Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:24 (GMT +7)
Quy hoạch tổng thể khu di sản nhà Trần tại Đông Triều: “Cần gỡ sớm những vướng mắc để không vuột mất cơ hội vàng trong việc kêu gọi đầu tư…”
Chủ nhật, 26/09/2021 | 09:35:18 [GMT +7] A A
Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 307/2013/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 (gọi tắt là Quy hoạch 307), là cơ sở pháp lý để Đông Triều phối hợp với các ngành, đơn vị tiến hành tôn tạo, phục hồi một quần thể di sản nhà Trần có giá trị lớn nhưng hầu như đã trở thành phế tích và lãng quên theo thời gian.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế cho thấy, Quy hoạch bộc lộ nhiều bất cập, cản trở việc tiếp tục hiện thực hóa các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích theo quy hoạch. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, là người có nhiều gắn bó với các di tích Nhà Trần tại Đông Triều trong những năm qua. |
- Sau gần chục năm hiện thực hóa Quy hoạch 307, nhiều di tích Nhà Trần đã được tu bổ, tôn tạo lại, không còn tình trạng hoang phế như trước nữa. Tuy nhiên, một số dự án tu bổ di tích gần đây gặp khó khi xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VH,TT&DL, như Đá Chồng, Ba Bậc, tam bảo chùa Hồ Thiên…, là vì sao?
+ Nguyên nhân việc một số dự án tu bổ di tích trong Khu di tích (KDT) Nhà Trần tại Đông Triều chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ VH,TT&DL, tôi cho rằng vấn đề nằm ở sự bất cập của Quy hoạch 307.
Tôi hiểu rằng, về nguyên tắc, Bộ sẽ thỏa thuận khi dự án được xây dựng trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, địa phương và những người dành tâm huyết với di tích đều nhận thấy rằng, nếu trình dự án xây dựng theo đúng như Quy hoạch 307 thì sẽ không phù hợp với di tích, thậm chí làm sai lệch giá trị di tích, lãng phí nguồn lực đầu tư do không đáp ứng được các yêu cầu của việc đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Trong một số trường hợp, nếu xây dựng dự án đúng như quy hoạch được duyệt thì dự án sẽ không khả thi.
Các trường hợp Hồ Thiên, Ba Bậc, Đá Chồng mà bạn vừa nêu đều nằm trong nhóm nguyên nhân này.
- Ông có thể nói rõ hơn những bất cập của Quy hoạch 307?
+ Xem xét cụ thể và kỹ lưỡng Quy hoạch 307, theo tôi Quy hoạch này có một số hạn chế căn bản sau. Thứ nhất, khoanh vùng bảo vệ di tích không phù hợp, phần lớn di tích có diện tích khoanh vùng bảo vệ không bao phủ được vùng lõi của di tích, thậm chí còn lệch khỏi vùng lõi di tích. Diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích không phản ánh được tư duy và tầm nhìn của quy hoạch bảo tồn.
Thứ hai, nhiều công trình, hạng mục công trình; giải pháp trùng tu, tôn tạo được đề xuất trong Quy hoạch không phù hợp, thiếu cơ sở khoa học và xa rời thực tiễn; một số di tích thiếu vắng các công trình quan trọng mang tính hồn cốt của di tích. Thứ ba, các đề xuất bảo tồn không được xây dựng trên cơ sở khoa học bảo tồn, thiếu tính khả thi.
Về việc khoanh vùng di tích, ngoại trừ di tích Thái Lăng hiện là đảo giữa hồ Trại Lốc, có phạm vi khá rõ ràng, số còn lại, hầu hết phạm vi vùng lõi tương đương với thửa đất hiện trạng khi quy hoạch. Trước đó, do hầu hết các di tích là phế tích nên có những thửa đất chỉ vài chục mét vuông, trong khi quy mô thực tế của vùng lõi di tích tối thiểu cũng phải hàng trăm mét vuông…
Khá nhiều điểm di tích, việc đề xuất hạng mục công trình dự kiến đầu tư, tôn tạo theo tôi là thiếu cơ sở khoa học và xa rời thực tế như: Chùa Hồ Thiên không có Tam Bảo; các lăng tẩm Tư Phúc, Phụ Sơn, Hy lăng không có nơi thờ tự trang nghiêm…
Đá Chồng, Ba Bậc là những cụm di tích lớn của quần thể di tích Ngọa Vân nhưng Quy hoạch không đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo công trình mà đề xuất lựa chọn một số điểm có di tích để làm bảo tàng di tích khảo cổ học tại chỗ.
Không chỉ có vậy, hầu hết các điểm di tích, Quy hoạch đều đề xuất một hoặc vài điểm trưng bày các dấu vết khảo cổ theo kiểu “bảo tàng tại chỗ”. Có thể nói, đó thực sự là những đề xuất “trên mây”. Bảo tồn và trưng bày di tích khảo cổ học là một việc rất khó, đòi hỏi phải có nguồn lực con người và vật chất rất lớn. Đó là chưa kể, không phải di tích nào cũng có đủ điều kiện để mở ra ngoài môi trường, bởi các di tích khảo cổ rất dễ bị tổn thương.
Các dấu vết khảo cổ của hệ thống di tích Nhà Trần đều có kết cấu không bền vững lại nằm trên điều kiện địa hình đồi, độ dốc cao, không có nước ngầm để duy trì độ liên kết các thành tố của di tích, do vậy, nếu mở di tích ra một thời gian sẽ phải đối mặt với hiện tượng sa mạc hóa và nhanh chóng bị phá hủy.
Nếu làm nhà bao che thì phải tạo ra điều kiện tiểu khí hậu phù hợp, để duy trì môi trường không bị sa mạc hóa. Điều đó là bất khả thi, bởi lấy nguồn lực ở đâu mà làm, bao gồm cả tài chính, KHKT và con người có chuyên môn về bảo tồn?
Ngoài ra, vấn đề quan trọng khác đó là sự phù hợp của các đề xuất bảo tồn. Như đã biết, KDT Nhà Trần ở Đông Triều là di tích lịch sử văn hóa tâm linh, đến một di tích tâm linh mà không có nơi để thực hiện các hoạt động văn hóa tâm linh thì liệu có phát huy được giá trị của di tích hay không? Rõ ràng đây cũng là bài toán mà Quy hoạch phải tìm lời giải thỏa đáng.
Một hạn chế lớn khác của Quy hoạch 307 cũng cần phải nhắc đến, đó là không đề xuất kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, những hạn chế này đã được khắc phục trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Đông Triều, do vậy, hiện nay, cơ bản các di tích đã được bổ sung hệ thống giao thông kết nối, tạo thành tua tuyến liên hoàn và kết nối với các trục giao thông chính của địa phương.
- Nguyên nhân nào khiến Quy hoạch 307 lại có nhiều vấn đề bất cập như vậy?
+ Sự bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đó là Quy hoạch 307 được thực hiện trong bối cảnh nguồn tư liệu về di tích hết sức hạn chế, nhiều điểm di tích chưa có kết quả nghiên cứu, nhất là các nghiên cứu khảo cổ, do vậy việc xác định phạm vi phân bố, từ đó xác định phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích gặp khó khăn.
Thống kê hiện tại cho thấy, ranh giới khoanh khu vực bảo vệ vùng I, vùng II trong đồ án Quy hoạch 307 không bao phủ hết phạm vi quan trọng nhất của nhiều di tích, tiêu biểu như: Lăng Tư Phúc, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, di tích Đá Chồng, Ba Bậc, Hồ Thiên...
Những hạn chế trong việc đề xuất công trình, phương án trùng tu tôn tạo không phù hợp một phần do sự thiếu hụt các nguồn tư liệu, nhưng cơ bản là do đơn vị tư vấn chưa thực sự đầu tư cho việc khảo sát nghiên cứu các nguồn tư liệu đã có; hạn chế trong khâu khảo sát đánh giá hiện trạng và không tham vấn cơ quan có chuyên môn và chuyên gia liên quan đến di tích.
Các vấn đề liên quan đến bảo tồn di tích phần lớn nguyên nhân nằm ở sự thiếu năng lực về bảo tồn của đơn vị tư vấn.
- Đến nay, Quy hoạch 307 đã được phê duyệt chục năm, phải chăng những bất cập này nay mới xuất hiện?
+ Trên thực tế, ngay sau khi bắt tay triển khai các dự án theo Quy hoạch được duyệt thì những bất cập đã bộc lộ, tuy nhiên, việc triển khai các dự án mới ở giai đoạn đầu nên các tác động chưa thật mạnh mẽ, địa phương đã nỗ lực để khắc phục những hạn chế này. Mặc dù vậy, theo tôi được biết, ngay từ các công trình khởi đầu như Thái Lăng, Thái miếu… địa phương cũng đã phải cố gắng rất nhiều.
Những năm gần đây, khi việc đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích được mở rộng với sự tham gia góp sức của các nhà hảo tâm thì những bất cập ngày càng hiện rõ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, việc tiếp tục triển khai Quy hoạch với những dự án tu bổ, tôn tạo các di tích cụ thể còn lại trong quần thể KDT Nhà Trần tại Đông Triều.
Theo dõi các dự án trùng tu, tôn tạo di tích sử dụng nguồn vốn xã hội hóa tại đây, tôi nhận thấy thời gian trung bình để thỏa thuận dự án mất khoảng 2-3 năm, cá biệt có những dự án mất đến 4, 5 năm. Đó là lý do tại sao việc triển khai các dự án trùng tu không đạt được tiến độ như kỳ vọng. Nếu những khó khăn này không sớm được tháo gỡ, tôi e rằng, KDT Nhà Trần tại Đông Triều sẽ mất cơ hội vàng trong việc kêu gọi đầu tư.
Và như phân tích ở trên, chìa khóa để tháo gỡ những bất cập này chính là đẩy nhanh việc điều chỉnh Quy hoạch 307. Hiện nay, cơ bản những nội dung Quy hoạch phù hợp và có tính khả thi địa phương cơ bản đã triển khai, do vậy việc điều chỉnh cơ bản cần tập trung vào 3 nhóm vấn đề bất cập nêu trên.
Cùng với đó, bổ sung một số di tích mới phát hiện chưa được đề cập trong Quy hoạch 307 và điều chỉnh kết nối Quy hoạch 307 với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của Đông Triều đến năm 2050.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()