Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:01 (GMT +7)
Gạo Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Indonesia
Thứ 4, 28/02/2024 | 09:24:13 [GMT +7] A A
Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn và đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho gạo Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông tin, ngày 26/2/2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước kết hợp với ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023, do vậy, Chính phủ nước này vừa mới quyết định tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn.
Theo dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024, thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Như vậy, với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn.
Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ, để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường lên tới 80.000 Rp (tương đương 5,17 USD)/5kg so với mức giá trần Chính phủ ấn định chỉ là 69.500 Rp (tương đương 4,45 USD)/5kg.
Theo Cơ quan thống kê Indonesia, trong tháng 1/2024, nước này đã nhập khẩu 441,93 nghìn tấn, tăng 82,19% so với tháng 1/2023 với giá trị 279,2 triệu USD. Trong đó, lượng gạo nhập từ Thái Lan là 237,64 nghìn tấn, từ Pakistan là 129,78 nghìn tấn, Myanmar 41,61 nghìn tấn, Việt Nam là 32,34 nghìn tấn và Cambodia 2,5 nghìn tấn.
Trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, thu về hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.
Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giao sẽ bắt đầu vào trung tuần tháng 3/2024 và kéo dài trong một tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).
Do vậy, Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.
Kết thúc năm 2023, tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Tiếp đà tăng trưởng của năm 2023, nửa đầu tháng 2/2024, xuất khẩu gạo đạt 150.944 tấn, với giá trị 104,34 triệu USD; nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến 15/2 lên 663.209 tấn, với giá trị 466,6 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 53% về giá trị so với cùng kỳ.
Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới (7,6 triệu tấn). Với nền tảng vững chắc là đất nước phát triển từ nền văn minh lúa nước, nên gạo vừa là nguồn lương thực chính vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Gạo chính là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do đó không khó để nước ta trở thành quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()