Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 19:10 (GMT +7)
Đồng hành cùng người dân tiêu thụ nông sản
Thứ 4, 11/08/2021 | 06:52:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực vào cuộc, chung tay hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ nông sản. Nhiều cách làm mới, hiệu quả đã được triển khai. Qua đó không chỉ giúp hộ sản xuất vơi bớt khó khăn, đẩy nhanh quá trình tiêu thụ nông sản trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mà còn mở ra nhiều cơ hội để nông sản địa phương tiếp cận thị trường thông qua các kênh bán hàng mới.
Gỡ khó cho nông dân
Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp cơ bản đảm bảo tốt các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, do diễn biến của dịch Covid-19 có chiều hướng phức tạp hơn, nên tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Theo thống kê của ngành chức năng, từ tháng 3 đến tháng 5/2021, nhiều loại nông sản của tỉnh bị tồn đọng với số lượng lớn. Trong đó, có gần 3.000 tấn ngao hai cùi, 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương, 18.000 quả trứng gà/ngày... tập trung chủ yếu tại các huyện Vân Đồn, Hải Hà và TX Quảng Yên. Đây là mối lo ngại của nhiều hộ dân sản xuất. Bởi ngoài thất thu về kinh tế do không bán được nông sản, hộ sản xuất còn phải chi trả thêm chi phí để xử lý môi trường, dịch bệnh do không kịp thu hoạch, thiếu vốn để tái sản xuất cho vụ sau...
Để gỡ khó cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Theo đó, các cấp hội đã chủ động nắm bắt sản lượng tồn đọng nông sản tại các địa phương để lên phương án phù hợp. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công đoàn các cấp, triển khai kêu gọi đoàn viên đăng ký tiêu thụ nông sản.
Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để nông sản đến với người tiêu dùng, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã cùng Hội Nông dân các huyện, thành phố trong tỉnh đứng ra làm đầu mối, cung cấp thông tin, giới thiệu các nông sản như: Gà thương phẩm, trứng gà, ổi, khoai tây, hải sản (hàu, hà), na... Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật danh sách các sản phẩm, chi tiết về số lượng, địa chỉ, số điện thoại... của các chủ hộ, HTX có nông sản cần được tiêu thụ qua các trang thông tin của Hội, cổng thông tin điện tử các địa phương, Báo Quảng Ninh điện tử... Thông qua đó, người có nhu cầu có thể trực tiếp nắm bắt thông tin và liên hệ trực tiếp tới từng hộ gia đình, HTX để trao đổi, mua bán.
Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực ủng hộ người dân trong tiêu thụ nông sản của tỉnh. Trong đó phải kể đến các đơn vị ngành Than, các KCN trên địa bàn đã thu mua nông sản số lượng lớn để đưa vào bếp ăn phục vụ CBCNLĐ; kêu gọi và hỗ trợ CBCNLĐ đăng ký mua nông sản địa phương.
Nhờ những giải pháp trên, nông sản của tỉnh không rơi vào tình trạng ứ đọng, không tiêu thụ được. Ước tính, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân trên 93.000 tấn nông sản các loại và trên 1 triệu quả trứng gia cầm; một số loại hải sản ùn ứ số lượng lớn trong 5 tháng đầu năm cơ bản cũng đã được tiêu thụ.
Cùng với việc tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua sự phối hợp, liên hệ với các đối tác lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... cũng được cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm. Tính từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu nông sản Quảng Ninh sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 600 tấn các loại; sản phẩm ruột hàu Thái Bình Dương xuất khẩu vào thị trường Đài Loan đạt gần 800 tấn.
Đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng
Cùng với các giải pháp đã thực hiện, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương đang được nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới. Điển hình trong vụ na Đông Triều, đứng trước nguy cơ khó khăn trong tiêu thụ, ước tính tồn đọng khoảng 6.500 tấn quả cả vụ, chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội đã nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ.
Theo đó, TX Đông Triều đã thực hiện phân luồng ưu tiên cho xe tải vào địa bàn thu mua na; cấp logo ưu tiên xe chở na dai Đông Triều đi tiêu thụ; thực hiện triển khai xét nghiệm gộp mẫu cho thương lái, lái xe có nhu cầu; trả kết quả xét nghiệm qua mạng, mở rộng kênh bán hàng qua sàn TMĐT Đông Triều Mart... với mục tiêu vừa kích cầu lưu thông nông sản, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Tuyền (xã An Sinh, TX Đông Triều) cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng gần 1ha na, dự kiến có thể thu hoạch khoảng 10 tấn na trong vụ, với giá bán với giá trung bình từ 60.000-80.000 đồng/kg. Nhờ sự hỗ của các sở, ngành và sự sâu sát của chính quyền địa phương trong khâu hỗ trợ tiêu thụ, sản phẩm na của gia đình đã tìm được đầu ra với giá cả hợp lý. Tới nay, hơn một nửa số na của gia đình đã được tiêu thụ hết. Việc hỗ trợ của các cấp chính quyền đã giúp đỡ cho chúng tôi rất nhiều trong tiêu thụ, thu hồi vốn để yên tâm tiếp tục sản xuất cho các vụ sau.
Để tiêu thụ sản phẩm na Đông Triều giúp người dân, các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ. Điển hình như: Tổng Công ty Đông Bắc hỗ trợ thu mua cho người dân Đông Triều trên 1,2 tấn na với trị giá trên 36 triệu đồng; hệ thống Vinmart thực hiện tiêu thụ từ 2,5-3 tấn na/ngày tại các chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+ ở các tỉnh thành phía bắc và khu vực Hà Nội (tại Quảng Ninh, Vinmart Hạ Long và Vinmart Cẩm Phả đã thực hiện tiêu thụ 200kg na/ngày giúp người dân Đông Triều); chợ Hạ Long I, Go! Hạ Long cũng tạo điều kiện để na Đông Triều được bày bán trong khuôn viên đơn vị...
Nhờ các giải pháp này, đến nay TX Đông Triều đã tiêu thụ được gần 3.000 tấn na. Sản lượng na đang tiếp tục được thu hoạch và dự kiến đầu ra cho nông sản này cũng thuận lợi hơn trước, do có sự phối hợp đặt hàng từ các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo dự báo của cơ quan nông nghiệp, từ nay tới cuối năm, ngoài na thì nhiều nông sản của tỉnh sẽ tiếp tục đến vụ thu hoạch với sản lượng lớn để đưa ra thị trường, như: Hầu đại dương, hầu sữa, hà, sò, tôm, cua... Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vì vậy việc chủ động các giải pháp tiêu thụ nông sản là cần thiết.
Để đưa nông sản của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng và tìm đầu ra cho nông sản trước những “thách thức” của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thị trên địa bàn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiêu thụ, hỗ trợ bà con nông dân, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự tương trợ, hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiêu thụ nông sản của tỉnh; hướng dẫn người dân tiếp cận phương pháp bán hàng qua mạng, bán hàng online... Qua đó, vừa hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây lan dịch bệnh, vừa tiêu thụ hàng hóa bị tồn đọng, nhằm hỗ trợ người nông dân giảm bớt những thiệt hại và ổn định sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Công Thương hiện đang tiếp tục triển khai các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử, các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện...
Đáng chú ý, nông sản Quảng Ninh đang dần tiếp cận với các sàn thương mại điện tử lớn trong nước, như: Sendo, Tiki, Voso... Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tỉnh, hiện đã có 223 nông sản của Quảng Ninh đang được tăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 2.000 đơn hàng đặt hàng, trong đó có khoảng 88% chuyển cho các doanh nghiệp thực hiện giao dịch. Trong tương lai không xa, với việc khẳng định chất lượng nông sản cùng định hướng quảng bá sản phẩm hiệu quả, chắc chắn các sàn thương mại điện tử sẽ là kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả cho các hộ sản xuất.
Cũng từ tận dụng nền tảng công nghệ số, các địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận với hình thức tiêu thụ qua các kênh bán hàng online như: Facebook, zalo,... bước đầu cũng đạt được một số hiệu quả nhất định.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê, lên danh sách các nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ để điều tiết thị trường cho phù hợp, không để tình trạng tồn hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương rà soát hiện trạng sản xuất nông sản của người dân. Qua đó, nắm bắt và từng bước tháo gỡ những khó khăn mà người dân gặp phải để tìm phương hướng giải quyết, hỗ trợ hợp lý.
Trong giai đoạn hiện nay, để chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Sở Công Thương tiếp tục triển khai hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản cho người dân; đẩy mạnh việc liên kết đào tạo, tập huấn cho người nông dân về kỹ năng quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng online. Sở đã công bố danh sách các điểm bán hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu của người dân. Cùng với đó là các giải pháp tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm, nhằm tránh bị phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()