Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 20:03 (GMT +7)
Gấp rút bào chế vaccine chống virus gây dịch bệnh viêm phổi lạ
Thứ 6, 24/01/2020 | 06:10:09 [GMT +7] A A
Một số nước đang tích cực nghiên cứu để bào chế vaccine chống lại virus gây viêm phổi lạ.
Dịch viêm phổi lạ do virus Corona gây ra đang tiếp tục diễn biến phức tạp, với việc Trung Quốc liên tục thông báo các trường hợp nhiễm mới trong khi số người tử vong không ngừng tăng lên. Một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh khi các nghiên cứu mới đây cho thấy dơi và rắn có thể là nguồn lây lan virus. Một số nước cũng đang tích cực nghiên cứu để bào chế vaccine chống lại virus này.
Một bệnh viện quá tải vì tiếp nhận nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sốt ở Vũ Hán. Ảnh: Weibo. |
Theo nghiên cứu mới được công bố trên các tạp chí khoa học Trung Quốc, chủng virus corona mới có thể xuất phát từ loài dơi hoặc rắn. Giả thuyết này dựa trên việc kiểm tra chuỗi gene của virus và có tới 2 nghiên cứu đều chỉ ra loài dơi nhiều khả năng có liên quan đến dịch bệnh hiện nay. Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại xác định rắn chính là thủ phạm. Để tìm kiếm ổ virus, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích chuỗi và so sánh. Kết quả phân tích cho thấy rắn là loài động vật hoang dã nhiều khả năng mang trong mình virus corona.
Chợ thực phẩm, nơi virus corona mới lần đầu tiên bị phát hiện tại Vũ Hán, bán nhiều loại động vật hoang dã như cáo, cá sấu, sói, rắn, chuột, công... Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc Gao Fu trước đó cũng nhận định, virus nhiều khả năng xuất phát từ khu chợ này:
“Với các ca bệnh hiện nay cho thấy có sự lây truyền từ người sang người và đang lan rộng trong cộng đồng. Dựa trên những kết quả ban đầu có thể thấy nguồn gốc do virus từ các động vật hoang dã được bán ở chợ Vũ Hán. Nó cũng phù hợp với hiểu biết của chúng ta về coronavirus”, ông Gao Fu cho biết.
Các nhà nghiên cứu đều thận trọng rằng, các kết luận này cần kiểm nghiệm kỹ hơn trên các mẫu động vật. Cả hai nghiên cứu cũng không giải thích cách thức virus có thể lây truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên, nghiên cứu có thể đưa ra các manh mối để nhà chức trách Trung Quốc tìm ra nơi bùng phát dịch bệnh khiến gần 600 người mắc bệnh thời gian qua và 17 người tử vong.
Ngoài việc xác định nguồn gốc lây nhiễm, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Trung Quốc Li Bin cũng chỉ rõ cách thức lây truyền giữa người và người.
“Các chuyên gia y tế cho rằng,các trường hợp đều bắt nguồn từ Vũ Hán. Đã có sự lây nhiễm giữa người và người và giữa các nhân viên y tế. Nó lây lan không chỉ trong một cộng đồng này mà còn sang các cộng đồng khác trong một khu vực nhất định. Biện pháp lây nhiễm chính đó qua con đường hô hấp. Virus cũng có khả năng biến thể và có nguy cơ lây lan xa hơn".
Trong bối cảnh các chuyên gia y tế đang tích cực xác định nguồn gốc lây nhiễm thì các nước cũng đưa ra biện pháp ngăn chặn virus xâm nhập vào lãnh thổ của mình. Hầu hết các quốc gia đều đặt máy quét thân nhiệt tại các sân bay nhà ga, có kiểm tra đặc biệt đối với hành khách đến từ Vũ Hán. Một số nước cũng đưa ra khuyến cáo đi lại tới các vùng bị ảnh hưởng của Trung Quốc.
Các nhà khoa học quốc tế cũng đang tích cực nghiên cứu để tìm ra vaccine chống lại virus nguy hiểm này. Cơ quan liên bang giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Nga cho biết đang nghiên cứu để bào chế vaccine chống virus. Tuy nhiên việc bào chế vaccine là một quá trình dài và phức tạp, sẽ được quyết định dựa trên đánh giá nguy cơ và mức độ cần thiết của tình hình.
Giám đốc Trung tâm các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ Anthony Fauci cũng cho biết đang bắt đầu vào nghiên cứu vaccine trong trường hợp tình hình xấu đi: “Chúng tôi bắt đầu các hoạt động nghiên cứu và phối hợp với công ty Moderna. Có một nghiên cứu bắt đầu cách đây vài ngày với việc tìm kiếm các nguyên liệu để đưa vào giai đoạn sớm thử nghiệm trên người. Có thể trong vòng 3 tháng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ có vaccine trong 3 tháng nữa, thậm chí là phải 1, 2 hay nhiều năm nữa. Nhưng ít nhất là chúng tôi đã bắt đầu tiến trình và sẽ được đẩy nhanh trong trường hợp tình hình xấu đi”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm nay (23/1) dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố liệu dịch viêm phổi này có phải là đại dịch toàn cầu hay không.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()