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp tích cực. Qua đó, góp phần tạo môi trường xanh-sạch-đẹp, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Thời gian qua, phong trào vận động phụ nữ Đông Triều tham gia 3T (Tiết giảm - Tái chế - Tái sử dụng), đã được Hội Phụ nữ TX Đông Triều đẩy mạnh thực hiện. Theo đồng chí Lê Thu Trà, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã, qua phong trào, hội đã đẩy mạnh việc thông tin đến hội viên trên địa bàn về thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt, vai trò, trách nhiệm của hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt định hướng, khuyến khích hội viên, phụ nữ cùng gia đình xác định rõ vai trò nòng cốt, thực hiện hoạt động phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa và thực hiện các mô hình về xử lý rác thải bảo vệ môi trường.
Tính riêng năm 2021, thị xã đã tổ chức 6 lớp tập huấn, hướng dẫn cho trên 300 cán bộ, hội viên phụ nữ của 21 xã, phường trên địa bàn về việc triển khai kế hoạch và kỹ thuật phân loại rác, tiến hành ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh để làm phân bón trồng rau sạch, hoa, cây trồng gắn với cải tạo đất. Thị xã đã tặng 300 chiếc nắp hố ủ rác hữu cơ, 300 gói chế phẩm sinh học cho 300 gia đình hội viên thực hiện thí điểm ủ rác thải hữu cơ thành phân vi sinh và 160 chiếc thùng đựng rác 2 ngăn cho các hội viên khó khăn để phân loại rác thải khoa học. Đến nay, toàn thị xã đã có 585 hộ gia đình tham gia thực hiện "mô hình 3T".
Tại huyện Bình Liêu, xác định tuyên truyền là giải pháp then chốt, huyện đã tập trung vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua việc phát tờ rơi, hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép tại các cuộc họp thôn, bản... Để thay đổi tập tục sinh hoạt, thói quen lạc hậu của bà con dân tộc trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã thống kê số nhà dân chưa có nhà vệ sinh, số hộ cần di chuyển chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà ở. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động xã hội hóa hàng trăm tấn xi măng, gạch và nhiều ngày công của các đoàn thể, lực lượng để hỗ trợ người dân xây dựng công trình nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh.
Cùng với đó, huyện Bình Liêu cũng thường xuyên tổ chức phát động và duy trì hiệu quả hoạt động “Ngày chủ nhật xanh” tại khu dân cư; xây dựng mô hình "3 sạch", "Tuyến đường xanh - sạch - đẹp", hướng dẫn bà con dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ dùng sinh hoạt, để từ đó nâng cao ý thức, nhận thức cho thế hệ trẻ dần thay đổi thói quen, xây dựng nền nếp sinh hoạt tiến bộ, văn minh.
Không chỉ các địa phương nói trên, thời gian qua, nhiều giải pháp đồng bộ trong bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường đã được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Tỉnh cũng đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án cải tạo môi trường tỉnh, quy hoạch quản lý tài nguyên nước, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt quan tâm đến môi trường nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh có bước chuyển đáng kể. Đến nay, 98/98 xã trong tỉnh đều có đội thu gom rác thải sinh hoạt của người dân, tập trung ở các thôn, bản đông dân cư, địa hình đi lại thuận lợi. Với những nơi dân cư không tập trung, địa hình đồi núi..., người dân được hướng dẫn thu gom, phân loại, đốt hoặc chôn rác sinh hoạt.
Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương đã quan tâm, kêu gọi các doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân xây nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh. Đến nay, trong số hơn 32.000 hộ chăn nuôi ở khu vực nông thôn của tỉnh có hơn 80% số hộ đạt tiêu chuẩn chăn nuôi hợp vệ sinh; gần 90% số hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi. Từ năm 2016-2020 có 1.928 hộ dân xây dựng công trình biogas...
Mặt khác, nhiều phong trào vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được triển khai, duy trì ở các thôn, bản với sự vào cuộc tích cực của người dân, như: Cuộc vận động “5 không, 3 sạch”; mô hình thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư, thôn xóm do hội phụ nữ thực hiện, mô hình trồng cây bóng mát các tuyến đường thôn do đoàn thanh niên triển khai... Hàng năm, ngành NN&PTNT phối hợp với các xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; hướng dẫn các thôn, xóm xây dựng bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế thấp nhất tác động của thuốc đối với môi trường. Hiện toàn tỉnh có gần 3.000 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật đang được người dân sử dụng, được địa phương, cơ quan chức năng thu gom, tiêu hủy đúng quy định.
Có thể thấy, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác bảo vệ và cải thiện môi trường ở khu vực nông thôn, miền núi, đã có chuyển biến tích cực, ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân cũng được nâng lên đáng kể.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()