Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:50 (GMT +7)
Đưa tin tức thế giới đến gần khán, thính giả
Thứ 7, 13/01/2024 | 08:56:28 [GMT +7] A A
Những vấn đề nóng trên thế giới, những vấn đề thời sự quốc tế gắn với Việt Nam và những câu chuyện liên quan luôn là nội dung hấp dẫn nhưng cũng tương đối nhạy cảm, đòi hỏi sự cẩn trọng, chỉn chu trong việc lựa chọn, đưa tin. Với sự nhạy cảm, sắc bén, nhãn quan chính trị vững vàng, các biên tập viên, biên dịch viên Phòng Quốc tế, Đài PT-TH Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh, đã kịp thời đưa tin tức, thông tin quốc tế chính xác, nhận được sự tin cậy của khán, thính giả trong nhiều năm qua.
Không phải đi lại nắng gió, đi hiện trường, nắm bắt sự kiện và phản ánh như phóng viên, nhiều người nghe thường cho rằng công việc biên tập viên, biên dịch viên mảng tin quốc tế “nhàn không tưởng” khi chỉ cần có vốn ngoại ngữ để dịch thông tin quốc tế từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt là xong, có phần “sướng” hơn khối phóng viên “nội địa”. Nhưng tìm hiểu sâu mảng này mới thấy, công việc của họ có khá nhiều đặc thù, đòi hỏi các biên dịch viên, các đồng nghiệp không chỉ thông thạo ngoại ngữ, mà còn cần nhiều kỹ năng khác.
Xuất hiện đầu tiên trong chương trình Thời sự Quảng Ninh ngày 21/6/2005, bản tin Thời sự quốc tế đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả bởi sự mới lạ của thông tin, cách thể hiện hấp dẫn. Không chỉ là những dòng thông tin chính trị chính thống, bản tin Thời sự quốc tế còn đem đến cho khán giả những thông tin, hiểu biết thú vị về những nền văn hóa, thành tựu, cái hay, cái đẹp, kỳ lạ trong đời sống kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư ở những vùng lãnh thổ, quốc gia trên toàn thế giới. Nhà báo Vũ Thị Minh Thảo, Phó trưởng Phòng Quốc tế, Trung tâm Truyền thông tỉnh, chia sẻ: Làm bản tin quốc tế là đưa thông tin về xứ người để phục vụ dân mình. Công việc mặc dù thiên về khai thác nhưng không đơn giản chỉ là lấy ở đâu đó ra và sử dụng. Giữa vô vàn thông tin quốc tế, “ào” ra từng giờ, từng phút, thông tin càng phong phú thì việc lựa chọn để đưa càng phải cẩn trọng, đúng định hướng, trọng tâm, có sự liên quan, kết nối với tình hình trong nước, trong tỉnh, cũng như khu vực, toàn thế giới.
Với thời lượng phát sóng ngắn (từ 5-10 phút), các biên tập viên phải lựa chọn tin kỹ càng, tỉ mỉ, chỉn chu trong từng khâu. Phải cập nhật thông tin chính thống, “chủ lưu” trên thế giới; lựa chọn đưa các thông tin có tác động lớn, quan trọng, điển hình. Ngoài việc đưa tin chung về tình hình thế giới, lựa chọn tin có lợi ích của quốc gia, dân tộc, hướng tới thông tin có thể tác động, ảnh hưởng đến đất nước, trong khu vực; các tin nổi bật về thành tựu, thông tin kinh tế, văn hóa, xã hội, giải trí, khoa học... Hạn chế đưa tin tiêu cực, chỉ đưa những sự kiện điển hình, có sức ảnh hưởng lớn; đồng thời tránh các thông tin kiểu “vô thưởng vô phạt”.
Với các sự kiện nóng hổi, biên tập viên, biên dịch viên phải theo dõi liên tục để đưa vào bản tin những thông tin nhanh nhất, sát nhất như tin bầu cử nguyên thủ quốc gia của các cường quốc, các tin thiên tai địch họa có thương vong lớn...
Việc chọn tin đã khó, việc “dịch” cũng không hẳn dễ dàng. Theo biên dịch viên Phượng Linh, không chỉ đòi hỏi thông thạo ngoại ngữ, hay dịch “1-1” kiểu phần mềm tự động mà cần phải khéo léo sử dụng ngôn từ phù hợp. Việc “chuyển dịch” thông tin trong báo chí phải vừa đảm bảo khách quan, đúng sự thật, trên tinh thần, quan điểm chung, đôi khi cần bổ sung thêm những thông tin nền cần thiết để khán, thính giả hiểu và không thấy quá lạ lẫm trước khái niệm mới. Muốn vậy, bản thân biên dịch viên cũng phải thường xuyên trau dồi kỹ năng dịch, vốn ngoại ngữ, từ vựng, từ địa phương, cập nhật từ ngữ mới, cách diễn đạt mới, khái niệm mới so với người bản ngữ để đảm bảo dịch các bản tin hiệu quả nhất.
Áp lực về thời gian cũng là một vấn đề mà người làm bản tin quốc tế phải vượt qua. Thông tin phải được khai thác “nhanh, chuẩn, mới, nóng”. Do vậy, nhiều khi chị em làm mảng này phải “chạy đua với thời gian”. Theo nhà báo Minh Thảo, vì tin quốc tế cần phải đưa trong ngày nên buộc các biên dịch viên phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cùng một thông tin, để cạnh tranh với các đơn vị khác cần phải khai thác nhanh, chuẩn, đưa kịp thời. Không ít lần mặc dù đã sản xuất xong bản tin nhưng trên hệ thống thông tin thế giới cập nhật số liệu mới, phải cập nhật ngay. Ví như đưa tin sự kiện bầu cử nguyên thủ quốc gia các cường quốc, đơn cử như tin bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến phát vào khung giờ 11 giờ đã được ekip sản xuất từ 8h sáng cùng ngày, nhưng trước khi lên sóng chỉ vài phút mà có số liệu mới, ngay lập tức ekip phải “gỡ” tin ra để cập nhật thông tin, số liệu mới vào ngay. “Với cường độ làm việc liên tục như vậy nên hầu như các biên tập viên trong phòng ai cũng bị bệnh chung là… đau dạ dày” - Phó trưởng Phòng Quốc tế Vũ Thị Minh Thảo cười bảo.
Ngoài việc thông thạo, giỏi ngoại ngữ, người làm bản tin quốc tế cần có nhãn quan chính trị vững vàng để khi đưa vấn đề ra không xung đột với lợi ích quốc gia. Bởi, khi trực tiếp khai thác tin từ các kênh thông tin nước ngoài, các bài viết, các thông tin mà tác giả, phóng viên nước ngoài đưa lên dưới góc nhìn, lập trường chính trị của “họ”, khi tiếp cận đưa tin đòi hỏi các biên tập viên, biên dịch viên phải khách quan, đa chiều, khéo léo, đưa thông tin phù hợp với lập trường chính trị của “ta” nhưng vẫn đảm bảo tính chân thực của thông tin.
Bằng sự năng động sáng tạo, không ngừng học hỏi, tìm tòi, các biên tập viên, biên dịch viên vượt khó, miệt mài với công việc, xây dựng bản tin thời sự ngày càng hấp dẫn, mang phong cách, sắc thái riêng đã thật sự thu hút, chinh phục người nghe, người xem, những khán giả yêu quý làn sóng QTV trong nhiều năm qua.
Hiện nay, sau khi hợp nhất các cơ quan báo chí của tỉnh thành Trung tâm Truyền thông tỉnh, cơ quan đã có sự thay đổi phương thức khai thác thông tin (không khai thác trực tiếp từ hãng tin nước ngoài mà thông qua Thông tấn quốc gia - Thông tấn xã Việt Nam), với “cửa lọc” này giúp cho công việc của các biên tập viên phòng Quốc tế đỡ áp lực hơn rất nhiều. Song không vì thế mà chủ quan, mọi người luôn động viên, nhắc nhở nhau trên tinh thần vận hành 100% “công lực” để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như trước kia, 1 kíp làm bản tin quốc tế cần ít nhất từ 4 đến 5 người thì nay rút xuống còn 2 người nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả thông tin truyền tải.
Biên dịch viên Thu Giang chia sẻ: Ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp của mình, tôi và các đồng nghiệp luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, ngôn ngữ, vượt qua khó khăn với mong muốn chuyển tải một cách khéo léo, chính xác thông tin quốc tế đến với khán, thính giả.
Vượt qua những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, tận dụng tối đa những lợi thế vốn có, không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng, ngoại ngữ, các nhà báo, biên dịch viên, biên tập viên Phòng Quốc tế đã đem đến những bản tin thời sự quốc tế chất lượng, chính xác về tình hình thế giới, đưa thế giới đến gần hơn với người dân; được khán, thính giả ghi nhận, tin yêu.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()