Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:26 (GMT +7)
Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác phòng, chống mưa bão tại Cẩm Phả, Vân Đồn
Thứ 4, 10/08/2022 | 15:10:46 [GMT +7] A A
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, chiều 10/8, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các bãi thải mỏ ở TP Cẩm Phả và trên vùng biển huyện Vân Đồn. Cùng đi có đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Kiểm tra các bãi thải mỏ tại vùng Cẩm Phả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt kiểm tra bãi thải mỏ Bàng Nâu – một trong những vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao nhất mỗi khi mùa mưa bão đến. Được biết, Bãi thải này có độ cao 300m với trữ lượng trên 300 triệu m3 đất đá thải, tiệm cận với đường cao tốc và giáp ranh với nhiều khu dân cư. Bãi thải này cũng tiềm ẩn rất lớn nguy cơ bục túi nước gây sạt lở.
Thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và tỉnh Quảng Ninh rất quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn bãi thải mỏ như: xây hệ thống đê đập, mương thoát nước chân bãi thải, trồng cây tạo cảnh quan... Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt.
Những bãi thải này là đất đá thải mỏ hoàn toàn bỏ đi không có khoáng sản đi kèm. Tuy nhiên hiện do những bất cập của cơ chế chính sách nên tỉnh và Tập đoàn gặp nhiều khó khăn thúc đẩy việc tận dụng đất đá thải làm nguồn vật liệu san lấp các dự án. Việc không không tận dụng được nguồn đất đá thải này làm vật liệu san lấp về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường xung quanh khi mùa khô thì bụi, mùa mưa bão dễ sạt lở gây mất an toàn và đã làm giảm hiệu quả kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, tỉnh và TKV đang phối hợp tích cực hơn nữa đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Trung ương tháo gỡ một số khó khăn trong các quy định, cơ chế chính sách để cho phép sử dụng bãi đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; nhằm vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa đảm bảo công tác môi trường, tránh bụi về mùa khô, sạt lở về mùa mưa.
Qua kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do mưa bão gây ra, các đơn vị thành viên của TKV cần tiếp tục chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống mưa bão, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra an toàn. Trong đó, hết sức lưu ý tại các đơn vị khai thác lộ thiên cần có biện pháp đảm bảo an toàn thiết bị mỏ và hàng đầu là phải đảm bảo an toàn bãi thải mỏ, nhất là vùng Cẩm Phả, Hạ Long.
Cũng trong chiều nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác ứng phó với bão số 2 tại huyện Vân Đồn. Là một trong những địa phương dự báo là trọng điểm bão đổ bộ, vì vậy để chủ động công tác ứng phó với bão, huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện thông báo cho các phương tiện tàu thuyền của địa phương về diễn biến tình hình bão số 2 để các chủ phương tiện nắm bắt và nhanh chóng di dời về nơi tránh, trú.
Đến 14h00 ngày 10/8/2022, tổng số 1.231 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã về các nơi tránh, trú an toàn. Tổng số nhà bè (bè NTTS và bè dịch vụ) là 629 chiếc đã được gia cố. Các nhà bè đã được chính quyền địa phương thông tin, yêu cầu chằng chống, sơ tán người già, trẻ em lên bờ.
Kiểm tra trực tiếp trên biển, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với bão số 2 của huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn hiện tượng người dân ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu trước 17h ngày 10/8, huyện Vân Đồn cùng lực lượng chức năng khẩn trương, quyết liệt đưa toàn bộ người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn.
Người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo,chỉ đạo; tập trung mọi lực lượng để triển khai công tác ứng phó với bão, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu phải lưu ý hoàn lưu sau bão.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()