Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:27 (GMT +7)
Đưa vấn đề của tỉnh đến nghị trường Quốc hội
Thứ 5, 30/11/2023 | 15:29:53 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh luôn có những đóng góp tích cực trong các kỳ họp, được Quốc hội đánh giá là một trong những đoàn có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tham gia xây dựng các dự án luật và nghị quyết sát với cuộc sống nhân dân, xuất phát từ thực tiễn ở địa phương.
Bám sát thực tiễn Quảng Ninh
Những kết quả về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, an sinh xã hội trên địa bàn Quảng Ninh trong nhiều năm qua là điển hình cụ thể, làm rõ hơn những vấn đề lý luận từ nghị quyết của Đảng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy KT-XH phát triển. Từ thực tiễn sinh động ấy, với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều ý kiến tham góp kịp thời gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương về xây dựng luật pháp, phát triển KT-XH, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Từ thực tiễn phát triển của Quảng Ninh, hằng năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đều thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức và nghiên cứu các báo cáo giám sát. Riêng năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát, làm việc trực tiếp với 39 cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đối với 4 chuyên đề: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021.
Trong quá trình giám sát, nhiều điểm mới, sáng tạo, mô hình hay, cách làm hiệu quả của Quảng Ninh trong thực hiện chính sách pháp luật có liên quan, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được đoàn giám sát tổng hợp, ghi nhận báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời qua đó cũng phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật từ thực tiễn trên địa bàn Quảng Ninh, từ đó kiến nghị, đề nghị với UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc khắc phục tồn tại, hạn chế; kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi những quy định liên quan đến chính sách pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai.
Đặc biệt trong thời gian ngắn, theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao về cách làm, cách triển khai của Quảng Ninh. Những kiến nghị sau giám sát được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp thu đưa vào báo cáo giám sát, làm cơ sở, nền tảng để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu xem xét ban hành nghị quyết thực hiện đối với các tỉnh, thành khác trong thời gian tới.
Hiến kế cho Quốc hội
Trong quá trình hoạt động của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thường xuyên sâu sát cơ sở, luôn tư duy tìm tòi những vấn đề hay, mới từ thực tiễn của Quảng Ninh để tham góp ý kiến với Quốc hội. Đơn cử như tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4, ĐBQH tỉnh đã tham gia chất vấn bằng văn bản gửi đến các thành viên Chính phủ; tham gia chất vấn trực tiếp tại hội trường về những vấn đề được cử tri, nhân dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó có nội dung chất vấn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan làm rõ tiến độ, kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ, kế hoạch triển khai đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; cam kết của Bộ GT-VT đối với dự án này.
Thực tế cho thấy, dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đầu tư dở dang suốt 18 năm qua và rơi vào cảnh “cầu chờ đường, đường lại chờ ray”. Dự án đường sắt này đã được Bộ trưởng Bộ GT-VT thừa nhận "là sự nhức nhối của cử tri, nhân dân tỉnh Quảng Ninh". Từ ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh, Bộ GT-VT đã tiếp thu, nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Hiện Bộ GT-VT đã giao BQL Dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.
Xuất phát từ thực tế Quảng Ninh có hoạt động khai thác than, sản xuất điện, đóng góp lớn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong đó có một số kiến nghị về: Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Khoáng sản; ban hành quyết định phê duyệt các quy hoạch (Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045) theo Luật Quy hoạch làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về phát triển năng lượng; tháo gỡ các khó khăn liên quan đến việc chồng lấn quy hoạch của ngành than với quy hoạch 3 loại rừng trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất than trong việc giải quyết đền bù, hỗ trợ GPMB, thuê đất làm đường khi triển khai thăm dò; quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh thực hiện có kết quả chủ trương xây nhà ở hộ gia đình công nhân, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ chân thợ lò gắn bó với ngành.
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh) cho biết: Từ vấn đề ở Quảng Ninh, nếu Quốc hội, Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho ngành than, điện phát triển, không chỉ giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bền vững, mà còn góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho khoảng 110.000 công nhân ngành than và 3.264 công nhân ngành điện hiện có trên địa bàn Quảng Ninh.
Ở một số nội dung khác, từ thực tiễn về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Quảng Ninh, Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất 19 nội dung kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong các kỳ họp. Trong đó có một số nội dung như: Xem xét việc xây dựng và ban hành Luật Y tế dự phòng; hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm, nhất là về đấu thầu, mua sắm tập trung; rà soát đội ngũ nguồn nhân lực y tế hiện có để đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo đáp ứng yêu cầu, trình độ theo quy định của Bộ Y tế; ưu tiên đầu tư nâng cấp các trạm y tế đã xuống cấp, cơ sở vật chất chưa bảo đảm; chế độ chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
Mạnh Trường
- Bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội khóa XV đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn
- Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội nhất trí kéo dài thực hiện giải ngân vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình mục tiêu quốc gia
- Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
- Quốc hội biểu quyết thông qua một số dự án luật
Liên kết website
Ý kiến ()