Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:25 (GMT +7)
Gây dựng lại sức sống cho vùng cam Vạn Yên
Chủ nhật, 28/11/2021 | 13:28:15 [GMT +7] A A
Bị thiệt hại nặng trong mùa cam năm 2020 do dịch Covid-19, một mùa cam mới đang về với vùng cam Vạn Yên (Vân Đồn) nhờ những nỗ lực của các hộ dân, việc giữ vững thương hiệu, giá thành sản phẩm và tìm kiếm các kênh tiêu thụ cho sản phẩm OCOP này.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên (Vân Đồn), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới các hộ trồng cam, gây gián đoạn tiêu thụ. Vùng trồng cam Vạn Yên cũng vì thế không thể kết nối với các thương lái hoặc kênh tiêu thụ khác, khiến nguồn lực tái đầu tư cho mùa cam mới bị hạn chế.
Thống kê sơ bộ mùa cam năm 2020, trên 180 hộ trồng cam ở Vạn Yên đều bị thiệt hại từ cam rụng do quá thời vụ thu hoạch trung bình từ 2-3 tấn, hộ nhiều có thể đến 5-7 tấn. Để có một mùa cam ổn định đang tới gần vào dịp cuối năm nay, các hộ dân, chính quyền đã có sự quan tâm, nỗ lực từ trước đó, đồng thời cũng không lơ là việc đảm bảo chất lượng, thương hiệu và giá thành, vốn là những yếu tố quan trọng nhất của sản phẩm này.
Theo đó, hầu hết các hộ trồng cam bị thiệt hại đều chấp nhận nguồn thu thấp từ vụ cam 2020 và xác định dồn nguồn lực cho vụ cam mới. Tùy vào diện tích, các hộ đều dồn lực tích lũy hoặc vay mượn đầu tư từ sớm cho vụ cam năm nay. Theo tìm hiểu, ngay từ cuối vụ cam năm 2020, các hộ đã phải chăm sóc, tính bón phân, tưới tiêu đầy đủ để đủ chu kỳ cho cây bật lộc, lấy hoa vào tháng Giêng năm 2021. Đây là quy trình kỹ thuật bắt buộc để cây có đủ chất để ra lộc, ra hoa đúng thời vụ.
Mặc dù gặp khó nhưng hầu hết các hộ trồng cam và các tổ chức, HTX 10/10, Nông trang Vạn Yên... đều có cách để đảm bảo mùa vụ, chất lượng, đổi mới đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài các giống cam bản địa, hầu hết các hộ đều trồng đa dạng các loại cam cho sản lượng, chất lượng tốt, ngọt như: cam V2, Đường Canh, Vinh, Xã Đoài... Cá biệt có hộ còn phát triển được sản phẩm mới như hộ anh Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu) đã sớm đầu tư 1.350 gốc cam đường bản địa và sẽ đưa ra thị trường sản phẩm mới này.
Đồng thời, các HTX cũng là đầu mối triển khai, đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm, tem nhãn, xuất xứ hàng hoá... Điều này đảm bảo thương hiệu cam Vạn Yên, đánh bật các sản phẩm nhái thương hiệu trên thị trường.
"Dù khó khăn nhưng năm nay, HTX Nông trang Vạn Yên vẫn duy trì được 18 thành viên, diện tích trồng khoảng 55ha, sản lượng dự kiến năm nay chừng 155 tấn, kém chút so với năm 2020. HTX phấn đấu duy trì, nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường bằng cách cùng nhau cam kết, giám sát chéo đảm bảo chất lượng, thương hiệu, giá cả tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thay vì nhỏ lẻ, tự phát" - anh Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên cho biết.
Năm nay, để chuẩn bị cho mùa cam mới, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn đều tính toán tới phương án kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ, điều mà hầu hết các hộ trồng cam rất quan tâm. "Ngoài tiêu dùng nhỏ lẻ, chúng tôi cũng quan tâm kết nối với các thương lái, vận động các hộ tiêu dùng lớn như các doanh nghiệp ngành than, các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích và hỗ trợ các hộ tham gia các hội chợ OCOP để tiêu thụ, kết nối các chuỗi tiêu thụ..." - ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vân Đồn, chia sẻ.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng có các giải pháp hỗ trợ riêng. "Xã cũng tạo điều kiện cho các hộ về nguồn lực tái sản xuất, phát huy thế mạnh du lịch trải nghiệm, hái và mua cam tại vườn. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm phát triển thêm diện tích trồng cam. Theo đó, sẽ chuyển một số diện tích rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Vân Đồn theo đề án mở rộng vùng cam. Nếu thuận lợi, dự kiến thời gian tới diện tích trồng cam Vạn Yên sẽ tiếp tục tăng khi đất được giao cho các hộ trong HTX hoặc hộ trồng mới. Và một điều đáng mừng là năm nay giá cam không bị rớt mà dự kiến vẫn duy trì ở mức 30-35.000/kg như mọi năm" - ông Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()