Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:40 (GMT +7)
“Đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi bền vững hệ sinh thái rạn san hô…”
Chủ nhật, 03/10/2021 | 08:23:45 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh có đường bờ biển dài với nhiều đảo, quần đảo lớn, nhỏ nên được thiên nhiên ưu đãi cho các rạn san hô khá đa dạng tại một số khu vực như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, quần đảo Cô Tô và đảo Trần. Để có cái nhìn toàn diện về các rạn san hô trên địa bàn tỉnh và các giải pháp bảo vệ san hô, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với TS Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT.
- Chào ông! Quảng Ninh được biết tới là tỉnh có đường bờ biển dài với nhiều đảo, quần đảo lớn, nhỏ, vậy các rạn san hô hẳn là cũng rất đa dạng? + Vùng ven biển Quảng Ninh, san hô phân bố tại một số khu vực như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, quần đảo Cô Tô và đảo Trần. Do điều kiện đặc thù về tự nhiên, các rạn san hô ở vùng biển Quảng Ninh không rộng lớn và tươi tốt bằng khu vực bờ biển phía Nam cũng như các quần đảo ngoài khơi như Trường Sa. Sự suy giảm mạnh của san hô ở các vùng biển trên địa bàn cũng thấy rất rõ qua các con số khảo sát, điều tra, nghiên cứu thời gian qua. |
Cụ thể, theo tài liệu điều tra nghiên cứu san hô năm 1996, rạn san hô tại khu vực quần đảo Cô Tô, đảo Trần có 70 loài san hô cứng, độ phủ trung bình đạt 49,2%. Tuy nhiên, đến năm 2017-2018, Cô Tô chỉ còn 23 loài san hô, thấp nhất trong vùng vịnh Bắc Bộ.
Không chỉ ít và đơn điệu về thành phần loài mà san hô cành vốn rất phổ biến ở quần đảo Cô Tô trước đây cũng không còn. Tươi tốt nhất là rạn Hồng Vàn và Bắc Vàn trước đây từng kéo dài trên 4km và rộng đến gần 1km, được coi là rạn lớn nhất Vịnh Bắc Bộ với độ phủ cao trên 45%, nhưng đến nay toàn bộ rạn này đã chết hết mà chưa có dấu hiệu phục hồi. Đến nay, san hô còn sót lại ở quần đảo Cô Tô rất ít, phân bố thưa thớt ven các đảo với độ phủ dao động từ 0-10%.
Tại đảo Trần, hiện đã xác định được 35 loài san hô thuộc 7 họ, 15 giống san hô. Trong đó có 1 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam là Porites lobata. So với kết quả nghiên cứu năm 1999 cho thấy, số lượng loài san hô hiện có ít hơn 7 loài, khu vực có độ phủ của san hô cao nhất là 25,6%.
Riêng khu vực Vịnh Hạ Long ghi nhận vào năm 2015 có 110 loài san hô cứng và 37 loài san hô mềm. So với toàn tỉnh cũng như các vùng biển ở Cát Bà (Hải Phòng), Hòn Mê (Thanh Hoá) thì Vịnh Hạ Long vẫn là nơi có số lượng loài san hô phong phú nhất.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%. Sự phân bố số lượng loài tại các rạn cũng thấp hơn so với trước đây rất nhiều. Một số rạn có số loài cao là Cọc Chèo, Cống Đỏ, Áng Dù, Cống Đầm, Lưỡi Liềm, Vung Viêng cũng chỉ có từ 31-37 loài, giảm 50% số loài so với 10 năm trước.
- San hô suy giảm có nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
+ Sự suy giảm về độ phủ và số loài san hô xuất phát từ nhiều nguyên nhân kết hợp, phần lớn do các nguyên nhân từ việc khai thác thủy sản trái phép dưới nhiều hình thức.
Đó là khai thác bằng các nghề cấm như nghề cào, cào xới đáy biển làm gãy san hô; tạo lớp bùn trầm tích phủ lên các rạn san hô, phát tán chất độc hại trong nền đáy, gia tăng độ đục là nguyên nhân chính làm suy giảm số lượng loài và độ phủ san hô. Rồi nghề lặn kết hợp hóa chất khi trước đây, ngư dân thường sử dụng lặn khai thác thủy sản kết hợp hóa chất xianua, gây chết san hô; sử dụng mìn, chất nổ để khai thác thủy sản trái phép, có tác động xấu đến sự phát triển của rạn san hô, thậm chí dẫn đến hủy diệt san hô.
Nhiều người trước đây còn khai thác san hô để làm cảnh, đồ thủ công mỹ nghệ. Cũng phải kể đến sự bùng phát những loài địch hại của san hô như ốc Drupella - một loài ốc chuyên ăn thịt san hô, sao biển gai... do các loài địch hại của chúng bị khai thác quá mức như nhóm cá bò, cá mó...
- Vậy ở các vùng biển này, việc quản lý, bảo vệ các rạn san hô thời gian qua được tiến hành ra sao, nhất là việc ngăn chặn các hình thức khai thác thuỷ sản trái phép gây hại cho san hô?
+ San hô là một thành phần của nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2014, theo Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã được phân cấp quản lý cho các địa phương thực hiện quản lý tổng thể vùng biển ven bờ thuộc ranh giới hành chính của mình.
Thực tế, các rạn san hô ở Quảng Ninh chủ yếu phân bố tại các khu vực biển thuộc ranh giới Vườn Quốc gia Bái Tử Long và khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Do đó, triển khai quản lý theo Quy chế quản lý Vườn Quốc gia và Quy chế quản lý khu di sản thiên nhiên thế giới.
Sự suy thoái của san hô sẽ ảnh hưởng đến giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan cũng như nguồn lợi hải sản của tỉnh, đặc biệt trên Vịnh Hạ Long. Vì vậy, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái san hô như ban hành các chỉ thị, kế hoạch… nhằm tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; quy định vùng cấm khai thác, các nghề cấm…
Riêng đối với khu vực Vịnh Hạ Long, từ năm 2019, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý Vịnh Hạ Long, trong đó có quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực di sản, giúp hạn chế ô nhiễm dầu, gây đục nước, là một trong những nguyên nhân chính làm chết san hô, đồng thời ngăn chặn các hoạt động nghề cấm.
Hàng năm, chúng tôi triển khai từ 30-40 chuyến thanh, kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm toàn vùng biển của tỉnh. Trong 4 năm trở lại đây, chúng tôi đã phát hiện và xử phạt hành chính gần 1.200 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng số tiền phạt của cả nước, thu giữ và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm.
- Được biết, ngành cũng đã có những giải pháp không chỉ nhằm bảo vệ mà còn tìm cách để tái tạo, phục hồi san hô. Vậy kết quả ra sao?
+ Năm 2019, Sở NN&PTNT quản lý, triển khai thực hiện dự án "Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2018-2019”, hoàn thành vào tháng 12/2020.
Theo đó, đơn vị đã sản xuất và vận chuyển 510 khối bê tông khác nhau đến các địa điểm thiết lập bãi rạn. Phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà thầu khảo sát lựa chọn 3 khu vực để thiết lập rạn nhân tạo, thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Khu Bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần. Qua đó tiến hành các nội dung khảo sát, đánh giá sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước và trầm tích trong các khu vực rạn nhân tạo. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình tại các địa điểm phù hợp; góp phần phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Về mặt kỹ thuật, hoạt động của Dự án đã góp phần cải thiện sự quần tụ nguồn lợi và nguồn giống thủy sản tại khu vực thiết lập rạn. Nguyên nhân gây chết san hô cũng bước đầu được xác định chủ yếu do trầm tích che phủ bề mặt san hô…
- Việc quản lý, bảo vệ các rạn san hô hiện nay có gặp những khó khăn gì, thưa ông?
+ Thực tế, các vùng biển Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và huyện đảo Cô Tô rộng và có tính đặc thù, trong khi lực lượng thanh tra, kiểm soát mỏng, vì vậy việc quản lý các rạn san hô chủ yếu là ngăn chặn tàu khai thác các nghề cào và sự khai thác quá mức các loài thuỷ sản có lợi.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa ghi nhận việc khai thác cạn kiệt một số loài dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng ngư dân sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản, tác động gián tiếp đến các hệ sinh thái biển, trong đó có san hô. Các hoạt động nuôi cấy, trồng rạn san hô chủ yếu được thực hiện theo dự án với địa điểm nhỏ nên hiệu quả chưa thực sự cao.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đã triển khai, thời gian tới đây, chúng tôi sẽ đồng thời tổ chức các chương trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sinh thái biển, xúc tiến thành lập các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa, khu bảo vệ thủy sản; tổ chức thả rạn nhân tạo, phục hồi san hô 3-5ha/năm.
Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần và dự kiến đến năm 2030 sẽ thành lập Khu bảo tồn biển Vịnh Hạ Long với tổng diện tích đề xuất khoảng 55.000ha. Các giải pháp này, hy vọng sẽ góp phần phục hồi hệ sinh thái bền vững, trong đó có các rạn san hô.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()