Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:47 (GMT +7)
Gameshow truyền hình 2023: Bùng nổ, lạm dụng chiêu trò
Thứ 5, 07/12/2023 | 14:13:17 [GMT +7] A A
Gameshow truyền hình sau nhiều năm im ắng, gần như bùng nổ trở lại trong năm 2023. Khán giả có vô vàn sự lựa chọn từ gameshow ca nhạc cho đến các chương trình truyền hình thực tế sinh động, hài hước, tuy nhiên chất lượng chưa đi đôi với số lượng.
Bùng nổ
Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của các gameshow truyền hình. Bên cạnh nhiều sản phẩm mới, năm 2023 còn đánh dấu sự trở lại của nhiều gameshow đình đám như Vietnam Idol, Rap Việt, Ca sĩ mặt nạ… Chương trình truyền hình về âm nhạc vẫn nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Các trích đoạn liên tục leo tốp xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok và YouTube.
Sự đổi mới trong thể thức, dàn thí sinh chất lượng giúp các chương trình thu hút ngày càng nhiều lượt xem, lượt bàn luận khắp các diễn đàn mạng xã hội. Sự trở lại của chương trình truyền hình thực tế 2 ngày 1 đêm mùa 2 khiến khán giả có thêm sự lựa chọn. Việc giữ nguyên dàn nghệ sĩ chính tham gia là một điểm cộng.
Đệ nhất mưu sinh thổi làn gió mới cho chuỗi các chương trình truyền hình thực tế. Với sự dẫn dắt của Huy Khánh và Duy Khánh, dàn nghệ sĩ khách mời lần lượt thực hiện các nhiệm vụ để kiếm tiền từ công việc bất kỳ. Khách mời có thể làm việc ở xưởng nhang, xưởng bánh với mục đích duy nhất là làm ra các sản phẩm bán được cho người tiêu dùng thực sự.
Không chỉ là chương trình giải trí thông thường, Đệ nhất mưu sinh còn tạo sự khác biệt khi chú trọng chia sẻ, cảm thông với những công việc mưu sinh vất vả ngoài đời thực. Dàn nghệ sĩ tham gia Đệ nhất mưu sinh thực sự được hòa mình, trải nghiệm những công việc tay chân quen thuộc. Những món ăn, vật dụng thân thương, bình dị gợi nhắc cuộc sống đời thực cũng được ê-kíp sản xuất đưa vào chương trình. Toàn bộ số tiền mà các nghệ sĩ bán hàng sẽ được dùng cho công tác từ thiện.
Hành trình rực rỡ cũng để lại ấn tượng khá đẹp. Các nghệ sĩ sẽ được trải nghiệm sâu hơn về những nét văn hóa đặc trưng ở những địa phương mà họ đi qua, đồng thời sẽ được thử thách cùng những người dân địa phương nơi họ trải nghiệm. Hành trình rực rỡ có dàn nghệ sĩ chính thu hút như Trường Giang, Lê Dương Bảo Lâm, Thúy Ngân, Isaac, Bích Phương, rapper Negav.
Chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng lần đầu lên sóng, được mua lại bản quyền của chương trình Trung Quốc Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng. Đây là sân chơi để 30 nữ nghệ sĩ 30 tuổi trở lên đã và đang hoạt động trong giới giải trí như âm nhạc, điện ảnh, người mẫu, diễn viên... thể hiện tài năng, thi đấu để giành suất ra mắt trong một nhóm nhạc nữ 7 người. Chị đẹp đạp gió rẽ sóng có sự tham gia của Mỹ Linh, Lệ Quyên, Hồng Nhung, Thu Phương, Uyên Linh, Lưu Hương Giang, Ninh Dương Lan Ngọc, Giang Hồng Ngọc, Tú Vi…
Vẫn lạm dụng chiêu trò
Dù thu hút là vậy, nhưng không ít gameshow truyền hình lạm dụng những chi tiết gây tranh cãi để tiếp cận nhiều người xem hơn. Đặc biệt, không thể không kể đến các chương trình tìm kiếm tài năng người mẫu như như The face Vietnam, The new mentor 2023 (Người mẫu toàn năng).
Người xem hoàn toàn không thể tập trung vào tài năng, trình độ, kỹ năng của thí sinh mà thường bị cuốn theo cuộc chiến không hồi kết của các huấn luyện viên. The new mentor 2023 gây chú ý khi có dàn huấn luyện viên đắt giá trong làng mẫu như Thanh Hằng, Hồ Ngọc Hà, Lan Khuê và hoa hậu chuyển giới Hương Giang. Tuy nhiên, xuyên suốt cả 9 tập phát sóng, khán giả chưa được nhìn rõ tài năng lãnh đạo, dẫn dắt thí sinh mà chỉ thấy huấn luyện viên chăm chăm “đấu võ mồm” hòng tranh giành thí sinh hoặc “đấu tố” về kết quả các phần thi.
Cũng như The new mentor 2023, chương trình The face Vietnam 2023 gây thất vọng khi liên tục cho lên sóng những tranh đấu của dàn huấn luyện viên. Những màn đấu tố kéo dài từ tập này sang tập khác khiến khán giả ngán ngẩm, muốn tắt tivi. Ngay cả ở thời điểm khép lại, The face Vietnam 2023 vẫn gây xôn xao với kết quả chung cuộc.
Siết chặt khâu kiểm duyệt
Để tìm ra giải pháp dẹp bớt nội dung nhảm nhí, chiêu trò trên gameshow truyền hình, các chuyên gia khẳng định, nhà sản xuất cần nâng cao trách nhiệm, kiểm duyệt kỹ càng nội dung hơn. Bên cạnh đó, khán giả chính là người quyết định sự còn và mất của một chương trình truyền hình. Bởi nếu khán giả mạnh mẽ tẩy chay, chương trình sáo rỗng, lố lăng sẽ không thể tồn tại.
Mới đây, chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn bậc nhất 2 ngày 1 đêm mùa 2 cũng gây tranh cãi khi người chơi quá “mạnh tay” hoặc có những câu chuyện hài kém tinh tế. Cụ thể, từ tập 37, Lê Dương Bảo Lâm liên tục gây tranh cãi vì lối chơi bạo lực. Nam diễn viên kéo lê đồng nghiệp, quăng khách mời vào bụi cây và không ngại hơn thua hết cỡ để giành chiến thắng. Trong thử thách giành cờ ở tập 39, siêu mẫu Minh Tú từng có hành động đạp giày vào người Kiều Minh Tuấn.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng, nhiều gameshow dù kịch tính, nhảm nhí vẫn được quan tâm là bởi thị hiếu của một bộ phận khán giả chưa cao. “Cuộc sống có quá nhiều căng thẳng, bon chen kéo theo nhu cầu giải trí tăng cao. Gameshow với tính chất giải trí đơn thuần, dễ dàng đem lại tiếng cười sẽ là lựa chọn của nhiều người”, PGS.TS Trần Thành Nam (trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích.
Ông Trương Quốc Phong, CEO một công ty truyền thông tại TPHCM nhận định, thời gian gần đây, các chương trình giải trí trên truyền hình đang khai thác quá đà các tình tiết gây tranh cãi, lạm dụng chiêu trò bằng các màn tranh cãi, thậm chí có phần đốp chát thiếu tinh tế. Ông khẳng định, có sự sắp đặt của nhà sản xuất nhằm dẫn dắt cảm xúc của người chơi.
“Ngay chính chữ game trong gameshow đã ít nhiều dự báo cho người xem đề phòng hoặc nhận chân nó chỉ là một trò chơi, không hơn. Tuy nhiên, trò chơi không vui, không trí tuệ, không hấp dẫn mà kịch tính vô lối, phi logic, nhiều tranh cãi, đối đáp qua lại rất mệt mỏi. Các nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng tham gia gameshow đều rất thông minh, ý thức được họ đang làm gì. Có điều, họ đang chơi đùa quá đáng với cảm xúc của người khác, nhất là với chính khán giả”, ông Phong tiết lộ.
Chương trình nổi tiếng, được nhiều người đón xem chắc chắn mang đến nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, đặc biệt về quảng cáo, doanh thu. Tuy nhiên, sự kịch tính quá đà lại mang đến những điều tiêu cực. TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu thanh niên) cho rằng, những tình huống mâu thuẫn trên truyền hình không chỉ là cuộc chiến giữa các ngôi sao mà còn là cuộc chiến giữa các cộng đồng người hâm mộ. “Họ thi nhau tranh luận, thậm chí sẵn sàng thóa mạ, xúc phạm nhau trên không gian mạng. Đây là những hành động kém văn minh cần ngăn chặn ngay”, TS Nguyễn Tuấn Anh nêu.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()