Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:54 (GMT +7)
Đưa trò chơi dân gian vào trường học
Chủ nhật, 15/09/2024 | 13:19:01 [GMT +7] A A
Trò chơi dân gian vốn được xem là một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đưa trò chơi dân gian vào trường học, tổ chức những sân chơi văn hóa dân gian là cách làm hay của Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long), để giới trẻ tìm về với những trò chơi dân gian truyền thống vốn đã trở thành miền ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.
Tại Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trong những tiết học giáo dục thể chất, những giờ ra chơi hay những buổi học ngoại khóa, các trò chơi dân gian tập thể như: Mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba… được thầy cô và các bạn học sinh thường xuyên chơi để tạo không khí sôi nổi, hào hứng "học mà chơi, chơi mà học".
Các trò chơi được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giúp các em vừa rèn luyện sức khỏe, sự nhanh tay, nhanh mắt, vừa là cách để các em có tinh thần thoải mái nhất trước khi bước vào giờ học, bồi đắp tình yêu với giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua các trò chơi dân gian lành mạnh, bổ ích của Việt Nam, các em thiếu nhi vừa được ca hát, nhảy múa, đối đáp… làm phong phú thêm vốn từ, phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng…
Ngay cả trong khoảng thời gian giải lao ngắn giữa các tiết học hay phần khởi động trước khi vào tiết học mới, thầy cô cũng cho các bạn chơi tại chỗ các trò chơi dân gian đơn giản như oẳn tù tì, chi chi chành chành. Và thật ngạc nhiên là các bạn không chỉ biết chơi thành thạo mà còn đọc thuộc các bài đồng dao gắn với mỗi trò chơi.
Em Nguyễn Thành Nam, học sinh nhà trường, hào hứng chia sẻ: Dù bây giờ có rất nhiều trò chơi hiện đại nhưng những trò chơi dân gian vẫn có sức hấp dẫn riêng. Khi chơi em thấy rất là vui và nó giúp kết nối các bạn trong lớp lại với nhau. Nói về những trò chơi dân gian yêu thích, em Nguyễn Hiền Nhi bày tỏ: Em rất thích chơi các trò chơi như trốn tìm, ô ăn quan, chơi chuyền, rồng rắn lên mây, trồng nụ trồng hoa... Chúng em thường chơi với nhau trong những giờ ra chơi. Những trò chơi này giúp chúng em vận động để trở nên khỏe khoắn hơn, rèn luyện cho chúng em khả năng phối hợp, sự khéo léo, bền sức.
Để giúp học sinh hiểu hơn về các trò chơi dân gian, thầy cô giáo không chỉ phổ biến luật chơi mà còn giải thích về nguồn gốc, sự ra đời và phát triển của các trò chơi dân gian gắn với phản ánh nét sinh hoạt và đời sống tinh thần của người Việt.
Đa số những trò chơi dân gian thường sẽ gắn liền với những bài ca dao, đồng dao... nhằm tăng thêm sự thú vị cho mỗi trò chơi. Chính điều này đã tạo ra tính nhịp điệu để giúp các bạn nhỏ có thể nhớ kỹ và dễ dàng học thuộc lòng những câu thơ dân gian. Bên cạnh đó, các trò chơi còn giúp các bạn nhỏ phát huy sự linh hoạt, nhanh nhạy và cách xử lý vấn đề thông minh hơn. Thầy cô cũng có thể chơi cùng các con, qua đó tăng cường sự gắn kết giữa học sinh và giáo viên.
Cô giáo Hoàng Thị Công, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: Trò chơi dân gian là một mô hình giáo dục trẻ nhỏ rất được nhà trường chú trọng và thường có những buổi chuyên đề ngoại khóa hướng dẫn cho học sinh tham gia chơi và trải nghiệm. Các em rất hứng thú với các trò chơi này. Tôi nghĩ rằng, trò chơi dân gian không chỉ để giải trí mà còn mang tới một tuổi thơ đẹp và nhiều kỷ niệm với các bạn học sinh, giúp các em hiểu thêm về tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.
Với chương trình giáo dục hiện nay, các trường học rất chú trọng giáo dục học sinh hiểu biết những giá trị truyền thống. Lồng ghép trò chơi dân gian vào các hoạt động của nhà trường cũng như hướng tới mục đích đó. Những hoạt động này đang kết nối thế hệ thông qua chính những trò chơi mà thế hệ trước bố mẹ các em từng chơi, bây giờ các em tiếp nối, qua đó bảo tồn trò chơi dân gian cho nhiều thế hệ.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()