Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 10:21 (GMT +7)
Du xuân qua những trang sách
Thứ 2, 07/02/2022 | 13:59:26 [GMT +7] A A
“Cảnh sắc Đà Lạt - Xứ ngàn hoa”, “Việt Nam dọc miền du ký”, “Với ngày như lá, tháng như mây” mang đến cho độc giả trải nghiệm xê dịch trên từng trang sách.
Tết là dịp mỗi người dành thời gian để lắng đọng, nhìn lại những gì mình đã làm được trong năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới. Nhiều người thường có ý định du xuân trong những ngày đầu năm.
Đây cũng là thời điểm các đơn vị xuất bản lựa chọn những tác phẩm có nội dung đặc sắc để cung cấp đến độc giả. Một số cuốn sách về du lịch và con người được thực hiện, giúp bạn đọc du xuân lành mạnh trong bối cảnh đại dịch qua từng trang sách.
Với các bạn trẻ đam mê xê dịch, Việt Nam dọc miền du ký là cuốn sách thú vị để nhâm nhi trong dịp Tết. Với ngày như lá, tháng như mây dẫn dắt độc giả tìm hiểu mảnh đất Sài thành với bao nét đẹp từ thuở xa xưa. Trong khi đó, Cảnh sắc Đà Lạt - Xứ ngàn hoa là lời tâm tình của một lữ khách về thành phố của các loài hoa.
Tìm hiểu văn hóa vùng miền
Góp nhặt từng mẩu chuyện, thông qua góc nhìn mới mẻ của một người trẻ, tác giả Le Rin cho ra mắt cuốn Việt Nam dọc miền du ký.
Cuốn sách mở ra nhiều địa điểm du lịch trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. Ở đó, mỗi chuyến đi đều mang một ý nghĩa và nét văn hóa riêng.
Lê Rin chia sẻ “gia tài” trải nghiệm du lịch của mình qua các chuyến đi đến Hà Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Phú Yên, Hội An… Mỗi địa danh xuất hiện trong sách không chỉ được giới thiệu bằng ngôn từ mà còn được thể hiện qua khâu chọn lọc từng hình ảnh màu sắc với hình khối chân thực, sinh động và bắt mắt.
Lấy phong cảnh từng địa danh làm tiền đề, Le Rin còn đi sâu khai thác những câu chuyện văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực mà ở đó, nét đẹp lao động của con người chính là điểm nhấn. Họ có thể là người dân chất phác, giản dị; cũng có thể là những nghệ nhân làng nghề truyền thống. Nhưng dù là ai, họ cũng kể một cách chân thành về quê hương bằng niềm tự hào mãnh liệt.
Du hành về mảnh đất Sài thành
Phạm Công Luận là nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách được đông đảo bạn đọc yêu mến như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Chú bé Thất Sơn… Đặc biệt, ông còn là cây bút gạo cội viết các chuyên khảo, hồi ký về TP.HCM mỗi dịp xuân về, mang đến nhiều tựa sách giàu giá trị như Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm…
Đúng hẹn, dịp Tết Nguyên đán 2022, Phạm Công Luận cho ra mắt bạn đọc ấn phẩm Với ngày như lá, tháng như mây.
Trải dài qua 30 bài viết, tập tản văn này chứa đựng một cuộc du hành trong tâm tưởng của tác giả, đưa người đọc trôi về thời xa vắng của TP.HCM khoảng nửa thế kỷ trước.
Cuốn sách mở ra khung trời hồi tưởng về một thời đã trôi xa: “Đó là thập niên 1990 đầy hạnh phúc, khi bản thân còn đang căng tràn tuổi trẻ, sức lực và niềm vui sống. Đó là những năm không phải lúc nào mọi điều cũng suôn sẻ nhưng chỉ cần một chuyến đi xa, một tình bạn đơn sơ, một cuốn sách thú vị hay một ca khúc trữ tình phát ra từ máy cassette cũng đủ giúp tôi lướt qua những điều không vui gặp phải trên trường đời”.
Tập tản văn không chỉ kể lại kỷ niệm riêng tư của tác giả về những ngày ấm êm trong ngôi nhà cũ của cha mẹ, mái trường yêu dấu với hình bóng thầy cô, bè bạn, những ngày hè tươi đẹp với thú vui của trẻ nhỏ và món quà vặt đơn sơ... mà còn là câu chuyện khắc họa đôi nét chân dung một vài nhân vật nổi tiếng của TP.HCM xưa hay ký ức về các khu phố nổi tiếng như xóm chợ Nancy, Cây Gõ, Xóm Gà...
Như nhiều tác phẩm trước đó, cây bút Phạm Công Luận vẫn giữ được sự kết hợp tự nhiên, nhuần nhuyễn ở dạng bài tản văn đậm cảm xúc tự nhiên nhưng ngồn ngộn tư liệu, luôn có những khám phá và chi tiết mới, giữ được thế mạnh của một cây viết sinh ra và lớn lên ở thành phố này.
Với ngày như lá, tháng như mây khơi gợi lại niềm hoài nhớ của một cộng đồng không nhỏ những người gắn bó với TP.HCM, góp phần lưu giữ ký ức đang dần mai một về mảnh đất lớn này.
“Tôi luôn cảm thấy quá khứ không bao giờ chết. Nó thậm chí còn chưa trôi qua kia. Trong tôi, quá khứ luôn sống lại vì nó có nhiều điều thật đẹp”, tác giả Phạm Công Luận viết.
Lời tâm tình của lữ khách
Cũng trong dịp năm mới 2022, tác giả Phạm Công Tâm ra mắt bạn đọc cuốn Cảnh sắc Đà Lạt - Xứ ngàn hoa. Đây cũng là tập tranh ký họa thứ hai của anh sau cuốn Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
“Trong gần hai năm quanh quẩn ở nhà do dịch Covid-19, tôi say sưa vẽ về cảnh sắc Đà Lạt trong tâm tưởng. Càng vẽ, tôi càng thấy trong mấy chục năm qua, với xứ sương mù này, tôi vẫn chỉ là một lữ khách lướt qua thành phố.
Những lần ngoạn cảnh dốc đèo, nhâm nhi ly cà phê quán nhỏ, ăn trái bắp nóng ở dốc Hòa Bình, hay một mình lặng ngắm sương mù giăng khắp thành phố khi vợ con còn say ngủ... vẫn là chưa đủ để tôi cảm nhận hết mọi điều về thành phố tuyệt vời này”, tác giả chia sẻ.
Không mang góc nhìn chuyên sâu như những công trình nghiên cứu hay du khảo về Đà Lạt, tác phẩm đơn thuần là lời tâm tình qua tranh vẽ của một lữ khách. Từ những lần bước chân theo đường hoa ngoạn cảnh, tác giả lưu luyến, gắn bó với thành phố này như quê hương thứ hai.
Qua hơn 100 bức tranh màu nước công phu, Đà Lạt hiện lên lung linh, mờ ảo trong màn sương với những căn nhà cổ, con dốc hoang sơ cùng cảnh sinh hoạt của cư dân phố núi giữa muôn vàn hoa thơm cỏ lạ.
Ghi nhận vẻ đẹp của một thành phố thơ mộng không chỉ là cách bày tỏ tình yêu của tác giả, họa sĩ Phạm Công Tâm, mà còn là tấm lòng tha thiết muốn lưu giữ những giá trị xưa của cảnh sắc đất Việt.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()