Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 22:25 (GMT +7)
Du lịch cộng đồng: Hướng phát triển bền vững
Chủ nhật, 18/06/2017 | 05:57:31 [GMT +7] A A
Vài năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển. Loại hình du lịch này, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội cho cộng đồng dân cư mà còn góp phần vào công tác bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá bản địa, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội ở địa phương. Đây được coi là một trong những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch bền vững.
Khách du lịch nghe hướng dẫn úp cá tại làng du lịch đồng quê Yên Đức (TX Đông Triều). |
Từ mô hình du lịch làng quê Yên Đức
Một trong những mô hình du lịch cộng đồng được chia sẻ kinh nghiệm nhiều nhất trong thời gian qua, đó là mô hình du lịch làng quê Yên Đức (xã Yên Đức, TX Đông Triều). Mặc dù mới được đưa vào khai thác thí điểm từ cuối năm 2011, nhưng mô hình du lịch làng quê Yên Đức do Công ty CP Du thuyền Đông Dương xây dựng đã đạt được những thành công nhất định và được du khách đánh giá cao. Đến với du lịch làng quê Yên Đức hôm nay, ngoài phong cảnh thanh bình, yên ả của một làng quê thuần nông, điều làm du khách bất ngờ nhất đó là những người nông dân thực thụ tham gia làm du lịch. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như: Xay lúa, giã gạo, úp cá hay tham quan ngôi chùa cổ của làng, xem múa rối nước, tìm hiểu nét đẹp văn hoá ở đây. Và điều đặc biệt hơn nữa khách đến thăm nhà dân, được tìm hiểu phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương.
Chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế, Du lịch làng quê Yên Đức, một người gắn bó với công ty từ những ngày đầu chia sẻ: Trước đây làng quê Yên Đức chủ yếu chỉ đón khách Tây, nhưng vài năm trở lại đây khách Việt rất nhiều. Đặc biệt là mùa hè, mùa thấp điểm của khách Âu, khách du lịch Việt Nam đi tour đến tham quan Yên Đức khá đông. Vào những dịp cuối tuần có hôm đón đến hơn 200 khách. Điều mà khách du lịch thú vị nhất khi đến đây, đó là du khách không chỉ được hoà mình vào không gian yên bình của làng quê, mà còn có cơ hội trải nghiệm như những người nông dân thực thụ khi được tự tay làm các công việc nhà nông như xay lúa, giã gạo, cuốc đất, trồng rau, cấy lúa, bắt cá... Thú vị nhất là du khách được hướng dẫn bởi chính những người nông dân ở làng quê Yên Đức. Du lịch phát triển không chỉ giải quyết việc làm tăng thu nhập cho bà con nông dân mà bức tranh phong cảnh làng quê Yên Đức cũng đẹp hơn, ý thức của bà con về giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên rất nhiều. Chị Mến cho biết thêm, lúc đầu mới đi vào hoạt động khu du lịch làng quê chỉ có chưa đến 10 người rồi đến 30 người tham gia, bây giờ con số đó đã lên đến 60 người làm du lịch phục vụ khách, 100% là bà con nông dân địa phương, thu nhập trung bình mỗi người được 3 triệu đồng/tháng, hơn làm ruộng rất nhiều. Từ những người nông dân quanh năm làm ruộng, giờ đây họ đã trở thành những hướng dẫn viên thực thụ. Thu nhập từ làm du lịch đã cải thiện cuộc sống người dân, giúp người dân giữ gìn bảo tồn những nét đẹp văn hoá độc đáo của quê hương mình.
Du khách tham gia trải nghiệm bắt ốc cùng người dân tại xã đảo Cái Chiên (Hải Hà). |
Lan toả đến các địa phương
Sau thành công của mô hình du lịch cộng đồng ở Yên Đức với những thiết thực, nhiều địa phương tại các huyện biên giới, hải đảo có tiềm năng du lịch cũng phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tại Cô Tô, một huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mô hình du lịch cộng đồng ở đây cũng thu hút được nhiều hộ dân tham gia. Theo lãnh đạo địa phương cho biết, từ năm 2012 đến nay, huyện đảo Cô Tô đã tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng phát triển bền vững với các dịch vụ hấp dẫn du khách như: Tham quan khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đảo, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân miền biển. Du khách được bố trí ở tại nhà dân để trải nghiệm cuộc sống, tham gia đánh cá, câu mực... như những ngư dân thực thụ trên đảo. Chính quyền địa phương cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân vay vốn để đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị trong gia đình đảm bảo phục vụ đón khách. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về du lịch mở các lớp tập huấn du lịch cộng đồng cho bà con. Từ các lớp tập huấn, bà con được truyền đạt những kiến thức về kỹ năng giao tiếp, văn hoá ứng xử và chăm sóc khách hàng, phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường cảnh quan, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.
Anh Vũ Văn Hữu, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến (Cô Tô) cho biết, trước đây gia đình anh làm nông nghiệp, năm 2012, anh mới bắt đầu làm du lịch với ngôi nhà nhỏ của mình, anh sử dụng làm dịch vụ homestay, nhưng mấy năm nay, lượng khách du lịch đến Cô Tô tăng, anh quyết định đầu tư thêm phòng nghỉ để phục vụ khách. Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, gia đình còn kinh doanh thêm các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp. Anh Hữu chia sẻ, làm du lịch hơn hẳn làm nông nghiệp. Bây giờ ở Cô Tô, nhiều hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Du lịch đã mang lại luồng gió mới cho huyện đảo này.
Cùng với Cô Tô, các xã đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn) mô hình du lịch cộng đồng cũng đã phát triển. Gần đây nhất là xã đảo Cái Chiên (Hải Hà). Năm 2016, khi điện lưới quốc gia về đến đảo, du lịch ở đây bắt đầu thu hút khách, du khách đến với xã đảo Cái Chiên ngày một đông, người dân địa phương cũng bắt đầu nghĩ đến kinh doanh du lịch. Một số hộ gia đình trên đảo vay vốn đầu tư sửa sang nhà cửa đón khách.
Ông Phạm Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Cái Chiên cho biết, năm 2016, xã Cái Chiên có 14 hộ dân làm du lịch homestay nhưng năm nay đã có 35 hộ. Để tạo điều kiện cho người dân có kiến thức sơ đẳng về làm du lịch, chính quyền huyện Hải Hà cũng đã mở lớp tập huấn du lịch cộng đồng cho người dân. Những kiến thức về du lịch như kỹ năng giao tiếp, đón tiếp khách, vệ sinh nhà cửa... đã được chuyên gia du lịch truyền đạt tới người dân. Tuy nhiên, ông Phạm Thế Anh cũng trăn trở, hiện nay bà con trên đảo rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở vật chất phát triển du lịch. Cũng như tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ...
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch CLB Du lịch cộng đồng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới, đáp ứng nhu cầu khám phá của phần lớn du khách quốc tế muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc. Du lịch cộng đồng là sự chung tay của tất cả người dân cùng làm du lịch để đem lại nguồn lợi cho chính mình cũng như mang lại sự trải nghiệm thực tế cho du khách. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.
Thu Nguyên
Liên kết website
Ý kiến ()