Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:30 (GMT +7)
Đưa công nghệ tiếp cận mọi mặt cuộc sống
Thứ 3, 16/08/2022 | 10:31:18 [GMT +7] A A
2 năm trở lại đây, khi công cuộc chuyển đổi số của Quảng Ninh bước vào giai đoạn tăng tốc thì sự hiện diện của công nghệ đã bắt đầu rõ nét hơn trong từng ngành, lĩnh vực, đời sống KT-XH. Đây chính là bước đệm vững chắc để tỉnh tạo ra những đột phá mới, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Lan toả chuyển đổi số
Dấu ấn rõ nét nhất về chuyển đổi số của Quảng Ninh phải kể đến lĩnh vực cải cách hành chính. Nhờ những nỗ lực này, tỉnh đang trở thành địa bàn thông thoáng, hấp dẫn, lựa chọn tin cậy đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đến nay, Quảng Ninh đã kết nối chính thức hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Dịch vụ xác nhận định danh cá nhân và căn cước công dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình; dịch vụ chia sẻ thông tin.
Tỉnh đang chỉ đạo địa phương rà soát thực hiện chuẩn hóa, tái cơ cấu quy trình, đơn giản hóa TTHC theo hướng không yêu cầu công dân phải khai báo lại thông tin đã khai báo. Từ đầu tháng 6/2022, Quảng Ninh đã đưa vào thử nghiệm nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh với ngành tư pháp, LĐ-TB&XH, GD&ĐT, y tế, TT&TT.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 9.327 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 200.331/278.238 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt 71,9%. Tỉnh đã kết nối 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngoài cải cách hành chính, du lịch cũng là một trong những khu vực có sự chuyển biến về chuyển đổi số. Điển hình là việc BQL Vịnh Hạ Long xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Với tiện ích này, các thông tin về du khách sẽ được số hóa và lưu trữ bảo mật, thuận lợi cho công tác quản lý, tra cứu, xử lý tình huống phát sinh một cách nhanh chóng.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt mà áp dụng các hệ thống thanh toán điện tử, quét mã QR cũng được ngành du lịch Quảng Ninh bắt đầu thí điểm từ tháng 6 vừa qua đã và đang tạo thuận lợi cho du khách, cũng như hình thành thói quen sử dụng công nghệ của các chủ kinh doanh dịch vụ. Sắp tới, ngành du lịch Quảng Ninh cũng đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... vào phục vụ du khách. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D… nhằm mang đến những trải nghiệm mới, hấp dẫn cho du khách.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc chuyển đổi số cũng đã có những tiến triển nhất định khi nhiều công nghệ tự động được áp dụng vào các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ phục vụ truy xuất hàng hóa, đa dạng kênh thông tin bán hàng đã được nhiều nông dân, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị mặt hàng, năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững.
Nỗ lực vì những đích đến cao hơn
Trước yêu cầu của chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, Quảng Ninh xác định rõ và đang đi đúng lộ trình đã vạch ra để phát triển toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030 đạt 30% GRDP của tỉnh. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Trên cơ sở quyết tâm đó, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, tỉnh và các bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động KT-XH; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trước mắt, trong năm 2022, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, GT-VT và logistics, cửa khẩu số. Cùng với đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu 100% TTHC ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các KCN ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số và kinh tế số chiếm ít nhất 30% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()