Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:16 (GMT +7)
Đưa kịch bản sân khấu lên phim ảnh: Cơ hội và thách thức
Thứ 5, 03/11/2022 | 16:38:26 [GMT +7] A A
Thay vì vay mượn kịch bản nước ngoài, gần đây, dòng phim làm lại từ các kịch bản kinh điển của sân khấu thu hút khán giả theo dõi. Việc này mở ra cơ hội nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức cho các nhà làm phim.
Thu hút vì kịch bản hay
Đa phần các kịch bản được chọn từ các vở diễn sân khấu đều có điểm chung là nói về định kiến về người phụ nữ, người nông dân… từ đó, những câu chuyện được đẩy lên tốt và xấu đến cùng cực, làm cho người xem hồi hộp theo dõi từng diễn biến phim và đọng lại nhiều cảm xúc khó quên. Hiện tại, dòng phim này đang phát triển ở khu vực phía Nam nhiều hơn (thậm chí còn cho rằng đây là dòng phim “đặc sản” của phim truyền hình phía Nam) vì có nhiều tư liệu, nhiều ngôi nhà cách đây hơn trăm năm, dễ dàng cho các đạo diễn thực hiện hơn...
Không ít các tác phẩm lấy từ kịch bản sân khấu, như: Tiếng sét trong mưa, Rồi 30 năm sau, Duyên kiếp...
Cụ thể, sau khi Duyên kiếp kết thúc, khán giả được thưởng thức thêm một bộ phim nữa phóng tác từ cải lương là Rồi ba mươi năm sau (35 tập, đang phát sóng ở Đài Truyền hình Vĩnh Long phát lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Bảy). Tuy hiệu ứng khán giả không cao bằng Duyên kiếp nhưng phim cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người xem nhờ cốt truyện gay cấn.
Ngoài ra, phim Nước mắt trong mưa - ngoại truyện của phim Tiếng sét trong mưa (chuyển thể từ vở cải lương cùng tên) - cũng đang được yêu thích. Dòng phim chuyển thể từ kịch bản sân khấu không phải là mới, tuy nhiên, một thời gian nó bị quên lãng bởi sự trội lên của những phim về gia đình, vay mượn kịch bản nước ngoài.
Cách đây gần 10 năm, các nhà làm phim truyền hình làm phim từ kịch bản sân khấu hay để chuyển thể như Sông dài, Tần nương thất, Tấm lòng của biển, Khúc tương tư, Dòng nhớ...
Việc làm phim từ kịch bản sân khấu rõ ràng giúp phim giới thiệu đến khán giả trẻ những điều hay ho về người xưa. Từ đó, không ít phim tạo được hiệu ứng rằng nhiều người trẻ quay lại tìm hiểu những vở diễn mà phim chuyển thể. Điều này cho thấy, kịch bản sân khấu, cải lương vốn dĩ rất hay và có sức sống lâu bền.
Vậy nên, việc tận dụng các bộ phim từ các vở diễn sân khấu đã mang lại những hiệu ứng nhất định. Thậm chí, với những diễn viên đóng dòng phim này đều nổi lên như cồn. Trong đó, Nhật Kim Anh đóng “Tiếng sét trong mưa”, cô được hàng loạt khán giả yêu thích. Sức hút của phim còn được giới trẻ lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Sau đó, đến “Duyên kiếp”, Bạch Công Khanh và Ngô Phương Anh - hai diễn viên trẻ thu nạp lượng fan khủng nhờ sức hút của phim.
Rõ ràng, không có dòng phim cũ kỹ mà chỉ có cách khai thác kịch bản ra sao. Thậm chí, những vở cải lương kinh điển, khi khai thác tốt đã góp phần giúp khán giả trẻ yêu mến hơn những bộ môn, những vở diễn lâu đời.
Đề tài cũ nhưng phải biết cách kể chuyện
Nói đến dòng phim kịch bản sân khấu, có thể nói Tiếng sét trong mưa được xem là “hiện tượng” màn ảnh nhỏ. Lý do bởi phim xây dựng kịch tính và hấp dẫn, qua câu chuyện trọng nam khinh nữ và những bi kịch mà người phụ nữ phải gánh chịu.
Có thể thấy, phim lấy kịch bản sân khấu có bất lợi là đề tài không mới, nhưng cách chọn góc nhìn sáng tạo, cách dẫn dắt câu chuyện logic đã tạo nên sự hấp dẫn các loại hình phim này giữa một “rừng” phim khai thác đề tài hiện đại.
Trong bối cảnh phim truyền hình đang gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư vào các dự án phim lấy kịch bản sân khấu được xem là một bước đi liều lĩnh của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu biết cách khai thác, làm mới nội dung… thì đây sẽ là thế lực mới với các thể loại khác của phim truyền hình.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, dòng phim này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi lẽ, đây là một dòng phim không dễ thưởng thức, nếu không biết cách khai thác sẽ phản tác dụng.
Cụ thể, phải đầu tư bối cảnh, trang phục sao cho đúng chất xưa trong khi việc tìm kiếm phục dựng bối cảnh phim và phục trang của diễn viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí làm phim cao hơn so với các dòng phim khác. Lời thoại cho các dòng phim này cũng phải là điều khiến các nhà sản xuất đau đầu.
“Trước khi tung phim, chúng tôi đều thăm dò thị trường. Khi một bộ phim công chiếu quan trọng nhất là câu chuyện và sự hóa thân của khán giả. Khi Tiếng sét trong mưa phát sóng, không chỉ khán giả miền Tây mê mà khán giả miền Bắc cũng xem. Qua đó, củng cố cho chúng tôi niềm tin rằng dòng phim xưa vẫn được khán giả yêu mến. Ngoài ra còn gặp khó khăn trong việc phục dựng bối cảnh vì hiện tại bối cảnh xưa đã không còn được như trước. Chính vì thế êkíp làm phim phải phục dựng khá tốn kém”, bà Bích Liên - đại diện nhà sản xuất phim Tiếng sét trong mưa, cho biết.
Dẫu phim chuyển thể từ kịch, cải lương phần lớn chỉ giữ lại tứ truyện, còn lại phải sáng tác thêm khá nhiều, nhưng khâu làm kịch bản vẫn khiến nhiều nhà làm phim đau đầu. Hiện nay, hầu hết các nghệ sĩ cả nam lẫn nữ đều “mất chất xưa” khi đều chạy theo xu hướng của vẻ đẹp hiện đại (son phấn, thẩm mỹ) nên rất khó vào vai người ở, nông dân, con nhà nghèo…
Ngoài ra, còn một điểm nữa ở dòng phim này khiến khán giả chưa ưng ý là lực lượng diễn viên quanh đi quẩn lại chỉ chừng đó người. Rõ ràng nguồn cung diễn viên cho dòng phim này chỉ có Cao Minh Đạt, Trương Minh Quốc Thái, Khương Thịnh, Lương Thế Thành, Bạch Công Khanh, Hà Trí Quang. Nữ có Thân Thúy Hà, Nhật Kim Anh, Oanh Kiều, Thanh Trúc, Quỳnh Lam...
Vậy nên, cần phải đào tạo, bồi dưỡng thêm nhiều người trẻ để đáp ứng đủ nhu cầu xem phim của khán giả.
Tuy nhiên, xét cho cùng, đây là tín hiệu vui của ngành làm phim truyền hình Việt. Rõ ràng, chúng ta không thiếu kịch bản hay, chỉ có điều cách khai thác, phát triển ra sao. Và với những bộ phim kể trên, công chúng vẫn yêu mến, không cần thiết phải chạy theo chuyện mua kịch bản nước ngoài.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()