Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:08 (GMT +7)
Dùng insulin an toàn cho người bệnh đái tháo đường
Thứ 7, 16/10/2021 | 15:15:51 [GMT +7] A A
Thuốc tiêm insulin là một trong những loại thuốc cần thiết cho người bệnh đái tháo đường nhằm kiểm soát tốt đường huyết và phòng ngừa biến chứng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ không đạt hiệu quả điều trị và có thể gây một số biến chứng cho người bệnh.
Khoa Nội tiết Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận điều trị cho bà N.T.L. (62 tuổi, ngụ TPHCM), tiền căn chẩn đoán đái tháo đường 10 năm. Bà L. cho biết gần đây thường mệt mỏi, tiểu nhiều, sụt cân và đường huyết cao dù vẫn tự mua uống thuốc viên hạ đường huyết theo toa cũ vì ngại đi tái khám.
Sau khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân đường huyết khá cao và đã có biến chứng thận, biến chứng mắt do đái tháo đường. Bác sĩ đã tư vấn người bệnh cần tiêm insulin để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Ban đầu, người bệnh từ chối tiêm insulin vì tâm lý sợ đau, sợ kim tiêm.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích và hướng dẫn sử dụng bút tiêm insulin cặn kẽ, người bệnh đã tự thực hiện kỹ thuật tiêm insulin lần đầu tiên tại BV và vượt qua được rào cản tâm lý. Sau đó, Bà L. tự tin thực hiện tiêm bút insulin tại nhà theo toa của bác sĩ, ăn uống đúng giờ, tập thể dục theo hướng dẫn và tự theo dõi tại nhà và thấy đường huyết đã ổn định hơn. Sau 1 tháng, tái khám bà L. đã có tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo BS CKII Trần Thị Thùy Dung, Khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược TPHCM, trong điều trị cho người bệnh đái tháo đường, insulin giúp kiểm soát đường huyết và được tiêm vào mô dưới da. Hiện nay, nhờ sự tiến bộ trong sản xuất insulin, người bệnh đái tháo đường cần tiêm insulin thường được bác sĩ hướng dẫn tự tiêm với bút tiêm insulin có nhiều ưu điểm như: dễ dàng sử dụng, liều lượng chính xác, ít đau và dễ mang theo. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin không đúng kỹ thuật sẽ không đạt được hiệu quả điều trị và có thể gây một số biến chứng cho người bệnh.
Thực tế, nhiều người bệnh sử dụng bút tiêm insulin không đúng gây nhiều hậu quả. Người bệnh cần biết cách bảo quản insulin, nếu bảo quản sai sẽ khiến insulin mất tác dụng. Người bệnh cũng cần chú ý luân chuyển vị trí tiêm, tránh
trường hợp loạn dưỡng mô mỡ ở vị trí tiêm, insulin sẽ không hấp thụ được vào máu. “Tùy vào đặc điểm người bệnh, bác sĩ sẽ kê toa loại insulin và liều tiêm phù hợp. Người bệnh cần kiểm tra tên trên thân bút và toa thuốc để xác định đúng loại insulin, liều tiêm, thời điểm tiêm và chú ý hạn sử dụng của bút để đạt hiệu quả điều trị. Để giảm đau khi tiêm và hạn chế nguy cơ hình thành loạn dưỡng mô mỡ nơi tiêm, người bệnh chỉ nên sử dụng kim tiêm 1 lần, tránh tái sử dụng nhiều lần”, bác sĩ Thùy Dung cho hay.
Bên cạnh đó, người bệnh nên chọn lọc tìm hiểu những thông tin đúng, tránh làm theo những thông tin sai lệch về điều trị đái tháo đường như sử dụng phương thuốc dân gian, tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng khiến đường huyết không ổn định. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh cần duy trì ổn định chế độ điều trị, chế độ dinh dưỡng và thể thao lành mạnh, không tự ý ngừng và thay đổi thuốc điều trị. Khuyến khích người bệnh sử dụng máy đo đường huyết mao mạch thường xuyên để tự theo dõi sức khỏe tại nhà, chú ý đến các dấu hiệu bất thường của cơ thể để có biện pháp xử trí kịp thời.
Trong trường hợp người bệnh xuất hiện những triệu chứng bất thường, gia đình cần cung cấp đầy đủ thông tin về diễn biến bệnh, chế độ điều trị và sớm tư vấn từ xa với nhân viên y tế để có phương án xử trí kịp thời hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để tránh biến chứng nặng.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()