Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:27 (GMT +7)
Du lịch vùng dân tộc thiểu số – cần thêm những “cú hích”
Chủ nhật, 05/12/2021 | 07:27:09 [GMT +7] A A
Các địa phương khu vực vùng núi ở Quảng Ninh có thế mạnh cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc, khác biệt của các dân tộc thiểu số, ngược lại cũng là nơi có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Vì vậy, giải bài toán phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số Quảng Ninh cần có thêm trợ lực khi khởi động trở lại, nhất là sau tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua.
Thế mạnh lớn nhất của du lịch Quảng Ninh từ trước tới nay là các sản phẩm du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, MICE… gắn với địa bàn vùng thấp, khu vực biển đảo là chủ yếu. Ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm gần đây có một số điểm du lịch khởi sắc như ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Móng Cái… phục vụ nhu cầu trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống khác biệt, đặc sắc và phong cảnh tự nhiên nguyên sơ của vùng cao. Đây cũng là xu hướng mới, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn thực tế còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa tương xứng với tiềm năng. Có một thực tế, dù là loại hình du lịch bền vững và mang lại giá trị cho cộng đồng dân sinh nhưng để phát triển du lịch các vùng dân tộc thiểu số lại cần được hỗ trợ ban đầu và trong quá trình thực hiện từ kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ đến vốn đầu tư, cơ sở vật chất, hạ tầng.
Bởi lẽ, nhiều vùng du lịch còn rất hạn chế về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất gần như chưa có gì, giao thông nhỏ hẹp… Cùng với đó, nguồn lợi thu về từ du lịch cộng đồng không nhanh, không nhiều bằng các loại hình du lịch khác nên sức hút với các nhà đầu tư không cao. Thực tế là cho đến nay, hầu như chưa có những dự án du lịch lớn được đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Mục tiêu tạo sinh kế cho người dân
Tạo sinh kế cho người dân chính là mục tiêu khi phát triển du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số. Theo đó thì các dịch vụ du lịch sẽ được cộng đồng dân cư cung cấp, người dân được tạo cơ hội trực tiếp tham gia vào hoạt động phục vụ du khách và được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch tại địa bàn sinh sống.
Tuy nhiên, ngay cả đối với những điểm du lịch cộng đồng “có tiếng” nhất tại Bình Liêu và đây cũng là địa phương có sự phát triển du lịch dường như tốt nhất trong các địa phương vùng cao ở Quảng Ninh, thì việc người dân tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch chưa được bao nhiêu.
Đơn cử như tại bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), theo đánh giá thì hiện công việc đem lại thu nhập chính cho người Dao Thanh Phán tại đây là các loại cây đặc trưng như hồi, quế, sở. Ngoài ra, bà con còn canh tác trên các thửa ruộng bậc thang và trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ cũng như có các nghề thủ công truyền thống. Hoạt động du lịch ở đây mới dừng ở mức độ manh nha, tự phát với quy mô nhỏ lẻ.
Ở các điểm du lịch khác như Bản Cáu (xã Lục Hồn) hay bản Lục Ngù (xã Húc Động) dù có tiềm năng trong việc phát triển sản phẩm du lịch, người dân mong muốn được làm du lịch nhưng hiện chưa xây dựng được sản phẩm du lịch, dịch vụ nào; chưa có hoạt động kinh doanh du lịch tại đây.
Ở một số địa phương khác thì du lịch cộng đồng gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất hạn chế. Như ở Ba Chẽ hiện chưa có điểm du lịch cộng đồng nào chính thức được đầu tư hay đưa vào hoạt động. Cơ sở vật chất kỹ thuật cho du lịch hầu như chưa có. Ở khu vực vùng cao của Hạ Long có thể kể đến điểm du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La, điểm du lịch Khu bảo tồn bản văn hóa người Dao Thanh Y Bằng Cả… nhưng hoạt động lẻ tẻ, không thường xuyên.
Du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh ra đời sau, nhất là du lịch cộng đồng ở vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số càng non yếu hơn. Hai năm gần đây, với tác động của dịch Covid-19 thì mảng du lịch này càng khó khăn hơn. Như ở Bình Liêu, những ý tưởng về xây dựng bản văn hóa du lịch Lục Ngù, Khe Vằn, làm homestay ở khu vực đối diện thác Khe Vằn… đến giờ vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể…
Cần thêm những “cú hích”
Mặc dù khá im ắng do chưa có những nhà đầu tư có tầm hay gặp khó do dịch Covid-19 nhưng rải rác các địa phương cũng từng bước triển khai quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, gìn giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào, là cơ sở bước đầu cho phát triển du lịch sau này.
Ở Bình Liêu, bên cạnh việc đầu tư đường giao thông, di dời các hộ dân vùng dự án khu vực chân thác Khe Vằn, những năm gần đây, huyện đã chú trọng phát triển các CLB văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các làn điệu hát dân ca truyền thống như: Hát Then của dân tộc Tày, hát Pả dung của dân tộc Dao, hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay. Hiện trên địa bàn huyện có 21 CLB văn nghệ, trong đó có 9 CLB cấp xã và duy trì sinh hoạt đều đặn.
Ở xóm họ Đặng, xã Hải Sơn (TP Móng Cái) đã hình thành làng bích hoạ với những ngôi nhà nơi đây được sơn vẽ rất đẹp, có cổng chào, có những khu vực chụp ảnh, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, sẵn sàng đón khách. Từ đây có thể đi tham quan thác, ruộng bậc thang, tham gia các lễ hội…
Huyện Ba Chẽ hiện đang quy hoạch và xây dựng khu bảo tồn văn hoá người Dao cùng các khu trải nghiệm, dịch vụ khác tại thôn Làng Cổng, thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc), thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn), thôn Bắc Văn (xã Thanh Sơn). Đặc biệt, khu bảo tồn văn hóa người Dao tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn) là điểm được chọn để phục dựng lại không gian văn hóa của đồng bào Dao Thanh Phán cũng như một số lễ hội, phong tục tập quán của cư dân địa phương. Đây hiện là nơi sinh hoạt cũng như đào tạo lại các nghề thủ công gia truyền nhằm sử dụng vào hoạt động phát triển du lịch cộng đồng.
Hay như Tiên Yên, Trung tâm Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc đã được đầu tư ở thị trấn Tiên Yên, có quy mô, kiến trúc đẹp. Và năm 2018, huyện đã hoàn thành Khu văn hóa - thể thao dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, là công trình kiến trúc truyền thống nhà sàn 2 tầng, 5 gian và nhiều hạng mục khác. Đây cũng là thôn nổi tiếng với Lễ hội Đồng Đình hàng năm gồm các nghi lễ đặc trưng của người Tày, mang hồn cốt là hội Lồng Tồng (hội xuống đồng), cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi…
Như vậy là việc đầu tư ban đầu cho cơ sở hạ tầng du lịch cộng đồng ở các địa phương đã từng bước được tiến hành, dù chưa đồng đều. Tuy nhiên, mức độ phát triển của các hoạt động du lịch thực sự còn nhỏ lẻ, chưa hút được các nhà đầu tư lớn, việc hưởng lợi của người dân từ du lịch chưa đáng kể.
Giờ đây, cùng với sự mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới, du lịch cộng đồng ở các vùng dân tộc thiểu số cũng cần có thêm những “cú hích”, để tạo bước đột phá trong phát triển, đáp ứng xu thế du lịch trải nghiệm an toàn đang phổ biến hiện nay. Có như vậy thì người dân vùng du lịch mới thực sự được tham gia và hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch tại địa phương.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()