Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:28 (GMT +7)
Giá cà phê cao nhất mọi thời đại, doanh nghiệp xuất khẩu ‘gồng lỗ’ nặng
Chủ nhật, 24/03/2024 | 16:32:33 [GMT +7] A A
Giá cà phê tăng sốc, lên mức cao nhất mọi thời đại khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này ở nước ta phải “gồng lỗ” nặng, thậm chí huỷ hợp đồng với nhà nhập khẩu.
Thua lỗ nặng vì bị 'bẻ kèo'
“Giá cà phê nhân lên hơn 95.000 đồng/kg rồi, cao chưa từng có trong lịch sử”, ông Doãn Hữu Tuệ - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê hoà tan) - chia sẻ với PV. VietNamNet.
Theo ông Tuệ, thời điểm này những năm trước, nguồn cà phê rất dồi dào bởi vừa kết thúc vụ thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay, lượng cà phê trong dân và trong kho của các doanh nghiệp không còn nhiều.
“Bây giờ những đơn hàng đặt mua 600-700 tấn cà phê nhân, doanh nghiệp gần như không dám nhận vì rất khó gom đủ hàng”, ông nói. Điều đáng lo ngại, giá cà phê ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại khiến các doanh nghiệp gặp khó do đã ký hợp đồng giao kỳ hạn từ trước, nhất là những đơn vị xuất khẩu cà phê nhân.
Thời điểm ký hợp đồng, giá cà phê vẫn ở mức thấp. Đến hạn giao hàng, giá vọt tăng thì không doanh nghiệp nào chịu nổi nên thua lỗ là đương nhiên, ông Tuệ lý giải. Thậm chí, có những doanh nghiệp, đại lý cấp 1 trước đó đã đặt cọc tiền mua cà phê nhưng dịp này vẫn thua lỗ vài chục tỷ do giá tăng quá cao, bị "bẻ kèo".
Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More (TP.HCM), thừa nhận, giá cà phê tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đẩy nhiều doanh nghiệp chế biến vào thế khó.
Hiện giá cà phê đầu vào ở ngưỡng 85.000-95.000 đồng/kg. Trong khi doanh nghiệp không thể tăng giá bán do hợp đồng trước đó đã ký mua nguyên liệu ở mức giá 50.000-60.000 đồng/kg.
"Chúng tôi không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp. Công ty đang cố gánh lỗ đến tháng 6", ông Luận chia sẻ.
Chiều muộn ngày 22/3, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở nước ta than thở, công ty phải huỷ hợp đồng với một số nhà nhập khẩu, chấp nhận chịu phạt. Bởi càng xuất khẩu càng lỗ nặng.
Theo vị lãnh đạo này, cà phê tăng giá sốc, doanh nghiệp trở tay không kịp. Hàng trong kho của công ty chỉ đáp ứng được 60% đơn đã ký. Số đơn hàng còn lại, thời điểm ký giá nguyên liệu vẫn còn thấp, giờ nếu gom mua cà phê giá cao chót vót thì phải “gồng lỗ” nặng hơn.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt tăng mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 22/3, giá cà phê Robusta (loại cà phê trồng phổ biến ở Việt Nam) trên sàn London giao tháng 5/2024 tăng mạnh 70 USD, cán mốc 3.385 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 7/2024 cũng tăng 67 USD, lên ngưỡng 3.288 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê nhân ở nước ta vẫn tiếp đà tăng, chạm ngưỡng 95.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, cho hay, thời điểm này năm ngoái, giá cà phê chỉ trên dưới 40.000 đồng/kg, nay vọt lên 95.000 đồng/kg - mức giá cao nhất mọi thời đại.
Trong khi đó, giá thành sản xuất ở ngưỡng 35.000-40.000 đồng/kg tuỳ năng suất và giống cà phê. Với mức giá hiện nay, người nông dân trúng lớn. Thậm chí, chưa bao giờ họ trúng đậm như hiện nay.
Ngược lại, các doanh nghiệp lại chịu thua lỗ nặng khi giá cà phê trong nước leo thang, ông Hải phân tích. Lý do, doanh nghiệp thường ký hợp đồng giao xa. Thời điểm ký giá cà phê nhân trong nước vẫn ở mức thấp, nay giá cao nhưng nhà nhập khẩu không chấp nhận điều chỉnh giá mua. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu mua bán theo kỳ hạn sẽ phải gồng lỗ.
Nhu cầu tìm mua cà phê Việt rất lớn, giá vẫn neo cao
Nhận định về xu hướng giá cà phê trong thời gian tới, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng vẫn neo ở ngưỡng cao vì chưa có tín hiệu nào cho thấy giá cà phê có thể hạ nhiệt.
Ông chỉ rõ, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu khiến sản lượng sụt giảm, trong đó có Việt Nam. Chưa kể, giá cà phê ở nước ta trong nhiều năm liền nằm ở ngưỡng rất thấp, người nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác nên sản lượng càng sụt giảm mạnh.
Cùng với đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ đẩy cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Nhiều nhà đầu tư tài chính chọn cà phê để đầu cơ, góp phần đẩy giá mặt hàng này lên mức đắt đỏ hơn.
Thực tế, sức mua mạnh của các nhà đầu tư đã kích hoạt các lệnh mua tự động đẩy giá cà phê kỳ hạn thiết lập những mức cao kỷ lục mới.
Niên vụ cà phê 2022-2023, tồn kho ở nước ta rơi xuống mức thấp nhất lịch sử. Từ tháng 8/2023, đã có hiện tượng thiếu hàng xuất khẩu nên giá cà phê nội địa càng tăng mạnh.
Theo ông Hải, Việt Nam là nguồn cung cà phê Robusta lớn nhất thế giới trong khi các nhà rang xay trên toàn cầu vẫn có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, tồn kho trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều.
“Với đà này, có khi đến cuối tháng 4 cả nông dân và doanh nghiệp sẽ hết hàng”, ông lo ngại. Điều này trái ngược hoàn toàn với những năm trước đó.
Thế nên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tính toán kỹ hơn trong việc thương thảo giá ký hợp đồng kỳ hạn giao xa. Nếu có thể, xem xét ký hợp đồng giao ngay để giảm thiểu rủi ro khi giá biến động mạnh, ông khuyến cáo.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3/2024, nước ta đã xuất khẩu gần 200.000 tấn cà phê, tăng 119,47% so với cùng kỳ năm trước, thu về gần 320 triệu USD. Tính từ đầu năm nay đến ngày 15/3, nước ta xuất khẩu hơn 598.000 tấn thu về trên 1,57 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu tăng 38,2%, giá trị tăng mạnh 65,3%.
Khối lượng xuất khẩu cao như thời gian qua đã bác bỏ đồn đoán nông dân Việt Nam găm hàng, không muốn bán ra ở mức giá hiện tại, song đồng thời cũng khiến dự trữ mặt hàng này cạn kiệt.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()