Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 08:24 (GMT +7)
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Thứ 2, 21/03/2022 | 07:48:54 [GMT +7] A A
Từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP và cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đồng sức, đồng lòng, huy động sự chung tay, đồng hành của các cấp, các ngành hướng về phụ nữ biên giới, hải đảo. Chương trình đã trở thành điểm tựa, là động lực để phụ nữ và người dân ở vùng biên tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Những ước mơ thoát nghèo thành hiện thực
Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình chị Hoàng Thị Xuân (dân tộc Tày, thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu). Với 7ha đất đồi, chị Xuân cùng chồng san gạt, cải tạo, xây dựng mô hình nuôi gà, rồi trồng cây mắc ca và sachi, quyết tâm thoát khỏi nghèo. Chị Xuân chia sẻ: “Tôi bắt đầu phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi gà qua nguồn hỗ trợ 5 triệu đồng của chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" năm 2018. Sau đó, tôi đã tái đàn nhiều lần, sử dụng số tiền tích góp từ nuôi gà để trồng thêm cây mắc ca và sachi”.
Những loại cây này trước đây ở huyện Bình Liêu chưa có hộ gia đình nào trồng. Vì thế, ban đầu chị gặp khá nhiều khó khăn, do giống cây mới, đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm bón. Làm đến đâu, chị Xuân dần đúc rút kinh nghiệm đến đó. 100 gốc cây bưởi, 700 gốc cây mắc ca, 700 gốc cây sachi đầu tư trồng từ năm 2019 được gia đình chị tập trung chăm sóc.
“Cây sachi là loại khó trồng, gia đình tôi đang trồng thử nghiệm; còn mắc ca là cây lâu năm, phải trồng từ 2-3 năm mới cho thu hoạch một lần. Cây mắc ca hiện đã ra hoa, kết quả, chờ thu hoạch. Năm qua đình tôi nuôi khoảng 150-200 con gà bản địa, cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng. Kinh tế gia đình nhìn chung khấm khá, không còn khó khăn như trước” - Chị Xuân cho biết.
Chị kể, xuất phát từ gia đình thuần nông, cuộc sống rất vất vả, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Nếu không có quyết tâm, thì cuộc sống gia đình sẽ vẫn khó khăn như vậy. Được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã, chị đã cố gắng từng bước vươn lên, đặc biệt từ khi có chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai tại địa bàn huyện, thì ý chí, nghị lực của chị được tiếp thêm sức mạnh. Được sự hỗ trợ về cây, con giống, gia đình chị đã có niềm tin vào sự vươn lên để thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.
Chị Đào Phương Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, chia sẻ: "Những chuyến đi đến với bà con biên giới, vùng dân tộc thiểu số càng ý nghĩa hơn khi chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai. Điều nhớ nhất đối với chúng tôi chính là khuôn mặt phấn khởi, vui mừng của bà con khi nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia...". Chị ấn tượng nhất với sự nỗ lực vươn lên của mẹ con chị Chìu Nhì Múi (thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu), một trong những gia đình được BĐBP tỉnh hỗ trợ. Gia cảnh của chị Múi rất khó khăn, nhưng chị vẫn nuôi dạy được con gái học giỏi. Chị nhớ rất rõ ánh mắt rạng ngời, hạnh phúc của chị Múi trong ngày khánh thành ngôi nhà mới do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao tặng. Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đã vận động, quyên góp tiền mua ti vi, chăn, màn, đệm, ga, gối, bát, đĩa, nồi cơm điện tặng gia đình chị. Từ khi có nhà mới, gia đình chị bảo ban nhau làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Các hoạt động của chương trình như trao sinh kế, hỗ trợ xây nhà ở, trao tặng đồ dùng thiết yếu... là những hoạt động mà Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh đã và đang thực hiện, nhằm giảm bớt khó khăn của phụ nữ nơi biên giới, để họ thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, dần khẳng định bản thân.
Hành trình tiếp bước
Là tỉnh duy nhất thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” theo phương thức “tự giúp” không có sự đồng hành của tỉnh khác; giai đoạn 2018-2020, chương trình đã lựa chọn 2 xã là Lục Hồn, Vô Ngại của huyện Bình Liêu để hỗ trợ. Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động nắm tình hình thực tế địa phương, bám sát địa bàn để chỉ đạo các cấp hội phụ nữ, các đồn biên phòng thực hiện một cách bài bản, hiệu quả, thiết thực, mang tính bền vững.
Với cam kết hỗ trợ bằng hình thức vận động xã hội hóa, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã triển khai các hoạt động bám vào mục tiêu chung, chỉ tiêu tổng thể. Với việc vận động xã hội hóa nguồn lực được đảm bảo theo cam kết đăng ký hỗ trợ và nhiều hoạt động đồng hành vượt chỉ tiêu so với kế hoạch ban đầu, trong 3 năm qua, 2 đơn vị đã hỗ trợ gần 1,7 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động của các chiến sĩ BĐBP tỉnh.
Hai đơn vị còn hỗ trợ người dân ở 2 xã triển khai 2 loại mô hình sinh kế cho 52 hộ tham gia với tổng số tiền 447,2 triệu đồng. Trong đó có 37 hộ được hỗ trợ vốn, con giống để phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm; 10 hộ tham gia mô hình nuôi lợn từ nguồn hỗ trợ trực tiếp của chương trình; 1 hộ triển khai từ nguồn 135 của huyện; 1 hộ thực hiện từ nguồn vay vốn ủy thác của hội phụ nữ; 3 hộ từ nguồn hỗ trợ sinh kế...
Chương trình cũng hỗ trợ xây mới 17, sửa chữa 3 nhà an toàn với số tiền 610 triệu đồng, vượt 7 nhà so với kế hoạch đề ra. Các gia đình được hỗ trợ "xây nhà an toàn", cùng với số tiền hỗ trợ, còn được sự quan tâm chia sẻ hỗ trợ của các chiến sĩ đồn biên phòng, hội viên phụ nữ trong việc ủng hộ ngày công làm nhà, vận chuyển nguyên vật liệu, đồ dùng vật dụng sinh hoạt khi khánh thành nhà mới. Chương trình còn triển khai các hoạt động, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng tủ sách pháp luật, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, chương trình tiếp tục được triển khai với việc đề cao tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động với phương châm “Đồng lòng, sáng tạo, thực chất, bền vững”. Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ 2 xã Lục Hồn, Vô Ngại (huyện Bình Liêu), giai đoạn này các cấp hội phụ nữ và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 2 xã Quảng Đức, Quảng Sơn (huyện Hải Hà) bằng các việc làm cụ thể, ý nghĩa, như: Duy trì và xây dựng mới các mô hình sinh kế bền vững; thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 5 có” và “3 sạch”; bổ sung nội hàm cuộc vận động xây dựng gia đình “5 có” đó là có nhà an toàn, có việc làm ổn định, có thu nhập, có tinh thần ham học hỏi, có nếp sống văn hóa; vận động thực hiện “3 sạch” trong hộ gia đình và cộng đồng... Hiện các hộ ở 2 xã Quảng Sơn, Quảng Đức đã được hỗ trợ xây dựng công trình chăn nuôi ra xa nơi ở.
Các hoạt động hỗ trợ nhà ở, mô hình kinh tế, học sinh khó khăn không chỉ tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sống.
Trong năm 2021, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức 2 lớp tập huấn xử lý rác thải tại gia đình gắn với thực hiện tiêu chí xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” cho 150 hộ gia đình; 100% cán bộ hội cơ sở được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội; gần 300 lượt cán bộ chi, tổ hội phụ nữ được tham gia các lớp tập huấn, truyền thông về chính sách pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới... Cán bộ hội ở cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em ăn ở hợp vệ sinh, xóa bỏ hủ tục; động viên các hộ tích cực, tự giác thực hiện các mô hình kinh tế thoát nghèo, tham gia các hoạt động ngày chủ nhật tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Vinh cho biết: Tiếp tục chặng đường của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chúng tôi tập trung gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về cách thức triển khai, chúng tôi chú trọng hỗ trợ “cần câu” hơn cho “con cá”, nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của người dân và địa phương trong các xã đồng hành. Mục tiêu mà chương trình hướng đến là nâng cao chất lượng đời sống người dân nói chung, phụ nữ nói riêng ở khu vực biên giới; tham gia cùng lực lượng biên phòng giữ vững trật tự, an toàn, xây dựng vùng biên giới ngày càng phát triển.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()