Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ
Chủ nhật, 27/06/2021 | 17:10:43 [GMT +7] A A
Từ thời Pháp thuộc, Vùng mỏ đã có rất nhiều người từ các tỉnh khác đến làm phu, ở lại sinh cơ lập nghiệp, đến nay đã qua nhiều thế hệ. Quảng Ninh vô hình trung trở thành nơi hội tụ văn hoá của nhiều vùng, miền. Và kiểu gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ là một nét đặc trưng văn hoá ở Quảng Ninh.
Từ Đông Triều qua Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long đến Cẩm Phả, các mỏ than nối tiếp nhau tạo ra sự quần tụ công nhân mỏ với nhau. Bởi thế, gia đình thợ mỏ là nơi hội tụ, lưu giữ các giá trị văn hoá vùng, miền và góp phần cấu kết cộng đồng dân cư mới trên đất mỏ. Ở đó, hình thành những xóm thợ hay làng mỏ, như: Làng mỏ Cao Sơn, Mông Dương, xóm thợ Mạo Khê, Hà Lầm v.v.
Gia đình thợ mỏ ở Quảng Ninh chủ yếu là gia đình 3 thế hệ, một số gia đình ở chung một nhà thành kiểu “tam đại đồng đường”, rất hiếm kiểu “tứ đại đồng đường”, như: Gia đình cụ Châu Văn Long và bà Nguyễn Thanh Thuỷ ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả), gia đình cụ Vũ Đình Chầm ở phường Hà Lầm (TP Hạ Long). Đặc biệt có những gia đình thợ mỏ có đến 5 thế hệ công tác trong ngành Than như: Gia đình cụ Phạm Thị Mai, gia đình cụ Vũ Văn Kinh cùng ở phường Cẩm Thành, gia đình cụ Trần Đình Hiện, gia đình cụ Trương Minh Duệ cùng ở phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả).
Kiểu gia đình có 3 thế hệ đều công tác trong các đơn vị của ngành Than, như: Gia đình ông Mai Hữu Phần ở phường Cẩm Bình, ông Nguyễn Đức Ứng ở phường Cẩm Phú, gia đình cụ Nguyễn Thị Dậu ở phường Cẩm Tây, gia đình ông Phạm Văn Thành, phường Cẩm Đông, gia đình bà Phạm Thị Mai ở phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả); gia đình anh Trần Văn Hải ở phường Hà Lầm, gia đình cụ Phạm Văn Doãn ở phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), gia đình ông Đỗ Văn Quang ở phường Vàng Danh, gia đình ông Nguyễn Trung Phương ở phường Trưng Vương (TP Uông Bí) v.v..
Tuy nhiên, kiểu gia đình truyền thống có từ 3 thế hệ trở lên còn đang làm thợ mỏ ở Quảng Ninh hiện nay còn lại không nhiều. Phần lớn mô hình gia đình thợ mỏ ở Quảng Ninh bây giờ là gia đình cơ bản hay gia đình hạt nhân (kiểu gia đình 2 thế hệ).
Do đời sống ca kíp nên công nhân mỏ đến bữa cơm gia đình hàng ngày nhiều người cũng khó có thể sum họp. Nhiều gia đình đã quen với cảnh người nọ hết ca về nhà thì người kia vào ca mới. Có những gia đình hai bố con làm cùng mỏ nhưng khác ca, người vợ làm phụ trợ hoặc làm hành chính. Có khi ở trong cùng một mái nhà nhưng không phải ngày nào cũng nhìn thấy nhau.
Theo ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, mặc dù đời sống ca kíp bận rộn nhưng văn hoá gia đình thợ mỏ không bị phá vỡ. Thậm chí các gia đình thợ mỏ hiện nay còn thể hiện sự hoà trộn, giao thoa văn hoá nhiều vùng miền với văn hoá bản địa, tạo nên văn hoá cộng đồng của cư dân Vùng mỏ. Người thợ mỏ sống với nhau rất cởi mở, giao thoa tụ hội vùng miền.
Tuy nếp sống ca kíp của công nhân mỏ có mệt nhọc, nhưng chính nếp sống hiện đại đã có tác động tốt chứ không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống công nhân. Nếp sống gia đình thợ mỏ đã thay đổi tư duy người công nhân theo hướng tích cực. Và đây cũng là nền tảng để giáo dục truyền thống gia đình, truyền thống văn hóa công nhân mỏ cho các thế hệ kế cận sau này đi tiếp con đường của cha ông họ đã đi qua, góp phần xây dựng Vùng mỏ Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()