Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:27 (GMT +7)
Gặp các nhà báo lão thành Vùng mỏ...
Thứ 6, 05/06/2015 | 06:36:44 [GMT +7] A A
Cứ đến ngày 21-6 hàng năm, những người làm báo, nhất là những phóng viên trẻ mới vào nghề như chúng tôi không khỏi kiêu hãnh, tự hào khi thấy mình được đứng trong hàng ngũ những người cầm bút. Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi có dịp thăm lại những nhà báo gạo cội của làng báo Vùng mỏ.
Ông Nguyễn Viết Khai, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, chia sẻ kinh nghiệm rút tít tin, bài cho phóng viên trẻ. |
Phóng viên chiến tranh
Mặc dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Nguyễn Huy Trợ, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Quảng Ninh vẫn còn minh mẫn, nhiệt huyết lắm. Sự say mê của ông trong câu chuyện đã xua đi cái oi bức, nóng nực của một chiều hè trong chúng tôi. Ông kể: Trước năm 1964, ông từng làm qua rất nhiều nghề như tuyên giáo, văn phòng, rồi phụ trách Báo Vùng Mỏ. Đến khi Báo Quảng Ninh được thành lập, ông chuyển sang làm Tổng Biên tập của Báo. Một năm sau, cả miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh khốc liệt chống đế quốc Mỹ, toà soạn và cả TX Hồng Gai bị đánh phá liên miên. Từ năm 1966-1973, Báo Quảng Ninh phải sơ tán vào khu vực mỏ Hà Lầm, Quang Hanh (Cẩm Phả) rồi vào các xã Sơn Dương, Dân Chủ (Hoành Bồ). Thời điểm ấy, cả toà soạn chưa đầy 30 người nên Báo chia phóng viên đến nằm vùng những khu vực có địch ném bom, bắn phá ác liệt để phản ánh thường xuyên tình hình sản xuất, lao động và chiến đấu của quân, dân ta. Họ được gọi là phóng viên chiến tranh.
Tại địa bàn hoạt động, các phóng viên của Báo vừa chặt cây làm lán trại, đào hầm để tránh bom đạn; vừa đi cơ sở để lấy thông tin viết tin, bài. Suốt thời gian địch đánh phá liên tục, huỷ diệt nhiều nơi, nhưng Báo vẫn không nghỉ một số nào. Đời sống khổ cực, thiếu thốn đủ bề, đi lại dưới bom rơi, đạn lạc rất nguy hiểm, nhưng anh em phóng viên luôn đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Một trong những câu chuyện cảm động và đáng nhớ nhất là về lòng yêu nghề, tình đồng nghiệp của ông Phạm Dũng và các phóng viên Phòng Thời sự. Bị bệnh suy tĩnh mạch 2 chi dưới, ông Dũng phải tháo bỏ đôi chân của mình. Tuy vậy, ông vẫn cần mẫn theo dõi tin trong nước, quốc tế qua sóng đài radio để viết lại tin tức thời sự cho toà soạn. Tiếp sức cho ông Dũng, anh em cùng Phòng, nhất là ông Hoàng Mạnh Thanh đã không ngại khổ, chăm sóc và vệ sinh cá nhân hàng ngày cho ông…
Nghiệp báo để lại tiếng vang lớn
Ông Nguyễn Công Vượng, nguyên Trưởng ban Bạn đọc của Báo Quảng Ninh lại có những câu chuyện, những tâm sự khác về chuyện nghề, nghiệp. Học xong cấp 3, ông Vượng học chuyên ngành kinh tế chính trị thuộc Trường đại học Nhân dân rồi được Báo Lao động nhận về làm phóng viên. Đến năm 1960, ông chuyển sang làm phóng viên Báo Quảng Ninh. Không học chuyên ngành báo chí, nên ông gần như không có khái niệm gì về nghề báo, cách làm báo. Để biết cách viết tin, bài sao cho đúng, cho hay, ông phải tự mò mẫm, nghiên cứu, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ với các thế hệ đi trước, các bạn đồng nghiệp. Từ chỗ chỉ là một phóng viên “tay ngang”, ông Vượng trở thành phóng viên sắc sảo với những loạt tin, bài xuất sắc; đặc biệt phải kể đến bức ảnh chụp tên giặc lái Mỹ đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc. Sau đó, ông được giao nhiều chức vụ khác nhau: Trưởng Ban Kinh tế công nghiệp, Trưởng Ban ảnh, Trưởng Ban Bạn đọc.
Ông Vượng chia sẻ: Nghề báo là một nghề khó. Nghề đòi hỏi người theo nghề phải hiểu biết, có niềm đam mê, có trình độ và am hiểu nhiều vấn đề của xã hội. Một người làm báo chuyên nghiệp là người biết cách đổi “món” liên tục cho độc giả, bài viết hôm nay phải khác bài viết ngày mai. Đồng thời, phải có sự nhạy bén chính trị để nắm bắt được trọng tâm của những vấn đề dư luận quan tâm. Báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, mà còn nói lên tiếng lòng của nhân dân. Thời chúng tôi làm báo, nhiều người coi tờ báo như một cuốn cẩm nang. Ở đó, mọi vấn đề khúc mắc đều được những người làm báo đứng ra tìm hiểu thực tế, giải quyết rõ ngọn ngành. Bởi vậy, nếu làm tốt, nghề báo sẽ để lại những tiếng vang lớn trong sự nghiệp lẫn cuộc đời.
Làm báo phải tự tin, dân chủ, bình đẳng
Nói về những phóng viên trẻ thời nay, ông Nguyễn Viết Khai, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh, cho rằng: Thế hệ sau này có nhiều điều kiện thuận lợi và ưu thế nổi bật hơn so với các bậc tiền bối, như: Được đào tạo một cách bài bản, toàn diện; trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ; phương tiện thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi, nên nắm bắt thông tin nhanh; được các thế hệ đi trước truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu v.v.. Chính vì vậy, phóng viên hiện nay phát triển khá nhanh và tốt về chuyên môn, nghiệp vụ, giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, để tạo được thương hiệu riêng của Báo, tạo sức vang cho mỗi tác phẩm báo chí, các nhà báo trẻ cần không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.
Ông nói: Hiện báo chí địa phương mới chỉ đi trúng - đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước mà chưa có nhiều các bài viết mang tính chất phát hiện, đóng đinh được trong dư luận. Các nhà báo thế hệ bây giờ cần tích cực đi sâu vào thực tế, khám phá các vấn đề của xã hội để kịp thời đưa tin, phản ánh. Người làm báo phải tự tin, dân chủ, bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ. Các bài báo đừng viết như báo cáo, phải có chính kiến và chắt lọc theo tư duy của bản thân. Đồng thời, thường xuyên đổi mới tư duy trong định hướng và phong cách viết; đầu tư rút tít hấp dẫn để thu hút người đọc…
Gặp gỡ, được trò chuyện với những nhà báo lão thành, những người làm báo trẻ chúng tôi hiểu hơn về khó khăn, gian khổ của người làm báo qua các thế hệ, từ đó thêm yêu, tự hào về nghề; thêm hành trang quý để vững bước trên con đường làm báo hôm nay.
Hoàng Anh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()