Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 05:42 (GMT +7)
Dự báo ngăn suy giảm kinh tế
Thứ 6, 02/01/2009 | 10:08:22 [GMT +7] A A
Trong cơ chế thị trường, dự báo là rất quan trọng; trong điều kiện thế giới đang gặp cuộc khủng hoảng theo đánh giá là chỉ sau cuộc Đại khủng hoảng 1929- 1933, thì dự báo lại càng quan trọng. Vậy có thể dự báo gì cho năm 2009 của VN để góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế?
Trước hết là lạm phát ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; Chính phủ chủ trương tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng. Mục tiêu đề ra cho năm 2009 là lạm phát dưới 15%. Nhưng người viết dự đoán chỉ dưới 10%, thậm chí còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Dự báo này căn cứ vào tác động của nhiều yếu tố như tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu. Mặt khác, số liệu lịch sử cũng cho thấy lạm phát đã giảm mạnh từ mức 9,2% năm 1998 xuống còn 0,1% năm 1999 và âm 0,6% năm 2000 - 3 năm được coi là thời kỳ thiểu phát của VN.
Thứ hai là tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn (năm 2008, tăng trưởng GDP ước đạt 6,23%. Năm nay, mục tiêu đề ra là 6,5%). So với năm 2008, năm 2009 vốn đầu tư so với GDP sẽ thấp hơn, hiệu quả đầu tư có thể cũng thấp hơn, nên tốc độ tăng GDP sẽ thấp hơn. Do người dân vẫn "thắt lưng buộc bụng" nên tỷ lệ tiêu dùng so với GDP sẽ không tăng. Số liệu thống kê lịch sử cũng cho thấy, do tác động của cuộc khủng hoảng ở khu vực, tăng trưởng kinh tế của VN đã bị sụt giảm từ 8,15% năm 1997 xuống còn 5,76% năm 1998 và xuống 4,77% năm 1999.
Thứ ba là thiếu việc làm gia tăng. Dự báo này dựa trên một số yếu tố. Số người đến tuổi lao động hằng năm vẫn ở mức trên 1 triệu. Hệ số giữa tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng số lao động đang làm việc năm 2007 là trên 4,4 lần; nếu tốc độ tăng GDP giảm xuống thì tốc độ tăng việc làm càng giảm (mới vài tháng qua đã có 22 nghìn lao động thiếu việc). Xuất khẩu lao động gặp khó khăn, lại thêm số về trước thời hạn.
Thứ tư là xuất khẩu gặp khó khăn. Mục tiêu năm 2009 đề ra là tăng 13% nhưng nhiều chuyên gia dự báo sẽ gặp ba khó khăn lớn. Thị trường xuất khẩu truyền thống có quy mô lớn bị thu hẹp, trong khi thị trường mới có thể tăng cao nhưng quy mô lại nhỏ. Giá xuất khẩu bị giảm mạnh. Việc thanh toán ở các nước rất khó khăn do ngân hàng ở đó thắt chặt cho vay. Giá nhập khẩu cũng giảm, kim ngạch nhập khẩu từ châu Á, nhất là Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Nhập siêu nếu năm 2006 chưa đến 5,1 tỉ USD, năm 2007 vọt lên trên 14,1 tỉ USD, năm 2008 vẫn ở mức 17 tỉ USD, khả năng năm 2009 có thể còn cao hơn.
Cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhằm giữ cho "tứ giác kinh tế" năm 2009 không xấu hơn 2008, trong đó mục tiêu quan trọng hàng đầu là ngăn chặn sự suy giảm kinh tế.
Liên kết website
Ý kiến ()