Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 03:55 (GMT +7)
Đường phố sẽ hết "mạng nhện"
Thứ 3, 12/05/2015 | 05:44:15 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển đô thị nhanh. Tỉnh hiện có 4 thành phố, 2 thị xã và trong 8 huyện, có Vân Đồn đang xúc tiến xây dựng thành Đặc khu kinh tế. Một khu phức hợp công nghiệp như một thành phố đang hình thành từ Dự án khu Amata City Hạ Long, do Amata Việt Nam hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu nghiên cứu, đề xuất tại tỉnh Quảng Ninh.
Đô thị phát triển cùng với các công trình hiện đại, đòi hỏi công tác quản lý xây dựng cũng phải được nâng cao.
Mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quy định về quản lý, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để tiến hành ngầm hoá các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đang đi nổi trên đường phố của các đô thị.
Kỹ sư Vũ Quang Cự, nguyên Trưởng phòng Quy hoạch - Sở Xây dựng cho biết, với đô thị hiện đại “đầu tư trên mặt đất một đồng thì đầu tư dưới mặt đất cũng phải một đồng”. Ông giải thích thêm, nói thế là để khẳng định phải chú trọng đến các công trình ngầm. Cựu Nghị sĩ Chan Soo Sen, nguyên Thứ trưởng Phụ trách Văn phòng Chính phủ Singapore, nguyên Giám đốc Khu công nghiệp Tô Châu (Trung Quốc) - Khu công nghiệp hợp tác đầu tiên của Chính phủ Singapore với Chính phủ Trung Quốc, khi giảng bài cho đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ninh cho biết: Khó khăn lớn nhất khi xây dựng Khu công nghiệp Tô Châu là thuyết phục phía Trung Quốc ngầm hoá hệ thống cấp điện, vì đầu tư sẽ lớn hơn. Nhưng không lâu sau đó, phía Trung Quốc đã nhận ra tính hiệu quả của việc ngầm hoá hệ thống cấp điện này.
Theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh được thực hiện thoả thuận, cấp phép, gia hạn và thu hồi giấy phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất do mình quản lý theo quy định.
UBND tỉnh đã có quyết định (số 1085/QĐ-UBND ngày 21-4-2015) công bố danh mục và lộ trình các tuyến đường phải ngầm hoá công trình hạ tầng kỹ thuật đi nổi trên địa bàn tỉnh. Tại quyết định này, UBND tỉnh đã công bố danh mục và lộ trình các tuyến đường đô thị phải ngầm hoá công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương: Hạ Long (8 tuyến đường); Móng Cái (8 tuyến đường); Cẩm Phả (2 tuyến đường); Uông Bí (2 tuyến đường); Quảng Yên (27 tuyến đường); Vân Đồn (5 tuyến đường); Hoành Bồ (5 tuyến đường); Hải Hà (6 tuyến đường); Ba Chẽ (2 tuyến đường).
Với sự ngầm hoá này, sẽ chấm dứt tình trạng không ít nơi dây điện chăng “mạng nhện”. Vấn đề không chỉ là mỹ quan đô thị, việc ngầm hoá công trình hạ tầng kỹ thuật là bước tiến trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc ngầm hoá đường ống, đường dây, đường cáp đi nổi tại các đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị. Ngược lại, chính việc ngầm hoá này đòi hỏi chất lượng quy hoạch đô thị, năng lực quản lý xây dựng phải được nâng cao.
Nguyên Đan[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()