Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 18:21 (GMT +7)
Gắn kết chặt chẽ phòng, chống tham nhũng với chống tiêu cực
Thứ 3, 06/07/2021 | 16:59:53 [GMT +7] A A
Chủ trương gắn kết phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực là rất đúng cả về lý luận, thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu của xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ngày 6/7, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn."
Công tác phòng, chống tiêu cực còn phân tán ở nhiều cơ quan
Phát biểu đề dẫn, Tiến sỹ Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ban Nội chính Trung ương chỉ rõ tham nhũng và tiêu cực có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau.
Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng có nhiều nhưng nguyên nhân cơ bản, trực tiếp là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyến hóa."
Đề cập đến vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhấn mạnh: "Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống."
Theo ông Nguyễn Thái Học, thời gian qua, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ nét, là một điểm sáng, dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào sự thật thì tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nguyên nhân cơ bản là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực mặc dù đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Theo báo cáo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, 5 năm qua, có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó hơn 46.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật do liên quan đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," chiếm 52,9%.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân quan trọng là công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn phân tán ở nhiều cơ quan, chưa đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của một đầu mối; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả, yêu cầu đặt ra là phải đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực; trọng tâm là tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa đấu tranh phòng, chống tham nhũng với đấu tranh phòng, chống tiêu cực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng.
"Đây chính là nội dung quan trọng, cần được nghiên cứu nghiêm túc, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án "Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng" để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" - ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Chỉ đạo căn cơ, đồng bộ
Các tham luận gửi tới Hội thảo và các ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực; mối quan hệ giữa tiêu cực với tham nhũng; giữa công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; những biểu hiện tiêu cực phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tập trung chỉ đạo phòng, chống; sự cần thiết và những nội dung cần phải bổ sung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực.
Nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất đối với Đảng lãnh đạo và cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và cả hệ thống chính trị.
Đây là biểu hiện tập trung của phạm trù "tiêu cực" trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nếu không chống được các nguy cơ trên thì sẽ đánh mất tính chính danh của Đảng cầm quyền, mọi hậu quả xấu tất yếu sẽ xảy ra.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng tiêu cực là khái niệm rất rộng. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu đều nằm trong khái niệm tiêu cực.
Căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng, tiêu cực được hiểu là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," lợi ích nhóm.
Ông Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng nhận định, giữa tiêu cực và tham nhũng có mối quan hệ chuyển hóa với nhau, thực tế là trong các vụ án tham nhũng đều có yếu tố tiêu cực.
Tuy nhiên, kết quả phát hiện, xử lý tiêu cực còn rất ít, chưa tương xứng với thực trạng đang diễn ra.
"Phòng chống tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Nếu giao việc này cho một bộ, ngành Trung ương nào thì cũng đều khó khăn. Bởi vậy, việc bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, để có thể chỉ đạo một cách căn cơ và đồng bộ," Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh.
Kết luận Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định việc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương gắn kết nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực là rất đúng cả về mặt lý luận, thực tiễn, phù hợp với sự phát triển tất yếu của cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Về mặt lý luận, theo nghĩa rộng, tham nhũng là một bộ phận của tiêu cực. Về mặt thực tiễn, tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng và tham nhũng làm trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp. Nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng phải kiên định, kiên trì, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của toàn dân thì mới thực hiện được, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú cho rằng, phải có một tổ chức có trách nhiệm đặc biệt, là đầu mối.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Do đó, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ để Ban Chỉ đạo làm tiếp nhiệm vụ chống tiêu cực. Ban Nội chính tiếp tục đóng vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo với cơ cấu tổ chức hợp lý, tinh gọn nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, động viên sức mạnh của toàn dân./
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()