Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:22 (GMT +7)
Giá đạt đỉnh lịch sử, cà phê Việt trở nên lấp lánh
Thứ 2, 18/12/2023 | 15:11:32 [GMT +7] A A
Liên tiếp trong một tuần qua, giá cà phê trong nước lẫn trên sàn giao dịch quốc tế tăng liên tục. Trong đó, giá cà phê nhân trong nước đã gần đạt 70.000 đồng/kg, mốc cao nhất trong hơn 30 năm trở lại đây dù đang vào chính vụ thu hoạch.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà nhập khẩu đang đổ xô đến Việt Nam để mua cà phê. Việt Nam là nguồn cung duy nhất loại robusta trong thời điểm hiện tại. Do đó, mức giá cao vẫn còn duy trì trong thời gian tới.
Giá lên hằng ngày
Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, giá cà phê nhân thô mà nông dân đang bán ra ở mức 42.000 - 43.000 đồng/kg thì đến nay (16-12) đã lên mức 67.000 đồng/kg, tăng tới 60%. Thậm chí một số nơi đã ghi nhận mức giá 70.000 đồng/kg cà phê nhân thô.
"Chưa bao giờ trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua của Việt Nam và trong chính vụ thu hoạch giá cà phê lại cao đến như vậy", ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết.
Liên tiếp các ngày trong tuần này, giá cà phê hôm sau bán luôn cao hơn hôm trước khiến nông dân trồng cà phê đang trải qua giai đoạn những ngày vui hiếm có. Tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá cà phê tăng 7.000 đồng/kg.
Ông Phạm Hùng Vương (55 tuổi, thôn 6, xã Phú Xuân, Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết năm nay người dân phấn khởi vì giá bán cao, hiện đã hơn 60.000 đồng/kg nhân xô.
"Do nhiều hộ dân có trồng xen nhiều loại cây nên cũng có thu nhập, vì vậy dù cà phê giá cao người dân cũng chưa vội bán. Theo tham khảo, giá cà phê vẫn giữ mức giá này qua Tết Nguyên đán khiến gia đình tôi có thêm hy vọng", ông Vương nói.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Quý (xã Phú Xuân) cũng đang gấp rút thu hoạch 8 sào cà phê (trồng thuần), với sản lượng ước đạt 3 tấn khô (tương đương năm ngoái). Ông Quý cho biết năm nay người trồng cà phê rất vui. Dù đã gắn bó với cây cà phê nhiều năm nhưng chưa năm nào giá đạt cao như năm nay. Với giá cà phê hiện tại là hơn 65.000 đồng/kg, sau khi đã trừ các chi phí thì gia đình ông vẫn có lãi 20.000 đồng/kg.
Thế nhưng, trong khi người dân phấn khởi thì đại lý và thương lái méo mặt vì không có nguồn hàng để mua. Ông Nguyễn Văn Vinh, một đại lý ở xã Ea Nam, Ea H’leo (Đắk Lắk), cho biết hiện đại lý của ông chỉ mua đến đâu bán đến đó để kiếm lời, do giá cao nên không đủ tài chính để trữ hàng.
"Người dân hiện cũng chưa bán hàng nhiều dù giá cao, nên việc thu mua khá khó khăn", ông Vinh nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm nay diễn biến thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng cà phê tương đối bảo đảm. Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cao nhất trong vòng hai năm qua, lại đúng thời điểm thu hoạch nên niềm vui của người trồng cà phê được nhân lên.
Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 của Đắk Lắk có thể đạt từ 570.000 - 585.000 tấn, tăng 5 - 7% so với niên vụ trước.
Cà phê Việt bước vào "thập niên lấp lánh"?
Ông Phan Minh Thông, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, một trong những nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, cho hay chưa bao giờ giá cà phê và hình ảnh cà phê của Việt Nam lại lên cao như giai đoạn hiện nay.
Nếu như trước kia, cà phê Việt Nam không được đánh giá cao, bị coi là chất lượng thấp nên giá bán thấp thì đến nay cà phê trong nước đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong phân khúc robusta.
Không những vậy, Việt Nam hiện gần như là nhà cung cấp cà phê robusta số 1 không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng và khả năng cung ứng. Hiện tại Phúc Sinh đang không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam.
"Cà phê Ấn Độ giá rất cao, Indonesia làm ra bao nhiêu tiêu dùng trong nước bấy nhiêu, cà phê robusta Brazil thì chất lượng không thể so sánh với cà phê Việt. Vì vậy, các nhà nhập khẩu cả thế giới đang hướng tới Việt Nam để mua cà phê là chuyện đương nhiên.
Tình hình này sẽ còn kéo dài trong các năm tiếp theo. Nên đây sẽ là xu hướng của một thập niên lấp lánh của ngành cà phê Việt Nam sắp tới", ông Thông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nam Hải cho hay thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch cà phê robusta, cà phê của các nước khác như Indonesia hay Brazil phải qua tháng 4 đến tháng 7-2024 mới thu hoạch.
Không những vậy, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và người dân chuyển đổi sang cây trồng khác nên nguồn cung cà phê Việt Nam, nước có sản lượng robusta lớn nhất thế giới, cũng suy giảm trong các năm gần đây càng làm tình hình cung ứng hạn chế, góp phần đẩy giá lên cao.
"Tất nhiên, do đặc thù của ngành cà phê là giao dịch kỳ hạn, đầu tư tài chính nên cũng có phần do các nhà đầu cơ đẩy giá. Nhưng ít nhất từ nay đến tháng 4-2024 khi chưa có nguồn cung hàng bổ sung ra thị trường ngoại trừ Việt Nam thì có thể kỳ vọng mức giá này sẽ còn được giữ vững và người hưởng lợi chính là nông dân trồng cà phê trong nước", ông Hải nhận định.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()