Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 17:24 (GMT +7)
4 nhóm giải pháp trọng tâm của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 2, 22/09/2014 | 05:38:27 [GMT +7] A A
Trong hơn 1 năm (từ tháng 5-2012 đến tháng 12-2013) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Công ty TNHH Mckinsey & Company Việt Nam thuộc Tập đoàn tư vấn Mckinsey (Mỹ) nghiên cứu lập đã hoàn thành. Đây là bản quy hoạch gốc cho mọi quy hoạch của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31-12-2013.
Với sự tư vấn của đơn vị có uy tín, kinh nghiệm hàng đầu thế giới, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã thoả mãn đầu bài mà tỉnh đặt ra. Đó là, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của Vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, có tính liên kết vùng; tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế đặc biệt của Quảng Ninh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ xứng tầm quốc tế về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hoá các nguồn lực và đa dạng hoá lợi ích quốc tế trong phát triển kinh tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là công cụ quan trọng, hữu hiệu trong công tác quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển “xanh”; phân bố không gian phát triển theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”, làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian; là sự kết tinh trí tuệ tập thể, kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn của Quảng Ninh, những đề xuất cải cách thể chế không giới hạn trong phạm vi Quảng Ninh mà ở tầm vĩ mô quốc gia.
Tổ chức lãnh thổ các hoạt động kinh tế - xã hội chủ yếu tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do đơn vị tư vấn Tập đoàn MCKinsey (Mỹ) lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước, quy hoạch đã đưa ra mô hình tăng trưởng của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính là: Dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; ổn định phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Không gian phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được định hình theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” bảo đảm liên kết, đồng bộ phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, Hạ Long là tâm, hai tuyến đa chiều là tuyến hành lang phía Tây và tuyến hành lang phía Đông, hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Móng Cái.
Quy hoạch đã xác định các nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp nhằm huy động các nguồn vốn, trong đó nguồn nội lực là chủ yếu, các nguồn đầu tư trong nước đóng vai trò làm đòn bẩy tăng trưởng chính của tỉnh. Nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn lực đầu tư. Thứ hai, về phát triển nguồn nhân lực, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho việc chuyển dịch cơ cấu việc làm từ các hoạt động nông nghiệp và khai thác khoáng sản sang các ngành dịch vụ và công nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế đang tăng trưởng. Thứ ba, về phát triển khoa học công nghệ, thu hút các ngành công nghiệp và công đoạn sản xuất sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ sạch, năng suất cao theo hướng phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng và cải tiến khoa học công nghệ thay vì tăng lao động cơ học, vốn và tài nguyên thiên nhiên; nâng cao hiệu quả của chính quyền điện tử, gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thứ tư, về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, trong cả nước và quốc tế là một ưu tiên quan trọng để khai thác các lợi thế cạnh tranh của tỉnh và mở rộng thị trường cũng như thu hút đầu tư, nguồn nhân lực.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được lập và hoàn thành đã tạo gốc để các các quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, địa phương thực hiện quyết tâm chuyển đổi phương thức phát triển “xanh” của tỉnh.
Thu Trang
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia. 2. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững phù hợp với các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cơ cấu nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ các hoạt động “nâu” sang “xanh”, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp phi khai khoáng, đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác than được sạch hơn và bền vững hơn. 3. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nội lực là chính kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh, tiềm năng đặc biệt, cơ hội nổi trội như tài nguyên thiên nhiên, văn hoá độc đáo và đa dạng của Quảng Ninh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 4. Phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo phát triển và công bằng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân, giữa khu vực nông thôn với thành thị và giữa các địa phương trong tỉnh. 5. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, nắm bắt các điều kiện thuận lợi, khắc phục các tác động tiêu cực của các xu thế kinh tế quốc tế và khu vực; bảo đảm đường biên giới ổn định, hoà bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. (Theo Quyết định 2622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) |
Liên kết website
Ý kiến ()