Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:28 (GMT +7)
Đông Triều vui ngày hội lớn
Chủ nhật, 14/09/2014 | 15:18:53 [GMT +7] A A
Có lẽ chưa bao giờ cán bộ, nhân dân quê hương đệ tứ chiến khu Đông Triều, nơi quê gốc của nhà Trần khi xưa lại được đón nhiều niềm vui cùng một lúc như vậy. Người dân nức lòng khi được nhà nước xếp hạng, công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, vinh danh cho những dấu tích mà vương triều Trần đã để lại trên đất Đông Triều ngày nay. Người dân cũng vui mừng trước nỗ lực xây dựng đô thị thời gian qua đã cho kết quả tương xứng, từ tiền đề đô thị loại IV hôm nay để tiếp tục phấn đấu cho hành trình trở thành thị xã Đông Triều trong năm tới.
Các mâm lễ của người dân trên địa bàn dâng lên các vua Trần trong lễ hội đền Sinh. |
Náo nức lòng người
Đền An Sinh, không gian lễ hội truyền thống nơi thờ tám vị hoàng đế nhà Trần những ngày mùa thu này rộn ràng hơn bao giờ hết, khi nơi đây được lấy làm tâm điểm để tổ chức sự kiện “4 trong 1” của địa phương.
Hoà chung vào dòng người về dự hội, ông Nguyễn Văn Hinh, thôn Triều Khê, xã Hồng Phong đứng bên mâm lễ mà thôn dâng lên các vị vua Trần, chia sẻ: “Địa phương có nhiều sự kiện lớn, niềm vui lớn nên người dân chúng tôi phấn khởi lắm, vì thế mà bà con đi dự lễ hội đông hơn rất nhiều. Tự hào vậy, chúng tôi cũng tự thấy phải có trách nhiệm “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, từ đó gìn giữ các giá trị của di tích. Ông cha đã có công xây dựng thì con cháu hôm nay phải gìn giữ bản sắc, xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn, giàu mạnh hơn.”
Người dân và du khách dâng hương tại lễ hội đền Sinh 2014. |
Ngắm nghía rất kỹ những hiện vật được trưng bày tại nhà trưng bày Di sản văn hoá nhà Trần trong khuôn viên đền An Sinh, anh Trần Văn Thao ở thôn Đìa Mối, xã An Sinh cho hay: “Từ khi còn cắp sách tới trường, tôi đã được tìm hiểu về những di tích nhà Trần ở An Sinh, từ đó càng khiến tôi tự hào thêm về quê hương. Dịp lễ hội, rồi khi bạn bè từ xa đến chơi, tôi cũng thường đưa các bạn đến tham quan tại di tích. Nhà nước nay vinh danh cho KDT của Đông Triều thì chắc rằng một ngày không xa nữa, những công trình với vẻ đẹp cổ xưa sẽ được khôi phục lại. Cùng với di tích, sự phát triển chung của Đông Triều chắc chắn cũng góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.”
Các hiện vật nhà Trần thu hút sự quan tâm của nhiều du khách về dự hội. |
Chuẩn bị từ sớm đi dự khởi công xây dựng đền Thái với khăn đóng, áo the đen, vào đền Thái thắp hương cho các vua Trần, ông Trần Đức Minh, 83 tuổi, già làng thôn Trại Lốc, xã An Sinh run run cho biết: “Hơn 60 năm sống trên mảnh đất này, tôi đã chứng kiến ngôi đền từ lúc còn 5 gian, sau bị đạn pháo chiến tranh phá huỷ, rồi bà con xây dựng lại ngôi đền nhỏ như hiện nay để làm nơi thờ cúng. Nay công trình được khởi công xây dựng lại, chúng tôi phấn khởi lắm…” Đỡ lời chồng, bà Bùi Thị Chung đứng bên tiếp lời: “Người dân An Sinh trước giờ vất vả lắm, gần đây đường sá được mở rộng, khang trang, di tích thì được tu bổ, tôn tạo. Người dân chúng tôi cũng tham gia vào, bà con vận động làm đường nhỏ ở các ngõ xóm. Còn đền Thái, ngay khi đoàn khảo cổ về tiến hành khai quật, chúng tôi đã thấy háo hức rồi. Di tích của ông cha, của các vị anh hùng dân tộc để lại đã dần mở tương lai cho con cháu hôm nay được hưởng phúc rồi…”
Tưng bừng lễ hội
Đi trên những trục đường chính của huyện dẫn đến đền An Sinh, nơi tổ chức các sự kiện lớn của huyện dịp này rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu. Đông đảo người dân từ khắp các xã, thị trấn của huyện và du khách thập phương đổ về chung vui với Đông Triều trong các sự kiện lớn tổ chức dịp này. Tiết trời giữa thu đã có phần dịu lại nhiều dù ánh nắng vàng óng ả vẫn trải rộng không gian, như ủng hộ thêm cho niềm vui ngày hội lễ.
Màn sử thi "Đông Triều - Vùng địa linh, nhân kiệt" tái hiện mảnh đất Đông Triều năm xưa. |
Khai hội đền An Sinh năm nay đã mở đầu cho các hoạt động. Tiếng trống gióng giả, tiếng chiêng đã thỉnh lên vang vọng, lời cầu nguyện quốc thái dân an khi bổng, khi trầm khiến ai nấy đều chìm trong một không gian linh thiêng. Vào khu đồi Đình nơi có đền Thái – Thái miếu của nhà Trần, trước khi vòng ra phía sau để dự khởi công, ai nấy đều vào dâng hương tại ngôi đền cũ. Đứng giữa đồi vải xanh tươi này, tôi chợt hình dung, không bao xa nữa nơi đây sẽ dựng lên một ngôi đền khang trang, không còn tình trạng tiêu điều, hoang phế hiện nay. Và khu phía trước, mặt bằng đền cũ, nơi từng phát lộ một quần thể di tích thời Trần vô cùng quy mô, đồ sộ, với dấu tích nền móng 39 kiến trúc thời Trần, sẽ được đầu tư bảo tồn cho du khách tham quan, tìm hiểu về di tích gốc. Mấy phóng viên chúng tôi tiến đến bàn công đức, anh bạn đi cùng bảo: “Dự án rất lớn, lên tới hơn 100 tỷ đồng cơ. Chúng ta cũng đóng góp một chút để cùng xã hội hoá xây dựng công trình…”
Màn sử thi tái hiện những chiến công lừng lẫy của nhà Trần 700 năm trước. |
Diễn ra trong chiều cùng ngày, hội thảo về giá trị KDT nhà Trần đã một lần nữa khẳng định lại những giá trị nổi bật, đặc sắc của trung tâm văn hoá An Sinh – Đông Triều với vị thế là một trong ba trung tâm văn hoá tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần. Giá trị văn hoá tín ngưỡng, tâm linh là nét nổi bật của Đông Triều so với 2 trung tâm văn hoá khác của Đại Việt lúc bấy giờ là Thăng Long (Hà Nội) và Thiên Trường (Nam Định). Bên cạnh đó, Đông Triều còn là một trung tâm kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của nhà Trần. Đề cập đến khâu bảo tồn, phát huy giá trị, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến việc kết nối di sản văn hoá nhà Trần tại Đông Triều với các di sản nhà Trần khác ở Quảng Ninh và ở tỉnh bạn như Bắc Giang, Hải Dương…
Màn sử thi tái hiện cảnh vua Trần Nhân Tông trao lại ngôi báu cho con để chuyên tâm tu hành. |
Tâm điểm của ngày hội là lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt và công bố Quyết định công nhận đô thị Đông Triều mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, diễn ra vào tối cùng ngày. Các nghi thức đã diễn ra trang trọng, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo trung ương, của tỉnh, các tỉnh, thành bạn, các địa phương lân cận và người dân ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Sôi động, hấp dẫn người dân hơn cả là chương trình nghệ thuật nối tiếp. Đặc biệt, màn sử thi “Đông Triều – Vùng địa linh nhân kiệt” đã cho người xem cái nhìn tổng thể về quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước, gắn với những chiến công hiển hách của nhà Trần. Đồng thời, làm nổi bật vai trò của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông gắn với vùng “địa linh, nhân kiệt” Đông Triều; và sự nối tiếp truyền thống để gìn giữ di tích người xưa để lại, xây dựng quê hương Đông Triều hôm nay và mai sau…
Màn sử thi tái hiện việc Trần Nhân Tông tu hành và hoá Phật tại Ngoạ Vân am (Đông Triều). |
Cả 4 sự kiện quan trọng đều đã diễn ra trong ngày 13-9, nhưng niềm vui của bà con nơi đây thì còn lan toả sâu, còn tiếp tục trong các hoạt động cộng đồng, các hoạt động lễ hội khác. Nghe nói, người dân các thôn của An Sinh năm nay tự bỏ kinh phí đóng góp, để giao lưu chung vui cùng nhau dịp này. Liên hoan các Làng - Khu phố văn hoá trên địa bàn sẽ tiếp tục diễn ra vào buổi tối 2 ngày tiếp theo là 14, 15 để chọn ra những làng, khu phố xuất sắc nhất. Các trò chơi, thi thố mang nhiều tính chất dân gian như bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, bóng chuyền, đập niêu…sẽ còn tiếp tục, nối dài niềm vui ngày hội lễ năm nay.
Màn múa hát "Đông Triều quê ta" ngợi ca mảnh đất, con người Đông Triều hôm nay. |
Đông đảo nhân dân và du khách về chung vui cùng Đông Triều trong ngày hội lớn. |
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()