Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:09 (GMT +7)
Gia đình lớn của người Sán Chỉ ở Đại Dực (Tiên Yên)
Chủ nhật, 27/06/2021 | 16:08:32 [GMT +7] A A
Người Sán Chỉ ở huyện Tiên Yên sống tập trung thành vùng, chủ yếu ở xã Đại Dực. Đến Đại Dực, ta thấy trên những quả đồi, nhiều ngôi nhà liền kề sát vách nhau. Đó là ngôi nhà lớn, có khi đến 4 thế hệ người Sán Chỉ sống trong đó.
Trong các ngôi nhà, tiếng nói của người cao tuổi rất được tôn trọng. Trước đây, đời sống khó khăn, bà con trong xã tự giúp nhau làm nhà. Khi đó, người cao tuổi trong các gia đình phát động con cháu đến giúp gia đình có việc để hoàn thiện ngôi nhà.
Công việc được phân công rõ ràng, người biết xây, người làm mộc đều được giao việc phù hợp. Những người không biết kỹ thuật thì làm các việc khuân, bê, bưng, mang vác hoặc thổi cơm phục vụ. Rồi lần lượt đến người khác trong làng làm nhà, các gia đình lại bảo nhau đến giúp. Vì thế mà một thời gian khó, bà con trong xã đều làm được nhà mà không cần phải thuê thợ từ nơi khác đến mất nhiều tiền công.
Những ngày mùa bận rộn, bà con lại đến giúp nhau cày ruộng, cấy lúa, gặt hái. Phần lớn các thửa ruộng ở Đại Dực đều là ruộng bậc thang, nên việc bà con đổi công cho nhau thật hiệu quả, vì nếu thuê mướn thì chuyện đồng áng chẳng còn lời lãi.
Ngay cả việc vui chơi, người Sán Chỉ cũng mang tính gia đình cao. Hàng năm trên địa bàn xã thường diễn ra các lễ hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ. Tại các lễ hội này, người ta thường thấy những ông chồng cần mẫn luôn sát cánh bên vợ trong các cuộc thi.
Các môn thi là những công việc của phụ nữ như thi nấu xôi ngũ sắc, làm cỗ Sán Chỉ, làm bánh dày hay thi gói bánh cốc mò. Tuy vậy, người ta lại thấy các ông chồng rất hoạt bát trong các công việc bếp núc không kém gì phụ nữ. Ở Đại Dực, sự thành công của người phụ nữ đều có bóng dáng của người đàn ông trong gia đình.
Hầu như người Sán Chỉ nào cũng biết hát Soóng cọ, bởi trong cuộc sống của họ không biết hát cũng đồng nghĩa sẽ bị yếu thế nhiều mặt, nhất là chuyện tìm bạn đời. Các chàng trai, cô gái thường tìm đến nhau qua các buổi hò hẹn, hát hò. Cuộc sống của người Sán Chỉ khó có thể tách rời những vạt rừng, thửa ruộng, khe suối, vì đó là những nơi họ trao cho nhau từng câu hát, khi lời hát đã đủ hòa nhịp ăn ý, họ có thể đến với nhau rồi cùng nắm tay nhau, đi với nhau suốt cuộc đời. Khi đã thành đôi, vợ chồng về sinh sống với nhau, người Sán Chỉ cũng vẫn thường xuyên hò hát.
Ở xã Đại Dực có ngọn đồi rất nổi tiếng gọi là đồi Tình. Tuổi thanh niên, các nam thanh nữ tú Sán Chỉ thường hẹn hò trên đồi Tình. Ngọn đồi giống như “ông Tơ bà Nguyệt” xe duyên hạnh phúc của rất nhiều đôi trai gái và là sân chơi tuổi thanh xuân đầy lãng mạn đối với thanh niên Sán Chỉ miền Đông một thời.
Ông Tằng Móc Phống, thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, năm nay đã hơn 60 tuổi, thời thanh niên một thời ông là “ca sĩ” trên đồi Tình. Ông bảo: “Nhiều đêm có đến hơn trăm người cả nam lẫn nữ cùng lên đồi, cùng hát đối giữa làng nọ với làng kia. Có khi là một bài hát truyền thống của ông bà khi xưa, hay do nghệ nhân trong làng sáng tác. Đôi khi là do chính người hát với nhau rồi tự sáng tác ra, vui lắm. Đồi Tình tạo sự đoàn kết mãnh liệt giữa người dân trong làng, nhưng chỉ là ca hát thôi.
Theo ông Phống, trên đồi Tình có cả các cặp vợ chồng đã cưới nhau cũng lên đó để thỏa niềm vui ca hát của họ. Nhiều anh chàng có vợ, hay phụ nữ đã có chồng vẫn một mình lên đồi Tình hò hát mà không sợ người kia ghen. Vì hầu như cả xã Đại Dực bà con đều coi nhau như một gia đình lớn, người ta tin tưởng nhau hoàn toàn, vậy là ai bận thì ở nhà, để người kia lên đồi Tình hò hát mà không ai hiểu lầm nhau cả...
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()