Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:41 (GMT +7)
Đột phá từ chủ đề công tác năm
Thứ 5, 20/05/2021 | 08:31:30 [GMT +7] A A
11 năm qua, mỗi năm Quảng Ninh lựa chọn một chủ đề công tác, từ đó, tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đồng bộ triển khai các giải pháp thực hiện. Cách làm này giúp tỉnh tập trung được nguồn lực trong thời gian ngắn để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra; đồng thời, dần khơi thông những điểm nghẽn trong quá trình phát triển, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững và tạo đột phá.
Theo dõi các chủ đề công tác năm có thể thấy rất rõ tầm nhìn chiến lược của tỉnh. Như năm 2012, năm đầu tiên tỉnh công bố chủ đề công tác năm là Quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển. Thời điểm này, mặc dù vẫn có tăng trưởng nhất định, tuy nhiên, tỉnh cũng đã nhận diện được những mâu thuẫn, thách thức đặt ra ngày một lớn hơn. Với quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” - mô hình rất mới mà Chính phủ đã định hình trong chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, đòi hỏi Quảng Ninh phải định vị lại chính mình và xác định lại những động lực phát triển. 7 quy hoạch chiến lược của Quảng Ninh (đến năm 2020 tầm nhìn 2050) được triển khai lập từ giai đoạn năm 2012 mang ý nghĩa này.
Các quy hoạch chiến lược được lập trên quan điểm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phân bố không gian phát triển theo hướng “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”, làm thay đổi nhanh diện mạo phát triển của tỉnh, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, vượt trội về đẳng cấp và bứt phá về thời gian. Bằng những luận cứ xác đáng và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, Quảng Ninh đã thuyết phục được Chính phủ để trở thành địa phương đầu tiên của cả nước được chấp thuận thuê tư vấn nước ngoài lập cùng lúc 7 quy hoạch quan trọng.
Từ chủ đề công tác đầu tiên được công bố năm 2012, theo thông lệ đầu mỗi năm, Quảng Ninh đều công bố các chủ đề công tác mới. Việc lựa chọn chủ đề công tác năm được xây dựng dựa trên thứ tự ưu tiên trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển của tỉnh.
Chủ đề công tác năm 2013 là Cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực; năm 2014 là Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp; năm 2015 là Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng thương hiệu, tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh; năm 2016 là Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công, xây dựng thành phố du lịch Hạ Long; năm 2017 là Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh; năm 2018 là Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên; năm 2019 là Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ; năm 2020 là Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững; năm 2021 là Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. |
Xác định rõ chủ đề công tác năm đã giúp tỉnh tập trung nguồn lực để khơi thông dần những điểm nghẽn trong quá trình phát triển. Điển hình, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước thông qua thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và tất cả các địa phương cấp huyện, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Từ cách làm này, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh - mô hình duy nhất trong cả nước.
Từ sự thay đổi mang tính đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, cũng như xác định rõ chủ đề công tác năm đã giúp tỉnh đạt được những thành tựu vượt bậc, năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Ở giai đoạn 2011-2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự bứt phá mạnh theo hướng phát triển kinh tế xanh bền vững. Quảng Ninh luôn là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 9,2%/năm, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 3.910 USD, gấp 1,7 lần so với cả nước. Việc quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm. Tỉnh cũng khẳng định vị trí tiên phong về thực hiện đồng bộ, hiệu quả xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt ở giai đoạn 2016-2020, từ nền tảng đã có, tỉnh đã có những bứt phá rất mạnh mẽ, tiếp tục gặt hái được nhiều trái ngọt trong công cuộc đổi mới. Trong các chuyến thăm và làm việc với tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đã ghi nhận: Quảng Ninh đã có những bước phát triển nhanh, bền vững; là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, khu vực miền Bắc và cả nước nói chung.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%, đây là mức tăng trưởng cao, nhất là trong bối cảnh cả năm 2020 nền kinh tế chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững so với năm 2015. Theo đó, tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Quảng Ninh cũng đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với sự hiện diện của hàng loạt các dự án lớn về chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ đẳng cấp...
Vân Du
Liên kết website
Ý kiến ()