Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:40 (GMT +7)
Giá cả leo thang, lo lạm phát tăng cao
Thứ 5, 16/05/2024 | 16:01:07 [GMT +7] A A
Giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu như gạo, đường, phở, mì, cà phê... nhấp nhổm tăng, chưa kể các khoản chi phí cố định như tiền điện, nước mùa nắng nóng cũng tăng cao, trong khi lương thưởng "đứng hình" khiến đời sống nhiều người dân khá chật vật.
Những ngày này, nhiều bà nội trợ cho biết rất đắn đo mỗi khi chọn mua thực phẩm tại các chợ hay siêu thị vì "đụng đến mặt hàng nào cũng thấy tăng giá".
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ cho biết buộc phải tăng giá bán sản phẩm do giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là các sản phẩm hay nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi tỉ giá, dù sức mua vẫn khá thấp.
Bà nội trợ "chóng mặt" với giá thực phẩm
Cầm bịch đường cát trắng bước ra từ cửa hàng tạp hóa bên cạnh chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM), bà Lê Thị Chi than thở rằng bằng giờ này năm ngoái, bịch đường bà mua giá 22.000 đồng nhưng nay tăng lên 28.000 đồng. Nhiều loại thực phẩm tươi như thịt, trái cây... cũng không còn giá "mềm" như trước.
"Giờ này mọi năm nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu... rẻ rề, ăn tẹt ga, nhưng năm nay sờ vào gì cũng thấy mắc", bà Chi nói. Việc hàng loạt mặt hàng thiết yếu như trái cây, gạo, đường... tăng giá mạnh khiến nhiều người tiêu dùng cho biết phải cố "thắt lưng buộc bụng", chi tiêu dè sẻn chứ chẳng thể "xông xênh" như trước.
Dành gần 30 phút lượn khắp các gian hàng tại siêu thị trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), bà Mai Kim Chung (ngụ quận 5) hết ngắm hàng giảm giá lại cầm lên, đặt xuống so sánh giá cả tại quầy thực phẩm.
"Trước cầm 100.000 đồng đi chợ là đủ cho bữa cơm gia đình dinh dưỡng, nay quay đi quay lại 100.000 đồng hết cái vèo nhưng vẫn thấy chưa mua được gì", bà Chung cho biết.
Ông C.V.T. - chủ cửa hàng tạp hóa bên cạnh chợ Nguyễn Tri Phương - cho biết khoảng một tháng trở lại đây, giá dầu đã tăng gần 10.000 đồng mỗi loại, cà phê gói và cà phê bột tăng khoảng 15.000 đồng. "Nhiều người mua than thở với tôi kinh tế khó song cái gì cũng sốt giá, tôi cũng đành an ủi và mong khách thông cảm", ông T. cho hay.
Nhiều siêu thị, đơn vị bán lẻ cho biết phải điều chỉnh tăng giá bán nhiều mặt hàng, nhất là hàng nhập khẩu do ảnh hưởng tỉ giá USD tăng cao.
Theo đại diện siêu thị Lotte Mart, các mặt hàng tươi sống, nhập khẩu thường xuyên như trái cây, thủy hải sản... đã phải tăng trung bình 5% giá bán ra so với cuối năm ngoái. Các mặt hàng khô như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu ô liu sắp tới sẽ tăng giá 2-8%.
Đặc biệt, dù giá neo cao thời gian qua, mặt hàng gạo cũng sẽ tăng 10%. Đại diện nhiều siêu thị khác cho biết dù cố gắng kìm giá nhưng trước tình trạng nhiều nhà cung cấp đang đề xuất cho tăng 2-10% giá bán với các mặt hàng khô như mì gói, bún, phở, cà phê và mặt hàng chế biến như giò, chả, xúc xích... vì giá đầu vào tăng, do đó khả năng sẽ có một đợt tăng giá mới với nhiều mặt hàng thiết yếu.
Doanh nghiệp cũng đau đầu với giá đầu vào
Ông Đinh Minh Tâm - phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May - cho hay so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo nguyên liệu đầu vào đã tăng khoảng 50%.
"Dù giá gạo nhập tăng cao song doanh nghiệp không thể tăng giá thành phẩm tương đương, chúng tôi phải gồng lỗ, điều chỉnh giá tăng khoảng 20% nhằm bình ổn giá thị trường", ông Tâm nói.
Đại diện Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa - Miliket cũng cho biết hoạt động kinh doanh đang chịu áp lực bởi sức mua giảm nhưng hầu hết giá bao bì, nguyên phụ liệu lại tăng 3-8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nguyên liệu chính cho sản xuất như dầu, bột mì, gạo... tăng giá liên tục, thậm chí giá gạo tăng 50-60% và neo khá cao trong thời gian dài khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.
"Dù đã cố gắng bình ổn trong thời gian dài nhưng với giá đầu vào tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, chúng tôi đang tính toán lên kế hoạch tăng giá bán một số sản phẩm", vị này nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan, doanh nghiệp này cũng chịu nhiều áp lực do sự biến động của giá đầu vào, bao gồm giá heo hơi, giá bao bì, nguyên phụ liệu... nhập khẩu.
Với giá heo hơi đang có chiều hướng tăng cao, có thể đạt 70.000 đồng/kg trong thời gian tới, nhiều sản phẩm làm từ thịt cũng sẽ bị đội giá thành.
"Ngoài thịt tươi sống, nhiều sản phẩm chế biến như giò, chả... bắt buộc phải làm từ thịt heo nóng (heo trong nước) thay vì heo nhập. Thịt heo chiếm chủ đạo trong cấu thành giá thành sản xuất. Do đó, mặt hàng này tăng giá sẽ tác động lên giá sản phẩm bán ra, đây là điều khó tránh", ông An nhận định.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết đang cố kìm giá hàng hóa hoặc chỉ tăng nhẹ do sức mua vẫn rất yếu.
Dù cho rằng việc tăng giá bán là điều khó tránh nếu giá thành nhập vào tăng nhưng đại diện các siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart... cho biết sẽ cố gắng kìm giá ở mức tốt nhất bằng việc ưu tiên chọn nhà cung cấp cho giá bán tốt hơn hoặc tìm kiếm các đối tác, tăng liên kết với các hiệp hội để hàng nhập khẩu về có được mức giá cạnh tranh.
"Chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội ở những thị trường chính Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ... nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị này để các sản phẩm thực phẩm nhập được giá tốt hơn. Ngoài ra, những sản phẩm như đồ khô, gia dụng... ưu tiên nhập vào thời điểm giá tốt để dự trữ", đại diện Lotte Mart nói.
Giá xăng dầu, dịch vụ y tế... kéo lạm phát tăng
Lạm phát bốn tháng vừa qua tăng 3,93%, riêng tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, khiến nhiều người dân chi tiêu dè chừng hơn vì thu nhập giảm do tình trạng thiếu việc, mất việc, thất nghiệp tăng đáng kể.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thu Oanh - vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho biết lạm phát tăng trong bốn tháng đầu năm là do giá nhà ở và vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, cát, giá thuê nhà ở) tăng 5,54% làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,84%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% cũng đẩy lạm phát tăng.
"Riêng trong tháng 4, lạm phát tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước do các nhóm hàng hóa dịch vụ như giao thông tăng 1,95% (tăng theo giá nhiên liệu xăng dầu tăng), các nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%, hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,27%, nhà ở - vật liệu xây dựng tăng 0,21% (tăng theo giá xăng dầu, điện)", bà Oanh cho biết.
Cũng theo bà Oanh, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát. Chỉ số giá điện sinh hoạt cứ tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI chung của nền kinh tế tăng thêm 0,33 điểm phần trăm.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định áp lực lớn nhất với lạm phát từ nay đến cuối năm là xu hướng tăng giá xăng dầu, tăng giá điện. Đây là hai nhiên liệu đầu vào cho hầu hết ngành sản xuất, hai mặt hàng này tăng giá sẽ đẩy giá cả hầu hết các mặt hàng tăng lên.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()