Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 08:17 (GMT +7)
Đừng bỏ qua bước đi bất thường của trẻ
Thứ 3, 06/07/2021 | 10:46:58 [GMT +7] A A
Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (Bệnh viện 1A) vừa tiếp nhận bệnh nhi 23 tháng tuổi vì bước đi của bé không vững, có vẻ khập khiễng.
ThS-BS Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM (Bệnh viện 1A), cho biết cháu bé đi không vững là do trật khớp háng bẩm sinh, nếu không phát hiện sớm sẽ có nguy cơ thoái hóa khớp háng.
Quan sát dáng đứng
Theo ThS-BS Nguyễn Văn Thanh, trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng loạn sản khớp háng tiến triển, vòm ổ cối không đủ vững chắc để kìm giữ chỏm xương đùi khiến nó bị trật. Cháu bé đã được phẫu thuật để chỉnh lại chỏm xương đùi về đúng vị trí, tạo vòm ổ cối, sau đó bó bột một thời gian và tập phục hồi chức năng.
Với dị tật trật khớp háng bẩm sinh, ngoài dấu hiệu đi khập khiễng, có thể so sánh nếp gấp bẹn - mông của trẻ. Nếu thấy 2 bên không đều nhau, rất có thể trẻ đã có vấn đề ở khớp háng. Trật khớp háng bẩm sinh nếu được điều trị dưới 2 tuổi, khả năng hồi phục hoàn hảo nhất; từ 2 đến 5 tuổi, khó hơn một chút nhưng vẫn có cơ hội hồi phục hoàn toàn; từ 5 đến 8 tuổi, khả năng hồi phục giảm nhiều; trên 8 tuổi, khả năng hồi phục hoàn toàn rất thấp.
Một dị tật khác khiến bước đi của trẻ nhỏ nhìn khác thường là tật bàn chân bẹt, tức là vùng lõm vào bên dưới bàn chân rất mờ nhạt, thậm chí mất hẳn, bàn chân không tạo thành hình vòm rõ ràng như người bình thường. Dị tật này nếu phát hiện khi còn nhỏ có thể điều trị bảo tồn bằng nẹp chỉnh hình, giúp chân phát triển bình thường trở lại. Nếu phát hiện trễ hơn thì phải phẫu thuật. Bàn chân bẹt dễ khiến dáng đứng, đi của trẻ bất thường, do trục chân không vuông góc với mặt đất. Điều này dần dà sẽ ảnh hưởng đến khung xương bên trên.
BS Nguyễn Văn Thanh cho biết để nhận biết dị tật này, các bậc phụ huynh cần lưu ý quan sát dáng đứng của trẻ, nếu chân trẻ bình thường thì sẽ đứng thẳng, vững vàng, ngược lại nếu trẻ bị bàn chân bẹt thì sẽ không thể đứng thẳng.
"Bị dị tật này, trẻ vẫn có thể đi được nhưng nếu không phát hiện sớm, không điều trị thì trẻ sẽ đi khập khiễng, chân cao, chân thấp. Điều này ảnh hưởng tổng thể lên sự phát triển của hệ xương, khung chậu bị lệch, không cân đối dẫn đến nguy cơ bị hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng..." - BS Nguyễn Văn Thanh thông tin.
Nhóm bệnh thần kinh
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng việc đi đứng của trẻ nhỏ, có các nguyên nhân không thuộc về cơ - xương - khớp nhưng khiến trẻ đến tuổi mà không chịu đi hoặc chậm đi, hay đi kém vững so với bạn cùng tuổi.
Đầu tiên là nhóm bệnh lý thần kinh. Mọi hoạt động của cơ thể đều được điều khiển bởi hệ thần kinh, vì vậy dù cơ - xương - khớp vững chắc nhưng tín hiệu thần kinh không ổn định thì trẻ cũng không thể đi đứng như bình thường.
Ngoài ra, trẻ có các bệnh lý như tim bẩm sinh, bệnh lý nội tiết... cũng có thể gặp khó khăn trong tuổi tập đi. Còi xương cũng gây ra chậm đi, đi không vững, có thể do thiếu canxi, vitamin D nhưng có khi không phải do ăn uống, mà do bệnh lý nào đó khiến trẻ không hấp thu được đầy đủ vitamin và khoáng chất trong thực phẩm.
"Tuổi bắt đầu tập đi của trẻ thường xoay quanh mốc 1 tuổi nhưng có thể dao động từ 9 đến 18 tháng và thường có tính di truyền, nếu có anh chị chậm đi thì thường trẻ cũng biết đi chậm nhưng đó là bình thường. Cần lưu ý khi 2 tuổi mà trẻ vẫn chưa biết đi hoặc 3 tuổi mà đi chưa vững hay trẻ biết đi quá chậm so với anh, chị mình thì các bậc phụ huynh nên đưa đi khám bệnh ngay" - BS Nguyễn Minh Tiến khuyên.
Theo nld.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()