Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:46 (GMT +7)
Đột phá cả lượng và chất
Chủ nhật, 30/08/2020 | 07:27:36 [GMT +7] A A
Trong 10 năm qua, nhìn lại những con số có thể thấy du lịch Quảng Ninh đã có những đột phá phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, đưa Quảng Ninh phát triển chuyển dần kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, trong đó, du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2010, Quảng Ninh đã đón 5,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. 5 năm sau - năm 2015, toàn tỉnh đón 7,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2,75 triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt 6.500 tỷ đồng, thu ngân sách từ hoạt động du lịch ước đạt 1.200 tỷ đồng. Năm 2018, Quảng Ninh đón ước đạt 12,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 5,2 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 24.000 tỷ đồng, chiếm 9% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Năm 2019, Quảng Ninh đã đón trên 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 29.487 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của toàn tỉnh.
Du khách tham quan hồ Ba Hầm trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Đại Dương |
Năm 2010, trên địa bàn tỉnh có khoảng 975 cơ sở lưu trú du lịch với 13.665 buồng ngủ, trong đó cơ sở lưu trú du lịch trên bờ là 825 với 12.260 buồng, số khách sạn từ 1-5 sao là 86 với 4.790 buồng ngủ; có 155 tàu lưu trú với 1.405 buồng ngủ. Đến năm 2020, Quảng Ninh có khoảng 2.036 cơ sở lưu trú, trong đó có 1.542 cơ sở với 27.959 buồng đã được xếp loại hạng; 500 tàu du lịch với hơn 20.000 chỗ ngồi, trong đó có 187 tàu lưu trú với 2.181 phòng; 11 bãi tắm du lịch và 50 cơ sở kinh doanh du lịch được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Nhìn vào chỉ số trên cho thấy tốc độ tăng doanh thu từ du lịch của Quảng Ninh đã cao hơn so với chỉ số tăng về khách du lịch. Điều đó chứng tỏ sự tăng trưởng của du lịch Quảng Ninh đã có sự chuyển biến về chất và lượng. Cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển từ “nâu” sang “xanh” khi đóng góp của ngành than vào tăng trưởng của tỉnh trong cơ cấu GRDP có xu hướng giảm dần, từ trên 40% năm 2010 xuống 21,3% năm 2015 và còn 18,2% năm 2019.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự bứt phá của du lịch Quảng Ninh được đánh dấu bằng kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XII (tháng 9/2013) khi Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua. Theo đó, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, du lịch được xác định là một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ninh phát triển theo hướng bền vững.
Trên cơ sở ấy, nhiều định hướng và giải pháp đã được đưa ra. Nỗ lực thu hút đầu tư, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đi đầu trong phát triển hạ tầng. Trong những năm qua, nhiều công trình hạ tầng lớn đã được khánh thành và đưa vào hoạt động, như: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn… được xây dựng đã kết nối Quảng Ninh với nhiều điểm trong nước và quốc tế. Quảng Ninh trở thành một trong số ít các tỉnh, thành phố có giao thông đồng bộ, hiện đại cả đường bộ, đường không, đường biển.
Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, các khoản thu nộp ngân sách từ các hoạt động du lịch hàng năm đều tăng trưởng khá, bước đầu đã có đóng góp quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh. Hoạt động du lịch có những bước phát triển mới, tạo nên một hệ thống doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, tạo ra cơ hội, động lực cho nhiều ngành kinh tế khác phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho nhân dân.
Với những kết quả đạt được cùng những giải pháp phù hợp, đúng hướng, tin rằng mục tiêu Quảng Ninh đón 30 triệu lượt khách vào năm 2030 sẽ sớm về đích.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()