Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:44 (GMT +7)
Đưa đất đá thải mỏ tiếp cận dự án trọng điểm
Thứ 3, 07/03/2023 | 06:47:08 [GMT +7] A A
Trung bình mỗi năm, các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh cần khoảng 130 triệu m³ đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục ưu tiên tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh.
Dự án KCN Sông Khoai triển khai trên diện tích 714ha và được thực hiện trong 5 giai đoạn với tổng mức đầu tư 3.535 tỷ đồng. Năm 2020, dự án đã hoàn thành, đưa giai đoạn 1 vào hoạt động với diện tích 123ha. Thực tế, địa hình KCN Sông Khoai chủ yếu nằm các chân ruộng trũng, vì vậy nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng tương đối lớn. Triển khai GPMB dự án KCN Sông Khoai, đến nay Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (chủ đầu tư) đã sử dụng hơn 3 triệu m³ đất đá phục vụ san lấp mặt bằng giai đoạn 1 và 2. Các giai đoạn còn lại của dự án cần hơn 12 triệu m³ đất đá san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, tại khu vực TX Quảng Yên và các vùng lân cận đang bị thiếu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng phục vụ dự án.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (chủ đầu tư dự án KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết: Để giải quyết tình trạng khát nguồn vật liệu san lấp đơn vị phải tận dụng một số mỏ đất và dự án có đất đổ thải khu vực xung quanh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nguồn vật liệu này không đáp ứng được trữ lượng và tiến độ triển khai. Trong khi đó, KCN Sông Khoai đang bước vào giai đoạn tăng tốc hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Tìm nguồn vật liệu thay thế phục vụ san lấp GPMB đóng vai trò quyết định đến tiến độ chung của cả dự án. Thực tế, trên địa bàn tỉnh nguồn vật liệu đất đá thải mỏ trữ lượng rất lớn có thể tận dụng giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn vật liệu. Thời gian tới, đơn vị ưu tiên khai thác hiệu quả nguồn vật liệu đất đá thải mỏ phục vụ GPMB cho KCN Sông Khoai.
Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng cho các KCN, khu đô thị, du lịch, dịch vụ ngày càng tăng cao. Theo kết quả rà soát của Sở TN&MT, nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp trên địa bản tỉnh đến năm 2025 là gần 600 triệu m³, trung bình mỗi năm cần khoảng 150 triệu m³. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 1 tỷ m³.
Trong quá trình khai thác than lộ thiên hàng chục năm qua, riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bốc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³. Đây là trữ lượng rất lớn có thể tận dụng khai thác làm vật liệu san lấp mặt bằng. Để giải quyết khó khăn, đưa đất đá thải mỏ tiếp cận đến nhiều dự án, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu TKV và Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để được khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. TKV đã triển khai lập quy hoạch các khu vực bãi thải có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng. Đến nay, quy hoạch tỉnh cũng đã xác định 32 điểm bãi đất đá thải mỏ. Giai đoạn 2021-2030, có thể cung cấp trữ lượng khoảng 965 triệu m³, công suất trung bình một năm đạt 170 triệu m³.
Trong 2 năm gần đây, Bộ TN&MT đã thống nhất, giải quyết khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ cho 4 dự án với khối lượng khoảng 12,4 triệu m³. Đó là: Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty CP Than Núi Béo phục vụ thi công đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc phục vụ thi công dự án khu du lịch, dịch vụ Bái Tử Long; Bãi thải Suối Lại của TKV phục vụ các dự án công trình dân dụng và đô thị trên địa bàn TP Hạ Long; Bãi thải Nam Tràng Bạch (Tổng Công ty Đông Bắc) phục vụ thi công dự án đường ven sông đoạn Uông Bí - Đông Triều. Tất cả đều thực hiện theo đúng yêu cầu đánh giá tác động môi trường về từng dự án riêng biệt, theo cung đường vận chuyển nhất định và phương án san lấp riêng…
Trong buổi kiểm tra thực tế tại khu vực bãi thải mỏ Suối Lại, Bắc Bàng Danh và Cảng Làng Khánh (TP Hạ Long) ngày 18/2 vừa qua, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: Để triển khai nhanh việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT cần phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thành viên TKV, Tổng Công ty Đông Bắc hoàn thiện các thủ tục, báo cáo Bộ TN&MT cấp phép khai thác các bãi thải. Ban Quản lý KKT khẩn trương làm việc với chủ đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rà soát xác định nhu cầu sản lượng đất đá thải; kêu gọi đầu tư tuyến băng tải từ chân bãi thải Bắc Bàng Danh đến Cảng Làng Khánh bằng nguồn xã hội hóa. Tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu cụ thể xây dựng đơn giá, phương án vận chuyển phù hợp, hiệu quả nhất. Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất nạo vét luồng tuyến sông Diễn Vọng đoạn từ cảng Làng Khánh ra vịnh Cửa Lục và các thủ tục cấp phép bến cảng tạm tại các dự án.
Việc tỉnh ưu tiên các giải pháp tháo gỡ khó khăn sớm đưa đất đá thải mỏ tiếp cận phục vụ san lấp mặt bằng cho nhiều dự án trọng điểm là hướng phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ giảm áp lực đổ thải của các công ty khai thác than mà còn đáp ứng được nhu cầu vật liệu san lấp của các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn ngày một lớn và bảo vệ môi trường ngày càng bền vững.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()