Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 22:30 (GMT +7)
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Thứ 6, 05/11/2021 | 14:13:27 [GMT +7] A A
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm tỷ lệ đến 40%. Nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm, phát hiện, điều trị kịp thời, tỷ lệ này chỉ còn dưới 2%. Vì thế, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở mức thấp nhất, đảm bảo trẻ được ra đời khỏe mạnh; góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hiện nay chưa có thuốc và phương pháp điều trị nào chữa khỏi HIV/AIDS, nhưng đã có thuốc và các dịch vụ chăm sóc để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhiều phụ nữ mang thai sau khi phát hiện nhiễm HIV đã được các cán bộ y tế tư vấn tham gia điều trị ARV và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con; vì vậy nhiều trẻ được sinh ra vẫn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm từ người mẹ.
Từ năm 2005 Quảng Ninh đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bằng nguồn ngân sách địa phương, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí trong quá trình quản lý thai nghén. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ngay tại các cơ sở y tế, hỗ trợ thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được quản lý, chăm sóc điều trị, xét nghiệm miễn phí, cấp sữa ăn thay thế miễn phí cho đến khi đủ 12 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, đủ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Ninh) giữ vai trò đầu mối cùng các đơn vị có liên quan tập trung triển khai nhiều giải pháp tích cực trong chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tỉnh đến các địa phương; tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Vũ Văn Hiền, Khoa Phòng chống HIV/AIDS (CDC Quảng Ninh), cho biết: Đối với phụ nữ nhiễm HIV cần xem xét kỹ thời điểm mang thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện, để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con. Việc thăm khám, quản lý thai nghén phải được thực hiện tại các cơ sở chăm sóc điều trị HIV/AIDS, điều trị ARV và tuân thủ điều trị để tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng.
Cũng theo bác sĩ Hiền, lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở 3 thời điểm: Mang thai; khi chuyển dạ và đẻ; thời kỳ sau sinh. Tùy từng giai đoạn mà triệu chứng nhiễm HIV của trẻ thay đổi khác nhau. Giai đoạn không có triệu chứng, trẻ sinh ra vẫn bình thường hoặc chỉ phát ra dấu hiệu sốt nhẹ. Giai đoạn lâm sàng chủ yếu là các biểu hiện của nhiễm trùng cơ hội và các bệnh u. Các biểu hiện lâm sàng này thay đổi ở nhiều cơ quan và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác, như nhiễm virus Herpes, nấm Candida ở miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục hoặc các triệu chứng khác, như hạch to, gan, lách to, sụt cân, sốt kéo dài. Giai đoạn có triệu chứng, AIDS là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV.
Nhằm hạn chế lây truyền HIV từ mẹ sang con đến mức thấp nhất, các hoạt động truyền thông đã được ngành Y tế tỉnh triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; các hoạt động tư vấn, xét nghiệm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mang thai, chăm sóc và quản lý thai nghén.
Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, việc dự phòng lây nhiễm cần được thực hiện với tất cả các bà mẹ ngay từ lần khám thai đầu tiên. Bên cạnh đó, truyền thông tiếp tục chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm cho con; lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV và điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm do lây truyền từ mẹ…
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()