Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:15 (GMT +7)
Tạo chuyển biến tích cực về chuyển đổi số
Thứ 4, 22/06/2022 | 15:30:56 [GMT +7] A A
Việc chuyển đổi số luôn được Quảng Ninh đặc biệt chú trọng, do đó, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong tư duy và hành động, tạo chuyển biến tích cực về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống KT-XH. Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, vừa định hướng, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công việc chuyển đổi số của Quảng Ninh trong thời gian tới.
Tại Quảng Ninh việc chuyển đổi số bước đầu đạt được kết quả tích cực. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số được thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng. Trong tiến trình chuyển đổi số, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng được các địa phương, đơn vị hiện đại hóa, công khai, minh bạch, đã góp phần phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp trực tuyến 100% TTHC, trong đó tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 đạt 70%. Quảng Ninh cũng cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia gần 1.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hơn 1.700 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Là đơn vị đầu mối tiếp nhận, giải quyết tất cả các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long đã chú trọng thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số. Hiện 100% TTHC thực hiện tại trung tâm được thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, bảo đảm việc giải quyết TTHC được thực hiện công khai, minh bạch trên môi trường mạng.
Nhằm chuẩn hóa các quy trình giải quyết TTHC, TP Hạ Long cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai phần mềm ISO điện tử theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước. Thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nghị quyết chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của TP Hạ Long. Nỗ lực hướng đến xây dựng nền hành chính công khai, hiện đại, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Chị Lê Hải Vân (chuyên viên UBND TP Hạ Long) cho biết: Trước đây quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được lưu thành các tập tài liệu, mỗi khi có yêu cầu tra soát hay chỉnh sửa quy trình 1 TTHC thì việc tìm kiếm, ký xác nhận thay đổi mất rất nhiều thời gian. Từ khi thực hiện số hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho CBCC trong thực hiện nhiệm vụ, khắc phục được các nhược điểm của việc quản lý thủ công trước đây.
Quá trình triển khai nghị quyết chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trên hành trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Ngày 25/3/2022 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 97 về triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Trong 28 nhóm chỉ tiêu đặt ra của Kế hoạch số 97, có đến 16 nhóm chỉ tiêu Quảng Ninh hướng tới kết quả cao hơn so với Trung ương, qua đó thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan, triển khai Kế hoạch số 97, tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp mang ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, gắn với chuyển đổi số; đồng thời phân công nhiệm vụ, giao các chỉ tiêu đến từng sở, ngành, địa phương thực hiện và được kiểm đếm hằng quý. Với vai trò là đơn vị tham mưu và chủ trì thực hiện Kế hoạch số 97, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương, giao nhiệm vụ cho từng ngân hàng thương mại, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm đưa những chính sách, dịch vụ an toàn, thuận lợi nhất đến người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù đi sau một số đơn vị trong chuyển đổi số, nhưng thời gian qua ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đẩy mạnh ứng dụng số trong sản xuất, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thuần (nông dân xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho biết: Được vận động, tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể, nhiều hộ trồng na trên địa bàn xã đã chủ động đưa sản phẩm được trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên sàn thương mại điện tử; đồng thời người trồng na còn biết tạo kênh bán hàng riêng cho mình qua facebook cá nhân, qua đó mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất hàng hóa.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã đưa hàng trăm sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn. Đánh dấu bước chuyển căn bản thay đổi phương thức tiêu thụ nông sản của người nông dân trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay.
Chuyển đổi số là giải pháp nền tảng và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đây là một quá trình vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, để thay đổi thói quen từ môi trường truyền thống sang môi trường số, cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Hiện nay, 13 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu các sở, ngành làm trưởng ban. Các địa phương cũng ban hành kế hoạch, thành lập 1.421 tổ công nghệ số cộng đồng bao phủ 173/177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của 10.411 thành viên.
Với lợi thế sẵn có, cùng nền móng được xây dựng vững chắc từ sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Quảng Ninh đang nỗ lực hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp. Phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Thu Uyên
Liên kết website
Ý kiến ()